Vì sao tàu điện Cát Linh - Hà Đông ngày càng hút khách?

Sau 1 năm khai thác thương mại, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông thu hút hơn 8 triệu lượt hành khách. Trong đó hơn 10.000 người dùng vé tháng.

Đến nay, nhiều người lựa chọn tàu điện để di chuyển thay vì phương tiện cá nhân.

Sau hơn 1 năm vận hành, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngày càng thu hút nhiều người dân từ bỏ phương tiện cá nhân để lựa chọn đi tàu điện. Ảnh: Tạ Hải

Sau hơn 1 năm vận hành, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngày càng thu hút nhiều người dân từ bỏ phương tiện cá nhân để lựa chọn đi tàu điện. Ảnh: Tạ Hải

An toàn, thuận tiện, đúng giờ

Sau 1 năm đi làm bằng tàu điện, chị Nguyễn Thị Thanh (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ: “Từ nhà tôi đến chỗ làm việc khoảng 18km.

Trước đây, ngày nào tôi cũng phải đi xe máy đường dài, ùn tắc, cảm giác mệt mỏi, mất an toàn.

Từ khi có tàu điện, tôi chỉ phải đi xe máy từ nhà tới Bến xe Yên Nghĩa, sau đó gửi xe và lên ga đi tàu tới điểm cuối, đi bộ tới công ty khoảng 500m”.

Cũng theo chị Thanh, một năm nay, mỗi ngày đi làm, ngồi trên tàu nhìn thấy dòng người chật vật, đông đúc phía dưới, chị cảm thấy mình thật may mắn.

“Có hôm vội đi làm tôi chưa kịp trang điểm nhưng ngồi trên tàu tôi vẫn thư thả để làm điều đó, thấy cuộc sống nhẹ nhàng, vui vẻ hơn nhiều!”, chị Thanh kể.

Tương tự, anh Trần Việt Hoàng (phố Phùng Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) cũng cho biết: “Hơn một năm qua tôi đã sử dụng tàu điện để đi làm.

Thay vì phải mất hàng giờ đồng hồ chạy xe máy trong khói bụi, tắc đường, chưa kể nguy hiểm luôn rình rập sau tay lái, giờ tôi chỉ mất 12 phút đi từ ga Hà Đông tới ga La Thành và đi bộ thêm khoảng hơn 100m tới nơi làm việc.

Không chỉ tránh được khói bụi, tắc đường, ngồi trên tàu tôi còn có thời gian đọc tin nhắn, xem tin tức. Chỉ mất 200.000 đồng để đi tàu hàng tháng, giờ giấc chuẩn chỉ, thật không còn gì hơn”.

Hơn 8 triệu lượt hành khách sử dụng

Tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông đã có hơn 8 triệu lượt hành khách sử dụng. Ảnh: Tạ Hải

Tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông đã có hơn 8 triệu lượt hành khách sử dụng. Ảnh: Tạ Hải

Theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, hơn một năm kể từ khi chính thức đưa vào phục vụ, tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông đã có hơn 8 triệu lượt hành khách sử dụng.

Phần lớn hành khách lựa chọn tàu điện làm phương tiện đi lại thường ngày.

“Công ty đã đảm bảo 100% số lượt chuyến an toàn, đúng giờ. Quan trọng hơn nữa là tuyến Cát Linh - Hà Đông đã thay đổi thói quen đi lại của một bộ phận người dân Thủ đô, họ chấp nhận đi bộ xa hơn hoặc dùng xe buýt kết nối để đến nhà ga... Văn hóa sử dụng phương tiện công cộng theo đó cũng dần trở nên tích cực hơn”, ông Trường cho hay.

Ông Trường cũng cho biết, trong năm vừa qua, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đã tạo dựng được đội ngũ quản lý, vận hành một cách chuyên nghiệp. Hiện tất cả các khâu vận hành đều do cán bộ, công nhân viên người Việt Nam đảm nhiệm và đạt kết quả tuyệt đối.

Tuyến Cát Linh - Hà Đông còn là hạt nhân quan trọng, là lớp đào tạo thực tế cho ngành đường sắt đô thị của cả nước.

Hiện đơn vị đã cử 30% đội ngũ cán bộ, công nhân viên sang tuyến đường sắt đô thị số 3.1 Nhổn - Ga Hà Nội để làm quen và tổ chức thành lực lượng nòng cốt vận hành tuyến sau này.

“Các chuyên gia nước ngoài đánh giá rất cao kinh nghiệm chuyên môn và nỗ lực của nhóm nhân sự được đưa sang chuẩn bị cho tuyến số 3.1. Tới đây, chúng tôi còn hỗ trợ tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, TP.HCM”, ông Trường thông tin.

Ông Trường cho biết, ngoài doanh thu từ vé và trợ giá của TP Hà Nội, công ty cũng đang xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình thương mại, tạo doanh thu ngoài vé theo đúng quy định.

Việc hình thành hoạt động kinh doanh tại các nhà ga không chỉ mang ý nghĩa về kinh tế mà còn tăng thêm tiện ích, thu hút người dân đến với đường sắt đô thị nhiều hơn nữa.

“Để tiếp nhận, vận hành tốt tuyến Cát Linh - Hà Đông ngay từ những ngày đầu cho tới hôm nay, động lực mạnh mẽ nhất của chúng tôi là sự kỳ vọng của người dân. Cùng đó là sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ, Bộ GTVT, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội và các sở, ngành liên quan.

Tôi rất ấn tượng với sự ủng hộ, chia sẻ của người dân, cán bộ, công nhân viên công ty. Trong lúc khó khăn, nhiều nhân viên chấp nhận chậm lương để duy trì công việc. Tinh thần của công ty là cứ làm, làm thật tốt để người dân ghi nhận, để người dân cùng các cấp lãnh đạo trông thấy sự hiệu quả”, ông Trường chia sẻ.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13km, tổng mức đầu tư ban đầu (năm 2008) là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD).

Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD). Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Đây là 1 trong 5 tuyến đường sắt đô thị đội vốn trên toàn quốc.

Cuối năm 2021, đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành thương mại. Số liệu thống kê cuối tháng 12/2022, tuyến đã phục vụ khoảng hơn 8 triệu lượt khách, trong đó hơn 10.000 người dùng vé tháng sau hơn một năm vận hành chính thức.

Ngày bình thường có hơn 32.000 lượt hành khách, ngày cuối tuần dao động từ 26.000 - 28.000 lượt khách.

Lê Tươi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-tau-dien-cat-linh-ha-dong-ngay-cang-hut-khach-d580400.html