Vì sao thiết giáp M2 Bradley của Ukraine bất lực khi xuyên phá phòng tuyến Nga?

Xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley của phương Tây đã trải qua những trận giao tranh dữ dội ở Ukraine, chứng minh khả năng sống sót và hỏa lực mạnh mẽ trong các cuộc đối đấu với xe tăng Nga. Tuy vậy, chúng vẫn không thể xuyên phá phòng tuyến Nga.

Phương tiện được đặt nhiều kỳ vọng này đã không thể xoay chuyển tình thế của cuộc chiến, trái lại, phải chịu tổn thất nặng nề trong cuộc phản công thất bại của Ukraine năm 2023. Mặc dù được quân đội Ukraine đánh giá cao nhưng thiết giáp Bradley vẫn không thể vượt qua được các tuyến phòng thủ sâu, chiến thuật hợp lý và hỏa lực áp đảo của Nga.

Xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley. Ảnh: Getty

Xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley. Ảnh: Getty

Nếu Ukraine không có đủ số lượng xe chiến đấu bộ binh hoặc giành được ưu thế trên không, họ khó có thể giành được lợi thế dù sở hữu những thiết bị tốt nhất của phương Tây. Theo giới phân tích, xe chiến đấu bộ binh Bradley không thất bại trên chiến trường Ukraine nhưng nó cũng không phải là vũ khí quyết định mà nhiều người kỳ vọng.

Không đáp ứng kỳ vọng

Cuộc chiến ở Ukraine đã phơi bày những điểm yếu của nhiều xe bọc thép trong cuộc xung đột hiện đại, cho dù đó là xe tăng T-90M của Nga hay xe tăng Leopard 2 của Đức. Các loại phương tiện này đều đã bị phá hủy với số lượng lớn và tổn thất về thiết giáp ở cả hai bên đều cao đến mức đáng kinh ngạc

Tương tự như vậy, xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley cũng gặp rất nhiều thách thức trên các chiến trường đầy rẫy máy bay không người lái của Nga. Mặc dù M2 đã chứng minh được sức mạnh ở Ukraine, nhưng cuối cùng nó vẫn không thể trở thành nhân tố thay đổi “cục diện cuộc chơi” mà Ukraine cần và không thể giúp Kiev đảo ngược tình thế.

Mặc dù có tuổi đời cao, nhưng thiết giáp M2 Bradley vẫn có nhiều khả năng tiên tiến như lớp giáp được nâng cấp, hệ thống kiểm soát hỏa lực tốt hơn cùng hệ thống chỉ huy và kiểm soát điện tử tiên tiến. Mặc dù số lượng Bradley mà phương Tây cung cấp cho Ukraine tương đối ít, nhưng chúng vẫn mang lại rất nhiều lợi thế và giới chuyên gia dự đoán chúng có thể cung cấp cho Ukraine những khả năng cần thiết để đẩy lùi quân đội Nga.

Thiết giáp M2 Bradley thất bại trước phòng tuyến Nga

Thiết giáp M2 Bradley lần đầu được triển khai trong chiến đấu vào mùa xuân năm 2023 khi Ukraine mở cuộc phản công ở khu vực Zaporizhzhia với mục tiêu phá vỡ các tuyến phòng thủ của Nga và cô lập Crimea. Kiev cũng triển khai một số thiết bị khác do phương Tây tài trợ như xe tăng Leopard 2 và AMX-10 RC của Pháp.

Nhưng kết quả không mấy khả quan. Cuộc phản công đã giúp Ukraine giành lại được 370 km² lãnh thổ (phần lớn trong số đó đã bị Nga chiếm lại thời gian sau đó). Nhưng Kiev mất rất nhiều thiết bị phương Tây. Không thể tiếp cận Melitopol, Ukraine hầu như không thể phá vỡ tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga.

Vậy điều gì đã xảy ra? Vấn đề chính là Bradley đã lao vào các tuyến phòng thủ được xây dựng kỹ lưỡng trong khi có rất ít hoặc không có sự yểm trợ trên không.

Nga dường như biết trước Ukraine đang lên kế hoạch tấn công ở đâu và đã chuẩn bị thiết lập hoặc củng cố các chiến hào và tạo ra những bãi mìn rộng lớn. Đối với Bradley và Leopard 2, việc phá vỡ những chiến hào như vậy là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đặc biệt là khi không có sự hỗ trợ của không quân. Các đơn vị Ukraine đã trúng kế của Nga và sa vào những bãi mìn đang chờ đợi phía trước.

Sau khi cuộc phản công của Ukraine tại Zaporizhzhia kết thúc trong thất bại, thiết giáp M2 Bradley đã được chuyển đến các khu vực khác ở Ukraine và gặt hái được một số thành công.

Được trang bị M2A2, lữ đoàn 47 của Ukraine đã nỗ lực bám trụ tại Avdiivka và các thị trấn khác ở miền trung Donbass. Các đơn vị vận hành của Ukraine đánh giá cao M2, cho rằng phương tiện này có hỏa lực mạnh mẽ và khả năng sống sót cao, giúp cứu được nhiều binh sỹ trên chiến trường.

Trong cuộc chiến tại thị trấn Stepove, hai chiếc Bradley đã đối đầu với một chiếc xe tăng T-90M của Nga, khiến nó hư hại trước khi bị máy bay không người lái cảm tử phá hủy. Ngoài ra, Ukraine cũng công bố video về việc Bradley giành thắng lợi trong các cuộc đấu tay đôi với các xe chiến đấu bộ binh khác của Nga, thậm chí ngăn chặn các đoàn xe bọc thép của đối phương. Có thể thấy, trong số các trang thiết bị mà phương Tây cung cấp cho Ukraine, thiết giáp Bradley đóng vai trò rất quan trọng.

Thiệt hại là điều khó tránh

Theo giới phân tích, ngay cả khi thiết giáp Bradley giành được ưu thế trong các cuộc đấu tay đôi 1:1 với thiết bị của Nga, cục diện chiên trường vẫn tiếp tục thay đổi theo hướng có lợi cho Moscow. Nga vẫn chiếm được Avdiivka mặc dù chịu nhiều tổn thất và hiện đã tiến xa hơn, đang đe dọa các vị trí từng nằm trong tuyến sau của Ukraine.

Mặc dù được kỳ vọng là phương tiện có khả năng thay đổi cục diện, nhưng thiết giáp Bradley cuối cùng đã không thể đẩy lùi hoặc ngăn chặn quân đội Nga.

Theo Oryx, tính đến tháng 1/2024, tổng số thiết giáp Bradley mà Ukraine thiệt hại ước tính lên đến 140. Đây là điều đáng lo ngại đối với Ukraine khi quốc gia này bị thiếu hụt nghiêm trọng cả nhân lực lẫn vật lực.

Không thể phủ nhận thiết giáp Bradley đã hoạt động rất tích cực trên chiến trường, với độ tin cậy và khả năng sống sót cao nhờ vào thiết kế ưu việt. Nhưng Ukraine khó có thể thay đổi cục diện vì sở hữu quá ít phương tiện này trong khi Nga liên tục thay đổi chiến thuật. Khi so sánh với một số phương tiện có từ thời Liên Xô, Bradley vẫn có những thế mạnh vượt trội. Nhưng nếu không có sự hỗ trợ từ trên không hoặc ưu thế về số lượng, thiết giáp này chỉ có thể thực hiện một số nhiệm nhất định với khả năng giới hạn.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo National Security Journal

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/vi-sao-thiet-giap-m2-bradley-cua-ukraine-bat-luc-khi-xuyen-pha-phong-tuyen-nga-post1190039.vov