Vì sao Tết Đoan ngọ luôn có có rượu nếp và trái cây chua?
Vì sao Tết Đoan ngọ luôn có có rượu nếp và trái cây chua như mận hoặc vải, đó là điều rất nhiều người thắc mắc khi chuẩn bị cho ngày 5/5 Âm lịch.
Ngày mùng 5/5 Âm lịch hàng năm, người dân Việt Nam lại đón mừng Tết Đoan ngọ, còn gọi là Tết diệt sâu bọ.
Tết Đoan ngọ gắn liền với kinh nghiệm dân gian về vòng tuần hoàn của tự nhiên, thời tiết và ảnh hưởng của chúng tới sức khỏe, sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Thời điểm quan trọng nhất trong ngày này là giờ Ngọ 911-13h), khi dương khí mạnh nhất, phù hợp để tiến hành các nghi lễ diệt sâu bọ nhằm cầu mong một mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh.
Vì sao Tết Đoan ngọ luôn có có rượu nếp và trái cây chua?
Tùy từng địa phương mà mâm cỗ cúng Tết Đoan ngọ có sự thay đổi, tuy nhiên về cơ bản, lễ cúng Tết Đoan ngọ luôn có có rượu nếp và trái cây chua như vải, mận...
Dân gian tin rằng các loại thức ăn với đủ vị cay, nóng, ngọt, chua, đắng có thể giết sâu bọ trong cơ thể, giữ cho con người không bị bệnh tật. Người Việt thường chuẩn bị trái cây đúng mùa như vải, mận, cùng với bánh tro và đặc biệt là rượu nếp để cúng trong Tết Đoan ngọ.
Theo quan niệm dân gian, sâu bọ chính là các loại vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn, nấm và các ký sinh trùng trong cơ thể. Khi sức đề kháng giảm hoặc có vấn đề sức khỏe, những vi sinh vật có hại sẽ hoạt động mạnh hơn, gây ốm, bệnh.
Trong khi đó, rượu nếp không chỉ là món ăn truyền thống hấp dẫn mà còn mang lợi ích sức khỏe đáng kinh ngạc. Món này có thể kích thích vị giác, đem lại cảm giác ngon miệng, hỗ trợ tiêu hóa. Các loại enzym và chất xơ dồi dào trong cơm rượu nếp cũng rất tốt cho hệ tiêu hóa.
Một nghiên cứu Đại học bang Louisiana (Mỹ) trên những người có tiền sử dị ứng với thuốc hạ huyết áp cho thấy cơm rượu nếp cẩm có thể làm giảm nồng độ cholesterol có hại trong máu. Các nhà khoa học chia những người tình nguyện thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất sử dụng thuốc hạ huyết áp, nhóm thứ hai ăn cơm rượu nếp cẩm, tất cả đều cùng tham gia một quá trình điều trị bằng cách thay đổi hoạt động sống.
Kết quả kiểm tra vào tuần thứ 12 và tuần thứ 24 cho thấy lượng cholesterol ở nhóm thứ hai giảm nhiều hơn so với nhóm thứ nhất. Điều này chứng tỏ rằng rượu nếp có tác dụng rất tốt trong việc phòng ngừa tim mạch, tăng huyết áp và đột quỵ.
Cám từ gạo nếp cẩm chứa hàm lượng chất chống oxy hóa anthocyanin rất cao, giúp bảo vệ mạch máu, ngăn chặn sự hủy hoại ADN - nguyên nhân gây ung thư.
Mặc dù quan niệm dân gian "ăn rượu nếp cẩm khi đói sẽ làm sâu bọ trong bụng say chết" chưa có cơ sở khoa học nhưng lợi ích của món ăn này với sức khỏe là có thật.
Tuy nhiên, cơm rượu nếp chỉ nên được ăn ở mức vừa phải; ăn quá nhiều hoặc ăn vào lúc đói sẽ có thể bị say. Bạn không nên ăn món này nếu lái xe vì cơm rượu nếp sẽ làm tăng nồng độ cồn trong máu và hơi thở.
Vậy vì sao Tết Đoan ngọ luôn có có trái cây chua như mận, vải (ngày xưa khi khoa học nông nghiệp chưa phát triển, hai loại quả này không ngọt lịm như bây giờ mà vị chua rất rõ rệt)? Theo quan niệm dân gian, trong Tết Đoan ngọ, các loại tà ma có thể tấn công cơ thể con người qua đường tiêu hóa, việc ăn đồ chua, cơm rượu sẽ giúp loại bỏ hoặc làm suy yếu chúng. Vì thế, các loại trái cây này thường được dùng trong nghi lễ diệt sâu bọ.
Tuy nhiên, vải, mận cũng như nhiều loại trái cây mùa hè khác nếu ăn nhiều sẽ bị nóng, chưa kể đến việc gây tăng cân, tăng đường huyết... Do đó trong ngày Tết Đoan ngọ diệt sâu bọ, bạn chỉ nên ăn mỗi thứ một ít.
Cúng tết Đoan ngọ giờ nào chuẩn nhất?
Thực tế, giờ cúng Tết Đoan ngọ của các gia đình, vùng miền có thể không giống nhau. Tuy nhiên, xét theo quan niệm truyền thống, cúng vào giữa trưa là chuẩn nhất.
Tết Đoan ngọ còn có tên là Tết Đoan dương, trong đó "đoan" là mở đầu, "ngọ" chỉ giờ ngọ - chính trưa, "dương" chỉ khí dương - ngược với âm. Đây là thời điểm mở đầu cho những ngày nóng nhất trong năm, gần hoặc có năm trùng với ngày hạ chí. Theo cách nói của phương Đông thì đây là những ngày dương khí lên cao nhất ở cả trời đất và trong cơ thể người. Và trong ngày này, giờ Ngọ chính là thời điểm dương khí cao tột bậc.
Nói đến Tết Đoan ngọ, chính xác là nói đến thời điểm giữa trưa này. Do đó, việc cúng Tết Đoan ngọ cũng nên được thực hiện trong khoảng từ 11h đến 13h của ngày 5/5 Âm lịch.
Trước đây, nhiều nơi ở Việt Nam có tục hái lá thuốc trong ngày 5/5 và việc này cũng chỉ được thực hiện vào giờ Ngọ, được cho là thời điểm mà dược tính trong cây cỏ lên cao nhất. Dân gian cho rằng vào giờ Ngọ của ngày Đoan dương, trời ban cho con dân người Việt hái bất cứ loại cây lá gì cũng có thể dùng làm thuốc, miễn là được sử dụng đúng bệnh.
Ngày nay, với nhịp sống hiện đại đầy bận rộn, nhiều người không có điều kiện về nhà buổi trưa nên giờ giấc cúng Tết Đoan ngọ cũng dần linh hoạt hơn. Nhiều nhà chỉ cúng vào buổi sáng sớm trước khi đi làm với lễ vật đơn giản gồm hương hoa, trái cây, có thể có cơm rượu nếp, bánh gio. Những nhà có điều kiện dùng bữa trưa với nhau vẫn làm mâm cỗ tươm tất và cúng vào chính ngọ. Một số gia đình cầu kỳ sẽ thắp hương vào sáng sớm để cho mọi người ăn trái cây, rượu nếp giết sâu bọ trước, trưa mới làm mâm cơm cúng gia tiên và các vị thần linh.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/vi-sao-tet-doan-ngo-luon-co-co-ruou-nep-va-trai-cay-chua-ar875142.html