Tên lửa SA-3 vì sao bỏ lỡ chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" vẫn được xem là một trong những bí mật lớn nhất thời kỳ đó.
S-125 Neva/Pechora (SA-3 Goa) là hệ thống tên lửa đất đối không của Liên Xô được thiết kế bởi Isayve OKB và đưa vào trang bị từ năm 1963 nhằm bổ sung cho S-25 Berkut và S-75 Volga/Dvina.
Tổ hợp này đã khắc phục nhược điểm của các hệ thống phòng không đời trước khi chuyển sang sử dụng nhiên liệu rắn giúp tên lửa gọn nhẹ hơn và có khả năng cơ động cao hơn. S-125 có phiên bản hải quân được định danh SA-N-1.
Tên lửa V-600 của hệ thống S-125 gồm 2 phần: thân dưới là động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn thời gian hoạt động 2,6 giây, gắn 4 cánh lái hình chữ nhật có thể xoay 90 độ.
Phần trên là động cơ hành trình nhiên liệu rắn có thời gian hoạt động 18,7 giây và đầu đạn, được gắn 4 cánh cố định và 4 cánh lái chuyển động được nhỏ hơn ở đầu. Tên lửa được điều khiển bằng sóng radio thông qua ăng ten bố trí ở cánh lái sau phần thân.
Thông số cơ bản của tên lửa V-600: Chiều dài 6,7 m; đường kính 0,6 m; trọng lượng phóng 400 kg; bán kính sát thương 12,5 m; tầm bắn tối đa 35 km, trần bay 18 km.
Mặc dù được đưa vào phục vụ trong lực lượng phòng không Liên Xô từ những năm 1960, tuy nhiên mãi tới năm 1972, phía bạn mới bắt đầu viện trợ tên lửa SA-3 cho Việt Nam.
Theo Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt - Nguyên Bí thư Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, từ tháng 6/1972, cán bộ chiến sĩ của ta mới sang Liên Xô học tập sử dụng SA-3.
“SA-3 có tốc độ bắn rất nhanh, độ cao tuy không lớn hơn so với SA-2 nhưng ở trong tầm với tới B-52. SA-3 có xác suất trúng mục tiêu cao hơn”, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt nhấn mạnh.
Ngày 5/12/1972, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 277 (trang bị SA-3) về tới Hà Nội, đóng quân tại Vân Nội, Vân Trì, Đông Anh. Tại đây, đơn vị đã củng cố lại tổ chức, sắp xếp lại cán bộ, quán triệt, nhiệm vụ, chuẩn bị trận địa, chờ vũ khí - khí tài về là triển khai chiến đấu ngay.
Tới đêm 18/12/1972, Trung đoàn 276 - đơn vị SA-3 thứ hai về đến ga Kép (Bắc Giang) được lệnh dừng lại. Chỉ huy đơn vị cho bộ đội xuống tàu, kịp thời sơ tán về làng Kép Hạ để chờ các đoàn tàu chở vũ khí khí tài về triển khai chiến đấu.
Với quyết tâm cao, mặc mưa bom bão đạn, địch đánh phá suốt ngày đêm, ban chỉ huy Trung đoàn 276 tập trung mọi khả năng cho tiểu đoàn hỏa lực 169 hoàn chỉnh đồng bộ bước vào chiến dịch trước.
Tiểu đoàn 169 đã chiếm lĩnh và triển khai trận địa ở Bắc Hồng (Đông Anh, Hà Nội), các kỹ sư và nhân viên kỹ thuật làm việc hết sức mình triển khai nhanh dây chuyền lắp ráp được 4 quả đạn SA-3.
Rất tiếc, khi công tác chuẩn bị chiến đấu hoàn tất, tên lửa đã nằm trên bệ sẵn sàng diệt B-52 thì chiến dịch phòng không đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 của Không quân Mỹ vào Hà Nội kết thúc.
“Trong niềm hân hoan đón mừng chiến thắng của dân tộc, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 276 ai cũng nuối tiếc đã không kịp phóng đạn đánh vào những chiếc máy bay cuối cùng của địch trên bầu trời Hà Nội".
"Nhiều người đã thốt lên: Nếu như đạn về đồng bộ với vũ khí khí tài thì trung đoàn đã phát huy được hỏa lực tham gia những trận đánh cuối cùng bảo vệ Hà Nội”, tài liệu Lịch sử Trung đoàn 276 viết.
Bạch Dương