Xe bọc thép BTR-90 (hay còn gọi là GAZ-5923) do nhà máy chế tạo Arzamas (AMZ) - công ty con của GAZ phát triển từ đầu những năm 1990. BTR-90 ra đời với tham vọng thay thế dòng xe BTR-80 đang phục vụ trong lực lượng vũ trang Liên bang Nga.
Chiếc xe được chế tạo nhằm trang bị cho đơn vị bộ binh cơ giới, lính thủy đánh bộ cung cấp hỏa lực mạnh, vận chuyển binh sĩ, do thám, tuần tra...
Nguyên mẫu BTR-90 được phát triển xong và đưa vào thử nghiệm từ năm 1994. BTR-90 là chiếc xe bọc thép chở quân (APC) được phát triển nối tiếp BTR-80 với sức cơ động địa hình tốt, hỏa lực tăng cường và khả năng sống sót cao dựa vào những thiết kế cách tân.
Dòng xe này được cho là tốt hơn tất cả các phiên bản APC nổi tiếng trước đây của Nga cũng như những xe bọc thép hiện đại của nhiều quốc gia khác trên thế giới thời điểm đó. BTR-90 với trọng lượng tổng thể 20,9 tấn, dài 7,64m, rộng 3,2m, cao 2,98m.
BTR-90 được cải thiện đáng kể khả năng bảo vệ với lớp giáp trước chống chịu được đạn xuyên giáp 14,5mm, chống được đạn súng 7,62mm và 12,7mm ở hông xe. Ngoài ra, người ta có thể trang bị cả giáp phản ứng nổ khi cần cho BTR-90.
Xe bọc thép chở quân BTR-90 trang bị động cơ diesel tua bin tăng áp 510 mã lực với hệ truyền động 8x8 bánh lốp cho tốc độ tối đa đến 100km/h trên đường bằng, tầm hoạt động 800km.
Khả năng bơi lội của BTR-90 cũng không thua kém BTR-80 khi được trang bị hai động cơ phản lực nước cho tốc độ bơi tới 9km/h.
Bố trí trong thân BTR-90 không khác nhiều BTR-80 khi khoang lái đặt trước thân xe, tiếp đó là khoang chiến đấu với tháp pháo, khoang chở quân và sau cùng là khoang động cơ.
BTR-90 có khả năng chở theo 7 binh sĩ với trang bị đầy đủ.
Đáng tiếc, cửa ra của lính bộ binh trên xe vẫn đặt ở hai bên hông khiến họ dễ bị tổn thương trên chiến trường.
Hỏa lực của BTR-90 cũng rất ấn tượng thời điểm bấy giờ với việc trang bị tháp pháo của xe chiến đấu bộ binh BMP-2.
Tháp pháo này lắp pháo tự động 30mm 2A42 cùng 500 viên đạn, súng máy đồng trục PKT 7,62mm, súng phóng lựu AGS-17. Ngoài ra BTR-90 còn lắp giá phóng tên lửa chống tăng Konkurs trên nóc tháp pháo
Sau này, phải tới thế hệ BTR-82A thì dòng BTR-80 mới có sức mạnh hỏa lực tương đương BTR-90.
So với BTR-80, mọi thông số chiến đấu của BTR-90 đều nhỉnh hơn.
Tuy nhiên, việc không có nhiều khác biệt so với BTR-80 nên Bộ Quốc phòng Nga đã từ chối mua mẫu xe này với lý do dễ bị tấn công từ đằng sau và không đáp ứng được các yêu cầu tác chiến hiện đại. Hiện Quân đội Nga vẫn tiếp tục sử dụng BTR-82A để chờ đến khi thế hệ xe bọc thép Bumerang mới chính thức được đưa vào sản xuất hàng loạt.
Theo An ninh thủ đô