Vì sao Tào Tháo chỉ xưng vương dù cực kỳ mưu trí?
Là nhân vật nổi tiếng thời Tam quốc, Tào Tháo dũng cảm, mưu trí hơn người nhưng cũng rất đa nghi, gian trá. Dù có ảnh hưởng lớn nhưng Tào Tháo chỉ dám xưng vương, không xưng đế như Lưu Bị hay Tôn Quyền.

Tào Tháo (155 - 220), tự Mạnh Đức, tiểu tự A Man, là nhà chính trị, nhà quân sự nổi tiếng cuối thời Đông Hán và thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông được đánh giá là người dũng cảm, mưu trí hơn người nhưng cũng rất đa nghi, gian trá.

Trong quá trình xây dựng đại nghiệp, Tào Tháo đã chiêu mộ không ít văn nhân, võ tướng như Hạ Hầu Đôn, Tào Nhân, Trương Liêu, Nhạc Tiến, Vu Cấm, Quách Gia, Tuân Úc, Trình Dục.... Nhờ chính sách trọng dụng người tài, Tào Tháo từng bước trở thành một trong những thế lực mạnh nhất thời Tam quốc.

Với tài cầm quân, Tào Tháo đã chỉ huy nhiều chiến dịch quân sự từ nam ra bắc, đánh bại nhiều kẻ thù mạnh. Sau khi thống nhất phương Bắc, Tào Tháo đã dựng nên nước Ngụy.

Dù vậy, Tào Tháo lại không xưng đế mà chỉ xưng vương: Ngụy Vương. Điều này khiến nhiều người tò mò vì sao Tào Tháo chỉ dám xưng vương mà không xưng đế như Lưu Bị hay Tôn Quyền.

Theo một số nhà nghiên cứu, Tào Tháo không làm hoàng đế vì đó là mưu kế và cũng là nỗi khổ tâm của ông. Bởi lẽ, Tào Tháo ban đầu đã dựa vào cái gọi là “hưng nghĩa binh, trừ bạo loạn, phò tá thiên tử, vương thất”.

Vì vậy, danh nghĩa tôn Hán, phò tá Hán Hiến Đế và giương cao ngọn cờ đánh đuổi nghịch tặc, Tào Tháo đã hiệu triệu thiên hạ, thu phục lòng dân.

Nếu Tào Tháo lật đổ Hán Hiến Đế và xưng đế thì sẽ trở thành kẻ bất trung, đánh mất lòng dân và sẽ phải đối mặt với nhiều cuộc nổi loạn. Khi ấy, Tào Tháo sẽ khó có thể giữ được quyền lực và địa vị tối thượng đã giành được.

Dù không xưng đế nhưng thực chất Tào Tháo đã hưởng đặc quyền như một vị vua. Bởi lẽ, vào năm 214, Tào Tháo chính thức hưởng thụ đãi ngộ của tước vương. Một năm sau, Hán Hiến Đế ban cho Tào Tháo quyền phân phong chư hầu, nắm quyền lực thái thú và quốc tướng. Điều này xuất phát từ việc Hán Hiến Đế từ lâu đã chỉ là một vị vua trên danh nghĩa. Trên thực tế, quyền sinh sát đều nằm trong tay Tào Tháo.

Do đó, đến năm 216, Hán Hiến Đế tiến phong Tào Tháo là Ngụy vương, thừa tướng Ngụy quốc đổi là tướng quốc. Trong những năm sau đó, Tào Tháo còn được hưởng những quyền lợi, nghi lễ dành riêng cho thiên tử, như đội mũ có 12 chuỗi ngọc.

Là người thực dụng và giỏi tính toán, Tào Tháo nắm trọn quyền lực nhà Hán trong tay dù không chính thức đăng cơ, trở thành hoàng đế. Tào Tháo không cần hư danh hoàng đế, giữ được cái danh trung thần nhưng vẫn có thể tận hưởng mọi thứ của bậc thiên tử nhà Hán là đã quá đủ. (*Ảnh trong bài mang tính minh họa).
Mời độc giả xem video: Khai quật mộ Tào Tháo, bất ngờ thân phận 2 phụ nữ chôn cùng.