Vì sao thuế tài sản đến nay vẫn chưa được ban hành?
Dự thảo Luật thuế Tài sản lần gần nhất được đưa ra là hồi đầu năm 2018 nhưng ngay sau đó đã bị gác lại.
Dự thảo Luật thuế Tài sản được đưa ra gần nhất là đầu năm 2018 nhưng đã bị gác lại do phản ứng gay gắt của người dân. Ảnh minh họa
Đây là câu hỏi chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn (Viện Nghiên cứu thế giới) đưa ra tại Hội thảo Phân tích cấu trúc, xu hướng và gánh nặng thuế tại Việt Nam hướng tới một hệ thống thuế công bằng do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện sáng nay (16/12).
Ông Sơn nêu, thuế tài sản được các nước trên thế giới thực hiện thu từ rất lâu rồi nhưng tại Việt Nam đến thời điểm này loại thuế này vẫn chưa được thực hiện, trong khi đây là loại thuế mang lại nguồn thu cho ngân sách mang ý nghĩa lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô. “Vì sao loại thuế này khó thực thi đến vậy?”, ông Sơn đặt câu hỏi.
Lý giải về vấn đề này, TS Nguyễn Ngọc Tuyến, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam chưa có chưa có thuế tài sản nhưng đã đánh một số loại thuế liên quan tới tài sản như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp... Trong vòng 10 năm qua, Bộ Tài chính cũng đã dự thảo thuế tài sản và thảo luận vấn đề này nhưng vẫn chưa ban hành được.
“
Hiện nay, có một số loại thuế sau đây ở Việt Nam có chức năng giống với thuế tài sản: Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (có 3 mức thuế suất 0,03% với đất nằm trong hạn mức, 0,07% với diện tích đất vượt hạn mức không quá ba lần và 0,15%); Thuế sử dụng đất nông nghiệp; Lệ phí trước bạ đối với nhà, đất, súng, tàu, thuyền, máy bay, mô tô và ô tô các loại (mức thu phổ thông là 2%, đặc biệt đối với nhà và đất là 0,5%, với tàu thuyền là 1%; Ô tô dưới 10 chỗ ngồi có thể bị đóng phí trước bạ ở mức 10% đến 20%).
Theo VEPR, số thu của các loại thuế tài sản chỉ đóng góp một phần khiêm tốn trong tổng thu..
”
Đây là thuế cổ xưa nhất của các loại thuế vì nó đánh vào đất là tài sản lớn nhất, đất có diện tích rõ ràng, nhìn thấy rõ và không chạy đi đâu được. Nhưng ở Việt Nam không dễ thu vì sự đồng bộ giữa các bộ luật là có vấn đề.
Ông Tuyến ví dụ, Luật Đất đai quy định giá đất do nhà nước ban hành để làm căn cứ xác định giá tính thuế trong hoạt động chuyển nhượng, chuyển đổi, thế chấp, cho tặng… Giá này được công bố trên cơ sở giá thị trường.
“Tuy nhiên, giải thích giá thị trường của đất đai lại không phải như vậy. Ví dụ giá thị trường 1m2 đất ở Hà Nội có nơi là 2 tỷ đồng, có nơi 1 tỷ đồng nhưng khung giá UBND TP Hà Nội lúc cao nhất khoảng 200 triệu đồng. Chênh nhau gần chục lần vậy ban hành luật thuế tài sản thì căn cứ vào lá nào, 200 triệu đồng hay 2 tỷ đồng?”, ông Tuyến nêu.
Một vấn đề nữa là trường hợp được hưởng một căn biệt thự từ hồi từ ông bà để lại có giá trị lên tới mấy trăm tỷ trong khi thu nhập chỉ có 10 triệu đồng/tháng. Vậy đánh thuế trên cái nhà 100 tỷ ấy như thế nào? Trường hợp này người sở hữu căn nhà có tiền nộp thuế tài sản cho căn biệt thự ấy không hay buộc phải bán?
“Đẻ ra 1 luật thuế chắc Bộ Tài chính cũng phải tính được vấn đề ban hành ra luật không khó nhưng thực thi thì không đơn giản. Ngoài ra còn vấn đề quản lý thu nhập, quản lý đối tượng… trong quá trình nộp thuế.
Ban hành luật thuế tài sản đã được ghi trong chiến lược cải cách hệ thống thuế nhưng chưa ban hành được. Nếu 1 luật thuế ban hành không thực thi được thì ban hành ra cũng vô nghĩa”, ông Tuyến nói.
Trong tương lai, ông Tuyến cho rằng, nếu các chính sách đồng bộ, quản lý thuế tốt hơn thì luật thuế này sẽ được ban hành.
Được biết, Luật thuế Tài sản đã được đưa ra bàn thảo từ năm 2000. Lần gần đây nhất được đưa bàn luận khi Bộ Tài chính công bố dự thảo Luật thuế Tài sản vào đầu năm 2018 với mức khởi điểm đánh thuế tài sản căn nhà là 700 triệu đồng. Ngoài tài sản là đất, tài sản trên đất, dự thảo này còn đưa ra các loại tài sản khác có giá trị cao cũng là đối tượng điều chỉnh của luật thuế này là: Tàu, thuyền, ô tô…
Tuy nhiên, ngay thời điểm ấy, khi dự thảo vừa được công bố đã gây ra làn sóng tranh luận gay gắt liên quan tới mức giá trị khởi điểm tính thuế, các loại tài sản đánh thuế, sử dụng tiền thuế, vấn đề thuế chồng thuế…
Vì mức độ nhạy cảm và tính tác động rộng rãi tới cả xã hội cũng như những vấn đề đưa ra trong dự thảo thuế này còn gây tranh cãi khiến dự thảo này sau đó đã bị gác lại.