Vì sao tân Giáo hoàng chọn tông hiệu là Leo XIV?
Tân Giáo hoàng đã chọn tông hiệu là Leo XIV. Các chuyên gia cho biết, 'Leo' cùng với 'Clement' là những cái tên phổ biến thứ 4 được các nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo La Mã lựa chọn từ trước tới nay.

Tân Giáo hoàng. Ảnh: EPA
Theo các chuyên gia, tân Giáo hoàng chọn tông hiệu Leo XIV là muốn nói tới dấu ấn "xã hội" mà ông muốn dành cho thời kỳ lãnh đạo Giáo hội Công giáo của mình. Ngoài ra, việc chọn tên gọi thường phản ánh sự ngưỡng mộ đối với một giáo hoàng trước đó. Động thái có thể báo hiệu sự tiếp nối hoặc cắt đứt với quá khứ và cho thấy liệu nhà lãnh đạo mới của giáo hội là người tiến bộ hay theo chủ nghĩa truyền thống.
John Allen, chuyên gia về Vatican cho hay: "Việc lựa chọn tên gọi có thể là tín hiệu đầu tiên của tân Giáo hoàng về phong cách ông dự định theo đuổi".
Ý nghĩa tông hiệu Leo XIV
Hãng tin CNN viết, đây là giáo hoàng đầu tiên trong hơn một thế kỷ chọn tông hiệu là Leo. Người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã gần đây nhất chọn tông hiệu này là cố Giáo hoàng Leo XIII, tại vị từ năm 1878 cho tới khi qua đời vào năm 1903. Đức Giáo hoàng Leo XIII là người kiên quyết bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Cố Giáo hoàng Leo XIII đã đặt nền móng cho tư tưởng xã hội Công giáo hiện đại. Thông điệp nổi tiếng nhất của ông là "Thay đổi mang tính cách mạng" năm 1891, đề cập tới quyền của người lao động và chủ nghĩa tư bản vào buổi bình minh của thời đại công nghiệp.
Natalia Imperatori-Lee, Trưởng khoa nghiên cứu tôn giáo tại Đại học Manhattan (Mỹ) cho biết, tông hiệu "tượng trưng cho cam kết đối với các vấn đề xã hội". Học giả này bày tỏ: "Tôi nghĩ, khi chọn tông hiệu, tân Giáo hoàng muốn truyền tải điều gì đó về công lý xã hội và đó sẽ là ưu tiên hàng đầu của ngài. Đức Giáo hoàng Leo đang tiếp tục phần lớn sứ vụ của cố Giáo hoàng Francis".
Trong một cuộc họp báo diễn ra sau Mật nghị hồng y hôm 8/5, phát ngôn viên Vatican Matteo Bruni cho biết, việc lựa chọn tông hiệu là sự đề cập rõ ràng tới học thuyết xã hội hiện đại của Giáo hội, vốn bắt đầu bằng "thay đổi mang tính cách mạng". Tông hiệu Leo xuất hiện một lần nữa giống như sợi dây liên kết tốc độ thay đổi của công nghệ hồi thế kỷ XIX với thời đại hiện nay, đồng thời nhắc tới những người đàn ông và phụ nữ, công việc của họ và những người lao động trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo.
Lý do Giáo hoàng cần chọn tên mới
Theo Vatican News, sau khi được bầu, tân Giáo hoàng đối mặt với 2 câu hỏi "Ngài có chấp nhận việc bầu chọn theo giáo luật làm Giáo hoàng không?" và "Ngài muốn được gọi tên gì?".
Giáo hoàng mới sẽ chỉ có một thời gian ngắn để chọn danh hiệu chính thức trước khi mặc phẩm phục và được mời lên ban công của Vương cung Thánh đường Thánh Peter để ra mắt toàn thế giới.
Việc thay thế tên rửa tội thành tông hiệu giáo hoàng là một truyền thống đã tồn tại nhiều thế kỷ, có nguồn gốc sâu xa trong lịch sử Giáo hội, gắn liền với nguồn gốc của Kito giáo. Chính Chúa Giê-xua đã đổi tên tông đồ Simon thành Peter, vị Giáo hoàng đầu tiên.
Việc tên rửa tội được thay thế bằng tông hiệu gần như để làm nổi bật "sự tái sinh" giám mục La Mã sẽ thực hiện sau khi được bầu. Những tông hiệu được các giáo hoàng sử dụng nhiều nhất sau khi được bầu là Pius, Gregory, John, Benedict, Innocente, Leo và Clemente. Cho đến nay, chưa có giáo hoàng nào chọn tên là Peter như tên vị Giáo hoàng đầu tiên.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vi-sao-tan-giao-hoang-chon-tong-hieu-la-leo-xiv-2399370.html