Vì sao tín dụng tháng 1 chững lại?

Sáng 20.2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hội nghị đẩy mạnh tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng. Lý giải tín dụng tháng 1.2024 giảm 0,6% so với cuối năm 2023, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, nguyên nhân là quy luật đầu năm tín dụng thường không tăng và do khó khăn của nền kinh tế, khả năng hấp thụ của doanh nghiệp chứ không phải do cơ chế, chính sách hay hoạt động của ngân hàng.

Mặt bằng lãi suất cho vay giảm 0,25%/năm

Tại hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, công tác tín dụng tiếp tục là hoạt động trọng tâm trong năm 2024. Từ đầu năm đến nay, NHNN cũng đã triển khai hàng loạt giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Trong đó, đáng chú ý là cuối năm 2023, NHNN đã chủ động thông báo mức tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng để chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh, điều hành. Đầu năm 2024, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Đến ngày 31.1.2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm; lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Riêng trong tháng 12.2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 4,56 điểm % (tương đương hơn 540.000 tỷ đồng), chiếm 1/3 tổng mức tăng thêm của cả năm 2023. Tuy nhiên, bước sang tháng 1.2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.

Giải thích diễn biến này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: “nguyên nhân không phải do cơ chế, chính sách hay hoạt động ngân hàng mà bởi quy luật đầu năm tín dụng thường không tăng và do khó khăn từ nền kinh tế, khả năng hấp thụ của doanh nghiệp, nhất là cho vay tiêu dùng khó khăn”.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, hiện nay, hạn mức tín dụng dồi dào, ngân hàng thừa vốn song tín dụng lại giảm là do thiếu khách hàng vay; sức hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa đủ để doanh nghiệp vay vốn kinh doanh.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, năm 2024, khó khăn của các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, nông nghiệp và xuất khẩu vẫn còn. Vì vậy, toàn hệ thống ngân hàng cần nêu cao trách nhiệm trong hoạt động để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. “Các ngân hàng phải tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, để từ đó giảm lãi suất cho vay; đồng thời cân đối nguồn vốn huy động, nguồn vốn cho vay để bảo đảm kiểm soát các rủi ro như về tín dụng, thanh khoản…”, Thống đốc nhấn mạnh.

Sẽ gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu lại nợ

Liên quan đến Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn (Thông tư 02), Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Thông tư này sẽ hết hạn vào tháng 6.2024. Tổng lũy kế đến 31.12. 2023, đã có gần 188.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là trên 183,5 nghìn tỷ đồng.

Thời gian qua, nhiều hiệp hội, doanh nghiệp đề nghị kéo dài Thông tư này nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế không thuận lợi cũng như giảm áp lực xử lý nợ cho hệ thống ngân hàng. NHNN cũng đã đánh giá để xem xét sửa đổi Thông tư 02 theo hướng kéo dài thời gian thực hiện chính sách. “Tinh thần là giãn nhưng nhưng kéo dài bao lâu và có thay đổi nội hàm Thông tư không? Mục tiêu là gỡ khó khăn cho khách hàng nhưng cũng phải bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng, tránh tăng nợ xấu”, ông Tú nêu vấn đề.

Ông Hồ Nam Tiến, Tổng giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank), cho biết, lũy kế đến hiện tại, LPBank đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 02 cho 192 lượt khách hàng với tổng dư nợ gốc hơn 7.237 tỷ đồng, số lãi cơ cấu là 327 tỷ đồng; ông đề xuất gia hạn Thông tư 02 thêm 12 tháng, tức là đến 30.6.2025 để tiếp tục hỗ trợ khách hàng có khả năng hồi phục.

Đồng quan điểm, Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB) và Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đề xuất gia hạn Thông tư 02 thêm 12 tháng, cộng thêm các điều kiện là hợp lý để ngân hàng hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp

Cũng ủng hộ gia hạn Thông tư 02, song, ông Trần Long, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, chỉ nên kéo dài thêm 6 tháng, tức là đến hết năm 2024.

Kết luận nội dung này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, NHNN nhất trí với chủ trương kéo dài Thông tư 02. Thời gian kéo dài thêm bao lâu cần có đánh giá kỹ hơn, nhưng cơ chế này phải được ban hành ngay trong quý I.2024.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tai-chinh-doanh-nghiep/vi-sao-tin-dung-thang-1-chung-lai-i360669/