Theo một nguồn tin ở thủ đô Damascus, Tướng Jamil Al-Hassan đã được thay thế bởi Tướng Ghassan Ismael của Tartous. Đây là một động thái cực kỳ bất ngờ và làm nảy sinh không ít lời đồn đoán.
Ngoài việc sa thải Tướng Al-Hassan, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng đã ra lệnh cho lực lượng tình báo lục quân thay thế đơn vị tình báo không quân ở vùng nông thôn Damascus.
Họ sẽ được giao nhiệm vụ loại bỏ các trạm kiểm soát AFI và hỗ trợ lực lượng của mình ở khu vực phía Tây Ghouta và Đông Ghouta.
Nguồn tin tại Damascus nói thêm rằng động thái này có thể xuất phát theo yêu cầu của Saudi Arabia, khi Riyadh đang nỗ lực xây dựng liên minh tại Syria với Nga và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Nếu nhận định trên là sự thật thì rõ ràng tình hình địa chính trị khu vực Trung Đông đang trở nên cực kỳ phức tạp với nhiều mối quan hệ đan xen, ràng buộc lẫn nhau, đôi khi không phân biệt nổi bạn - thù.
Iran là đồng minh số 1 của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, thậm chí vai trò của Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran và Hezbollah còn được đánh giá cao hơn Nga.
Lý do là bởi vì lực lượng này đã tham chiến trực tiếp trên bộ cùng quân đội chính phủ Syria để giải phóng nhiều địa bàn trọng yếu, trong khi Nga chủ yếu yểm trợ hỏa lực đường không.
Dĩ nhiên là Nga cùng Iran cũng được xem là đồng minh vì những mối quan hệ lâu năm, cho dù họ không thực sự đạt được sự đồng thuận trên mảnh đất Syria vì nhiều vấn đề.
Tuy nhiên bên cạnh đó Iran lại có mối quan hệ thù địch với Saudi Arabia, đặc biệt sau khi cuộc chiến tranh tại Yemen bùng nổ, khi hai bên ủng hộ các phe phái khác nhau.
Tehran thường xuyên cung cấp tên lửa đạn đạo, máy bay không người lái cho lực lượng vũ trang Houthi để tiến hành các cuộc tập kích vào thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.
Trong khi đó, Saudi Arabia lại đang nổi lên như một đối tác thương mại mới đầy triển vọng của Nga, Moskva hy vọng sẽ đẩy mạnh được hoạt động xuất khẩu vũ khí sang quốc gia giàu có và rất chịu chi này.
Trường hợp liên minh Nga - Saudi Arabia và UAE được hình thành thì có thể coi là một thắng lợi của Moscow khi lôi kéo thêm được những quốc gia có truyền thống thân Mỹ.
Nhưng ở chiều ngược lại thì quan hệ giữa Nga với đối tác truyền thống Iran chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có nguy cơ tan vỡ.
Moscow cần phải thật khôn khéo trong việc duy trì mối quan hệ cũ và phát triển quan hệ mới, tương tự những gì họ đang làm.
Ví dụ tiêu biểu đó là Nga đang hợp tác chặt chẽ với Israel và Thổ Nhĩ Kỳ - hai quốc gia bị xem là kẻ thù trực tiếp của chính quyền Syria và đều có tư tưởng muốn Tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi.
Bạch Dương