Vì sao tiến trình tạo vaccine ì ạch dù virus corona lây lan chóng mặt?
Phát triển, thử nghiệm và đánh giá vaccine là một quy trình phức tạp, tốn thời gian và có chi phí cực kỳ đắt đỏ.
Theo CNBC, các nhà nghiên cứu Mỹ và thế giới đang chạy đua với thời gian để phát triển vaccine đặc trị virus corona. Nhu cầu là rất cấp thiết bởi dịch virus từ Vũ Hán (Trung Quốc) đang diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 3/2, hơn 17.300 người đã nhiễm bệnh và 362 người thiệt mạng.
Cả thế giới kỳ vọng một loại vaccine chống virus corona sẽ sớm được tung ra trên thị trường. Tuy nhiên, CNBC cho biết các chuyên gia y tế quốc tế khẳng định phát triển, thử nghiệm và đánh giá một loại vaccine mới là rất tốn thời gian - hàng tháng, thậm chí hàng năm - và vô cùng tốn kém.
Các hãng dược mất hơn một năm để tạo ra vaccine chống SARS, loại virus nguy hiểm xuất hiện từ tháng 11/2002 và sát hại gần 800 người trên phạm vi toàn cầu. Khi vaccine SARS chuẩn bị được đưa thử nghiệm trên người, cộng đồng quốc tế đã khống chế thành công đại dịch. Từ năm 2004 đến nay, chưa có thêm ca nhiễm SARS nào được ghi nhận.
Nỗ lực đẩy nhanh quá trình chế tạo vaccine
Hiện, các quan chức y tế Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy nhanh quá trình chế tạo vaccine chống virus Vũ Hán. Họ hi vọng có thể thực hiện việc thử nghiệm vaccine trên người vào tháng 3 tới.
Tuy nhiên, chuyên gia Peter Hotez - Giám đốc Trung tâm Phát triển Vaccine thuộc Bệnh viện Nhi đồng Texas và là người tham gia chế tạo vaccine chống SARS - cho biết phải mất một năm các nhà nghiên cứu mới có thể đưa vaccine chống virus corona ra thị trường.
Và đó là kịch bản lạc quan nhất, với việc các nhà nghiên cứu chế tạo được vaccine, thử nghiệm thành công trên động vật và trên cơ thể người. "Mỗi loại vaccine có một đặc điểm riêng. Bạn không thể búng tay một cái là chế tạo thành công vaccine chống virus corona", chuyên gia Hotez nhấn mạnh.
Trước khi tiến hành thử nghiệm vaccine trên cơ thể người, các nhà nghiên cứu cần hiểu rõ virus corona. Hiện tại, giới khoa học mới chỉ ở giai đoạn đầu tiên trong việc phân tích và nghiên cứu loại virus này, theo tiến sĩ Maria Bottazzi, đồng Giám đốc Trung tâm Phát triển Vaccine thuộc Bệnh viện Nhi đồng Texas.
Bước tiếp theo là nghiên cứu độc học tiền lâm sàng để đánh giá xem vaccine có an toàn hay không và thử nghiệm trên động vật. Quá trình này thường kéo dài 3-6 tháng.
Nếu các cuộc thử nghiệm trên động vật diễn ra thành công, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành thử nghiệm ở người. Quá trình này được gọi là thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.
Tiến sĩ Bottazzi cho biết đối tượng tham gia thử nghiệm là những người trưởng thành khỏe mạnh. Một cuộc thử nghiệm trên người thường có quy mô nhỏ, bao gồm 20-30 người tham gia.
Nhưng kể cả khi các cuộc thử nghiệm trên người được thực hiện một cách suôn sẻ, quá trình chế tạo vaccine vẫn có thể vấp phải những "vật cản" rất lớn. Tiến sĩ Bottazzi giải thích đó có thể là các quy định y tế, ví dụ như việc phải tìm đủ người tình nguyện.
Vấn đề kinh phí
Một "vật cản" rất lớn khác là vấn đề kinh phí. "Mô hình kinh doanh sẽ là như thế nào? Tổ chức nào sẽ lo chuyện kinh phí phát triển vaccine? Việc nghiên cứu và phát triển vaccine có thể tốn hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ USD", tiến sĩ Bottazzi cho biết.
Chuyên gia Hotez kể ông gặp rất nhiều khó khăn về vốn khi phát triển vaccine mới chống SARS hồi năm 2011. Các nhà đầu tư không quan tâm đến vaccine chống SARS bởi dịch SARS đã bị kiềm chế từ rất lâu.
Dù vậy, một số chuyên gia y tế cho rằng nhờ kinh nghiệm phát triển vaccine chống SARS và virus Ebola, cộng đồng quốc tế có thể sẽ sớm có trong tay vaccine chống virus corona từ rất sớm. "Có thể chúng ta sẽ có vaccine chống virus Vũ Hán trong khoảng thời gian kỷ lục", cựu Cục trưởng Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ Scott Gottlieb cho biết.
Giáo sư Lawrence Gostin thuộc Đại học Georgetown (Mỹ) cũng nhận định không có gì đáng ngạc nhiên nếu vaccine chống virus Vũ Hán được tung ra thị trường trong vài tháng tới. “Chúng ta đã có nhiều tiến bộ vượt trội trong công nghệ sinh học so với thời dịch SARS bùng phát”, ông khẳng định.
Tuần trước, các nhà nghiên cứu Hong Kong tuyên bố đã phát triển vaccine chống virus corona, nhưng thừa nhận cần vài tháng để thử vaccine trên động vật và thêm một năm thử trên người.
Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (Mỹ), cũng cho rằng việc có vaccine sau 3 tháng là lạc quan thái quá. Ông xác định sẽ cần một năm để đưa vaccine ra thị trường.
Theo CNBC, hiện hàng chục công ty dược phẩm nổi tiếng đang chạy đua với thời gian để phát triển vaccine chống virus corona. Ở thời điểm này, các cơ quan y tế Trung Quốc đang sử dụng thuốc trị virus Remdesivir của Gilead Science, loại thuốc từng được thử nghiệm để điều trị virus Ebola, và thuốc kháng virus Kaletra.