Vì sao Thung lũng Panjshir khó thay đổi cuộc chơi tại Afghanistan
Taliban rất thực dụng, họ sẽ coi việc tiếp tục một cuộc tấn công quân sự để chiếm Thung lũng Panjshir là lãng phí.
Theo tờ Asia Times, nhiều nhà phân tích đã lạc quan rằng kế hoạch của Taliban đã bị ngáng chân khi cựu Phó Tổng thống Amrullah Saleh lui về Thung lũng Panjshir tập hợp một phong trào kháng chiến, giống như Liên minh phương Bắc chống Taliban vào cuối thập niên 1990.
Nhưng bầu không khí lạnh lùng của chủ nghĩa hiện thực mà Taliban theo đuổi đang cho thấy những mơ tưởng như vậy sẽ không biến thành hiện thực.
Huyền thoại về Panjshir và những bí mật
Thung lũng Panjshir là mảnh đất của những huyền thoại, mà nổi bật trong đó là câu chuyện về việc quân đội Liên Xô từng gặp phải sự kháng cự dữ dội đầu tiên sau khi can thiệp vào Afghanistan năm 1980. Và ông Saleh đang cố khai thác chủ nghĩa anh hùng lãng mạn đó.
Nhưng Thung lũng Panjshir xinh đẹp trải dài 159km, một dải đất được bao quanh ba mặt bởi những ngọn núi cao chót vót, với duy nhất một tuyến độc đạo ở phía nam dẫn đến Kabul, cũng là nơi ẩn chứa một số bí mật.
Người ta thường kể lại rằng Hồng quân Liên Xô đã hứng chịu thất bại ở Panjshir. Nhưng sự thật là chiến dịch của Liên Xô nhằm vào phiến quân ở Panjshir là một chuỗi các sứ mạng tấn công nhanh, sắc nét, với số lượng khoảng 9 đợt trong giai đoạn 1980-1985, kết thúc bất phân thắng bại phần lớn do sự thay đổi lãnh đạo ở Moskva.
Điều thậm chí còn ít được biết đến hơn là thỏa thuận mà KGB (Ủy ban An ninh Quốc gia của Liên Xô) đã ký với thủ lĩnh phiến quân Ahmad Shah Massoud, theo đó quân đội Liên Xô sẽ kết thúc chiến dịch của mình và người của Massoud sẽ hạn chế tấn công các căn cứ của Liên Xô ở Panjshir và không làm gián đoạn giao thông quân sự qua Đường hầm Salang (vốn kết nối Kabul với tổng hành dinh Quân khu phía Nam của Liên Xô đặt tại Termez, Uzbekistan - nơi điều hành toàn bộ hoạt động ở Afghanistan).
Thỏa thuận đó giữa KGB và Massoud được duy trì cho đến khi Liên Xô rút quân vào năm 1989. Chính qua Đường hầm Salang, các nhóm quân Liên Xô cuối cùng đã rút lui khỏi Kabul một cách hòa bình vào năm 1989.
“Cha đẻ” của tất cả những câu chuyện huyền thoại kể trên được cho là “phong trào kháng chiến” cuối thập niên 1990, dưới ngọn cờ của cái gọi là Liên minh phương Bắc - vốn là một tập hợp lủng củng các nhóm phiến quân, thay vì một liên minh thống nhất. Nhóm này liên tiếp để mất lãnh thổ vào tay Taliban, và nếu như không có sự can thiệp của Mỹ sau vụ khủng bố 11/9/2001, thì Taliban đã giành được chiến thắng toàn diện.
Khi đó có ba quốc gia lớn trong khu vực ủng hộ Liên minh phương Bắc và nếu không có điều đó thì liên minh này đã sớm tan rã.
Tính toán của Nga với Panjshir
Điều đó nói lên rằng, tình báo Nga đã có những mối liên hệ cũ ở Panjshir và trong bối cảnh hiện nay, Moskva khó có thể ủng hộ một cuộc kháng chiến chống Taliban, vì điều đó sẽ chỉ có lợi cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, vốn đang hiện diện đáng kể ở bắc Afghanistan, giáp với Trung Á.
Moskva phải biết rõ rằng Saleh có sự hậu thuẫn của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), cơ quan đã đào tạo ông ta thành một đặc nhiệm tình báo và đưa ông ta đi lên trong các nấc thang quyền lực ở Afghanistan. Do đó, khi Saleh nói đến “kháng chiến” thì đó chỉ là một cách nói tránh chỉ việc Mỹ quay trở lại Afghanistan để chơi một trận đấu dài hơi với Nga, Trung Quốc và Iran. Mà điều này là hoàn toàn phi thực tế.
Hơn nữa, cựu Phó Tổng thống Saleh sẽ gặp vấn đề khi tập hợp lực lượng ở Panjshir đứng sau lưng ông ta. Panjshir là một “tổ ong” của chính trị bè phái. Ngay cả khi Shah Massoud còn sống, các phụ tá của ông cũng thường đối đầu lẫn nhau. Sau vụ ám sát Shah Massoud vào năm 2001, nhóm này tan rã.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Taliban đã tìm kiếm sự giúp đỡ của Nga để tạo điều kiện thuận lợi cho việc dàn xếp với những người Panjshir có thể hòa giải được. Trong tình hình mới, hoàn toàn có thể hình dung được rằng Taliban có thể đưa ra một số công thức chia sẻ quyền lực để nắm được các "đầu mối" ở Panjshir.
Taliban rất thực dụng và họ sẽ coi việc tiếp tục một cuộc tấn công quân sự để chiếm Panjshir là điều lãng phí. Về mặt lịch sử, ưu tiên của Taliban là chỉ sử dụng lựa chọn quân sự như một phương sách cuối cùng.
Đây là một bước đi sắc sảo của Taliban, nhóm dường như biết rõ lịch sử các cuộc giao dịch ngầm của Nga với người Panjshir. Về phần mình, Nga có thể coi đây là cơ hội tuyệt vời để cố vấn cho việc hình thành chính phủ lâm thời ở Kabul.
Điều quan trọng là, mối quan tâm chính của Moskva là ngăn chặn một xung đột khác vào thời điểm này, vì điều đó chỉ có thể có lợi cho IS. Nga lo ngại một cuộc xung đột khác tương tự như Syria ở Trung Á.
Để sớm ổn định tình hình, Moskva đang khuyến khích thành lập chính phủ lâm thời ở Kabul càng nhanh càng tốt.
Nếu một thỏa thuận chia sẻ quyền lực có thể được thực hiện, nó sẽ nâng cao tính hợp pháp quốc tế của chính phủ mới, do đó sẽ tạo điều kiện cho Nga, Trung Quốc, Iran và các quốc gia Trung Á công nhận ngoại giao.