Chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 nào tốt hơn, F-35 Lightning-II hay F-22 Raptor? Câu hỏi này đã, đang và sẽ tiếp tục được đặt ra trong nhiều năm tới.
Một số ý kiến sẽ phản đối vì cho rằng, không thể so sánh hai loại chiến đấu cơ này, bởi thực tế chúng khác nhau. Nếu F-35 được thiết kế đa nhiệm, thì F-22 lại được thiết kế chỉ để chiếm ưu thế trên không.
Mặc dù chúng ta phải thừa nhận rằng, cả F-22 và F-35 là hai dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 duy nhất tới thời điểm hiện tại đã thực chiến. Chúng cũng được coi là hai dòng chiến đấu cơ mạnh nhất thế giới.
Tuy nhiên câu hỏi đặt ra rằng, trong môi trường chiến tranh ngày nay, loại máy bay nào trong số chúng sẽ có hiệu suất tốt hơn?
Một số ý kiến phân tích cho rằng, với những quan sát gần đây trong các cuộc xung đột khác nhau, tiêm kích F-35 tỏ ra vượt trội so với F-22.
Nhiều năm trước, ngay cả trước Chiến tranh thế giới thứ hai, kết quả của một cuộc xung đột thường phụ thuộc vào số lượng binh sĩ và vũ khí trang bị của bên tham chiến, vào việc huấn luyện quân đội, chiến thuật tiến hành chiến tranh và sự dũng cảm trên chiến trường.
Tuy nhiên, ngày nay, trong chiến tranh hiện đại, số lượng quân lẫn vũ khí đều không phải là yếu tố then chốt, thay vào đó là việc ứng dụng công nghệ cao trong tác chiến.
Những cuộc xung đột đang diễn ra đã cho thấy, dù một bên được đánh giá mạnh hơn cả về quân số, vũ khí lẫn kinh nghiệm chiến đấu, nhưng họ lại không giành được chiến thắng nhanh chóng.
Rõ ràng việc ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là vấn đề do thám, chỉ thị mục tiêu, liên kế thông tin trên chiến trường, đã giúp cho bên nắm được nó giành lại cán cân sức mạnh dù quân số, vũ khí lẫn kinh nghiệm chiến đấu của họ ít hơn.
Ngày nay các cuộc không chiến theo kiểu quần vòng như thời thế chiến thứ 2 đã lùi sâu vào dĩ vãngi.
Dưới mặt đất ưu thế về quân số và mật độ hỏa lực ồ ạt cũng không còn mang tính quyết định cục diện chiến tranh.
Thay vào đó là việc các máy bay ném bom và máy bay chiến đấu sẽ sử dụng thông tin từ vệ tinh để dẫn hướng bằng GPS và định vị địa lý để tấn công chính xác mục tiêu.
Trên mặt đất và mặt biển, tại một số thời điểm thì chỉ cần một số lượng vừa phải tên lửa hành trình tấn công từ khoảng cách rất xa, với độ chính xác cực cao là đủ đạt được mục đích thay vì phải sử dụng cường độ cao pháo binh, tăng thiết giáp và bộ binh tấn công ồ ạt.
Mặt khác là việc ứng dụng vũ khí công nghệ cao, điều khiển từ xa để tập kích. Thực tế cho thấy các hệ thống phòng thủ tên lửa dù có thể đánh chặn mục tiêu từ khoảng cách lên tới 100 đến 150 km, nhưng chúng lại bất lực với những UAV tự sát nhỏ nhắn và xuất hiện bất thình lình ở độ cao thấp.
Trên bầu trời trong các cuộc xung đột ngày nay không còn cảnh nhiều máy bay tấn công bay thấp cùng tham gia vào không kích, mà thay vào đó là một bầu trời tràn ngập dữ liệu truyền tải và kết nối liên tục
Việc các chủng loại máy bay có thể nhanh chóng tiếp nhận và chia sẻ thông tin trong lúc làm nhiệm vụ đã dần mang tính quyết định cục diện trận chiến.
Nếu F-22 đối đầu một - một trong một trận không chiến với F-35 thì rõ ràng phần thất bại sẽ thuộc về "đàn em" F-35.
F-22 có đặc điểm tàng hình tốt hơn nhiều so với F-35, nó có thể phát hiện ra và tung đòn tấn công trước đối thủ.
F-22 cũng nhanh hơn và cơ động tốt hơn F-35. F-22 có thể tăng tốc độ lên Mach 2,25, trong khi F-35 chỉ đạt Mach 1,6.
F-22 Raptor cũng có tốc độ leo cao tốt hơn hẳn so với F-35.
Rõ ràng về thông số kỹ thuật thì F-22 hơn hẳn F-35, vậy tại sao lại nói F-35 tốt hơn trong tác chiến hiện đại?
Đó chính là việc liên kết dữ liệu vào mạng lưới tốt hơn, do ra đời sau nên F-35 được ứng dụng nhiều công nghệ mới nhất. Công nghệ liên kết và trao đổi thông tin của F-35 có hai phương thức chính.
Thứ nhất, thông tin từ tần số vô tuyến, quang điện, hồng ngoại và laze, vệ tinh... được kết hợp trong một trường phổ rộng sẽ được F-35 tiếp nhận. Điều này đối với F-22 lại khó khăn, do chúng sử dụng chuẩn liên kết riêng với tính bảo mật cao, các cảm biến cũng không hiện đại bằng F-35.
Chỉ riêng điều này thôi cũng đủ hiểu F-35 đã có phạm vi hoạt động rộng hơn, tính ứng dụng cao hơn và phù hợp với điều kiện tác chiến tùy theo môi trường tốt hơn so với F-22.
Thứ hai là việc chiếc F-35 dễ dàng chia sẻ thông tin thu nhận được. Từ đó tạo nên một mạng dữ liệu được liên kết với nhiều chiếc F-35 khác cùng tham chiến.
Không chỉ vậy, ngày nay F-35 có thể chia sẻ thông tin với hầu hết mọi chủng loại hệ thống vũ khí được thiết kế theo tiêu chuẩn NATO, cho dù đó là vũ khí trên mặt đất, trên không hay trên biển.
Các phần mềm điều khiển cảm biến trên F-35 cũng hiện đại hơn và chúng vẫn tiếp tục được cập nhật để tăng độ chính xác trong liên kết trao đổi thông tin.
Bằng cách quản lý thông tin, F-35 không chỉ trở thành nền tảng có khả năng chiến đấu riêng biệt, mà chúng còn là thành phần trong mạng lưới tác chiến với nhiều chủng loại vũ khí được kết nối với mạng thông tin để đồng bộ trong tác chiến trong thời gian thực.
Điều này có nghĩa là F-35 có thể đưa ra quyết định rất nhanh để thay đổi liên tục để phù với tình hình chiến trường hiện tại.
Mặt khác như đã đề cập ở trên, F-35 là dòng chiến đấu cơ đa nhiệm, nghĩa là nó có thể đối không, đối đất và cả đối hải, trong khi F-22 chỉ mạnh trong không chiến.
Mỹ đang từng bước thay đổi những cấu kiện phần mềm và cả một số phần cứng để F-22 có thể tấn công mặt đất một cách chủ động như F-35, tuy nhiên điều này đòi hỏi một ngân sách không nhỏ và thời gian dài.
Hiện F-35 là dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 đang có số lượng sản xuất lớn nhất thế giới với cả ngàn chiếc và hiện diện trong không quân hàng chục quốc gia.