Vì sao Thủ tướng Nhật từ chức?

Trong một cuộc họp báo hôm 14/8, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (Ki-xhi-đa) đã tuyên bố sẽ không tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do, đảng cầm quyền gọi tắt là LDP, vào tháng tới. Điều này đồng nghĩa với việc Nhật Bản sẽ sớm có Thủ tướng mới. Ông Kishida sẽ từ chức Thủ tướng sau khi Đảng Dân chủ tự do bầu ra lãnh đạo tiếp theo.

Quyết định của ông Kishida được đưa ra trong bối cảnh một số quan chức của đảng Dân chủ tự do dính líu vào một loạt các vụ bê bối tài trợ chính trị.

Đảng Dân chủ Tự do đã nắm quyền kiểm soát Quốc hội trong nhiều năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh Nhật Bản liên tục bị bủa vây bởi các vụ bê bối chính trị, hay đối mặt với nhiều thách thức kinh tế, thì đảng cầm quyền đã không đưa ra được giải pháp ứng phó kịp thời, làm phát sinh bất mãn trong số đông người dân nước này.

Chân dung Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio

Chân dung Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio

Các nhà phân tích chính trị cho biết danh tiếng của Thủ tướng Kishida bị ảnh hưởng do ông không đưa đước ra các giải pháp mang tính đột phá cho các thách thức mà Nhật Bản đang phải đối mặt, như suy giảm dân số nghiêm trọng, nền kinh tế trì trệ và mức nợ tăng vọt. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo này vẫn duy trì các chính sách kinh tế lâu đời của đảng cầm quyền, mặc dù không phát huy được hiệu quả.

Người dân Nhật bản đang phải gánh chịu những áp lực lớn từ việc giá cả leo thang. Theo kết quả cuộc khảo sát toàn diện về điều kiện sống do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công bố mới đây, giá cả tăng tiếp tục gây khó khăn cho cuộc sống của 59,6% số hộ gia đình ở nước này, tăng 8,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Trong những tháng gần đây, tỷ lệ ủng hộ đối với chính quyền ông Kishida đã giảm xuống đáng kể. Một cuộc thăm dò gần đây của đài truyền hình công cộng NHK cho thấy, chỉ có 20% người dân bày tỏ sự ủng hộ đối với chính quyền tổng thống đương nhiệm, trong khi có đến 80% người tham gia phản đối việc ông Kishida tiếp tục làm thủ tướng.

Thủ tướng đương nhiệm đã thực hiện nhiều nỗ lực khác nhau nhằm cải thiện lòng tin người dân, chẳng hạn như ban hành luật cải cách các quy tắc tài chính cho bầu cử. Ông cũng đã tìm cách giải thể chi nhánh của Giáo hội Thống nhất tại đất nước này với những cáo buộc rằng các hoạt động của nhóm vi phạm pháp luật và gây nguy hại đáng kể đến lợi ích của cộng đồng.

Không những vậy, trong suốt nhiệm kỳ 3 năm, ông đã thúc đẩy hợp tác quân sự và kinh tế với Mỹ cũng như nỗ lực hàn gắn mối quan hệ vốn căng thẳng bấy lâu với Hàn Quốc. Nhà lãnh đạo này cũng khẳng định quyết tâm tăng cường khả năng phòng thủ quân sự của đất nước mặt trời mọc, phá vỡ tiền lệ kéo dài hàng thập kỷ về hạn chế chi tiêu cho lĩnh vực này.

Bất chấp những nỗ lực trên, ông Kishida vẫn không thể khôi phục hình ảnh trong lòng công chúng.

Jesper Koll (det pơ câu), nhà kinh tế tại công ty tư vấn đầu tư Monex Group (mo nẹts grup) cho biết những biện pháp mà ông Kishida đưa ra chỉ là đang thúc đẩy chi tiêu tài chính nhiều hơn và không góp phần giảm bớt gánh nặng cho người dân.

Ông Kishida cũng đã thuyết phục các công ty tăng lương nhằm đảm bảo cuộc sống cho nhân viên trước những áp lực của lạm phát. Tuy nhiên, dù các tập đoàn lớn đã tăng lương lên mức 5,1% - lớn nhất trong ba thập kỷ qua, thì gánh nặng lãi suất vẫn đè lên người dân trong bối cảnh đồng yên yếu.

Ông Koll cho biết mức tăng lương của các công ty không theo kịp đà tăng lạm phát.

Trong khi nhiều thách thức chưa được giải quyết, một vụ bê bối đang lan rộng trong Đảng Dân chủ Tự do, với việc hàng chục nhà lập pháp của đảng này bị cáo buộc đã chuyển lợi nhuận từ các sự kiện gây quỹ vào các quỹ đen, điều này đã đẩy lòng tin của người dân đối với ông Kishida đến bờ vực. Dù sau đó, nhà lãnh đạo này đã nỗ lực khôi phục lòng tin của công chúng bằng cách trừng phạt một số nhà lập pháp và sửa đổi luật kiểm soát quỹ dành cho chính trị, các chuyên gia cho rằng động thái này gần như không có tác dụng.

Jeff Kingston (dép kings tần), giám đốc Nghiên cứu Châu Á tại Nhật Bản của Đại học Temple (Tem pồ), cho biết trong khi ông Kishida đang nỗ lực giải quyết các vấn đề thì đảng của ông lại không muốn mọi thứ trở nên phức tạp hơn.

Đảng Dân chủ Tự do đang tìm kiếm một ứng cử viên thay thế tiềm năng. Một ứng cử viên nổi bật cho vị trí lãnh đạo đảng cầm quyền của Nhật Bản là ông Taro Kono (ta-rô kô-nô), người mà ông Kishida đã đánh bại trong cuộc bỏ phiếu vòng hai vào năm 2021. Ngoài ra, những ứng cử viên tiềm năng khác bao gồm: ông Toshimitsu Motegi (Tô Xi mít su Mô te gi), tổng thư ký hiện tại của đảng; bà Sanae Takaichi (Sa-nea Ta-kai-chi), thành viên theo phe bảo thủ cứng rắng và ông Shigeru Ishiba (Xhi-ge-ru I-xhi-ba) với thành tích bốn lần liên tiếp ứng cử chức vụ này.

Luật Anh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/vi-sao-thu-tuong-nhat-tu-chuc-187694.htm