Vì sao tour du lịch sông Hồng trải nghiệm làng nghề, di tích chưa như mong đợi?

Việc khai thác tour du lịch sông Hồng hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với giá trị của dòng sông, dù còn nhiều dư địa để khai thác, phát triển.

Nhiều tiềm năng chưa được đánh thức

Tour du lịch sông Hồng khai thác các giá trị dọc 2 bên bờ sông với nhiều di tích lịch sử văn hóa đặc sắc, cùng đó là các lễ hội như: Tản Viên Sơn Thánh, Thánh Gióng, Ðức Thánh Trần Hưng Ðạo và Ðức Thánh Chử Ðồng Tử… Cũng trên khúc sông chảy qua Hà Nội còn có cây cầu Long Biên - chứng nhân của lịch sử.

Cùng với đó là những làng nghề truyền thống, làng cổ như làng Đường Lâm - ngôi làng cổ đầu tiên được Nhà nước trao bằng Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia ngày 19/5/2006; làng Bát Tràng - nơi lưu giữ nghề truyền thống, là một điểm du lịch thu hút du khách gần xa; làng đào Nhật Tân (Tây Hồ); làng nghề mây tre đan (Thường Tín)…

Tour du lịch sông Hồng trên du thuyền bắt đầu được khai thác từ năm 2002.

Tour du lịch sông Hồng trên du thuyền bắt đầu được khai thác từ năm 2002.

Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, nhận định, tuyến du lịch sông Hồng là một sản phẩm hấp dẫn không chỉ với khách du lịch trong nước, mà cả khách quốc tế với nhiều điểm đến du lịch tâm linh, nhiều công trình kiến trúc là Di sản văn hóa cấp Quốc gia và đặc biệt là những làng nghề truyền thống gắn liền với sông Hồng, tuyến giao thương đường thủy huyết mạch của vùng Đồng bằng sông Hồng. Tuyến đường thủy này cũng là tuyến giao thông kết nối theo một cách vô cùng đặc biệt dành cho du khách muốn khám phá Hà Nội và các tỉnh thành lân cận.

Mặc dù là vùng đất có nhiều tiềm năng, có bề dầy văn hóa được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử, từng được kỳ vọng sẽ là một hướng đi góp phần quan trọng với du lịch của Thủ đô, song việc khai thác tour du lịch sông Hồng vẫn chưa đem lại kết quả mong đợi.

Trên du thuyền, du khách được trải nghiệm thưởng thức ẩm thực địa phương và nhiều tiết mục âm nhạc đặc sắc...

Trên du thuyền, du khách được trải nghiệm thưởng thức ẩm thực địa phương và nhiều tiết mục âm nhạc đặc sắc...

Tuyến “Ấn tượng sông Hồng” thăm đền Đại Lộ, đền Dầm (Thường Tín, Hà Nội), đền Chử Đồng Tử - Tiên Dung (Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), Làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội)

Tuyến “Ấn tượng sông Hồng” thăm đền Đại Lộ, đền Dầm (Thường Tín, Hà Nội), đền Chử Đồng Tử - Tiên Dung (Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), Làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội)

Ông Trần Hoàng Sơn, du khách đến từ Gia Lai chia sẻ: Vấn đề của tour du lịch sông Hồng ở cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu, các đơn vị khai thác gặp nhiều khó khăn về bến bãi, giao thông dẫn ra bến tàu chưa thực sự phù hợp với việc khai thác du lịch. Bên cạnh đó, các điểm đến du lịch tâm linh đều chưa có được sự chuyên nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ du lịch, cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập.

“Ngoài điểm đến làng cổ Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) đã có được thương hiệu từ nhiều năm nay với các sản phẩm, dịch vụ chuyên nghiệp, tạo thêm nhiều trải nghiệm cho du khách. Các điểm đến như đền Đại Lộ, đền Dầm (Thường Tín, Hà Nội), đền Chử Đồng Tử - Tiên Dung (Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) đều còn tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực”, ông Trần Hoàng Sơn đánh giá.

Sông Hồng chảy qua Hà Nội có chiều dài khoảng 160km, trong đó 40km qua nội đô với có những giá trị hết sức đặc biệt.

Sông Hồng chảy qua Hà Nội có chiều dài khoảng 160km, trong đó 40km qua nội đô với có những giá trị hết sức đặc biệt.

Cần đẩy mạnh đầu tư

Ông Trần Trung Hiếu chia sẻ: Sự kiện Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2025 diễn ra tại Hà Nội là cơ hội tốt, là nhịp cầu kết nối các nhà đầu tư trên cả nước đến với Hà Nội, nghiên cứu cơ hội đầu tư khai thác tiềm năng du lịch sông Hồng.

“Chúng tôi rất hoan nghênh các nhà đầu tư trong cả nước cùng chung tay đầu tư, khai thác tuyến du lịch nhiều tiềm năng này của Hà Nội. Đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ du lịch, kết nối tour tuyến tại những điểm di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề đầy tiềm năng hai bên bờ sông Hồng”, ông Trần Trung Hiếu bày tỏ.

Làng gốm Bát Tràng là điểm đến ấn tương, được nhiều du khách yêu thích trong hành trình tour “Ấn tượng sông Hồng”

Làng gốm Bát Tràng là điểm đến ấn tương, được nhiều du khách yêu thích trong hành trình tour “Ấn tượng sông Hồng”

Nhiều doanh nghiệp du lịch, du khách tham gia khảo sát tuyến du lịch sông Hồng nhất trí quan điểm, cần đầu tư, nâng cấp chất lượng dịch vụ, tạo thêm nhiều trải nghiệm cho du khách. Bên cạnh việc cần nâng cấp cơ sở hạ tầng điểm đến, cùng với đó là trải nghiệm thưởng thức ẩm thực địa phương, chương trình âm nhạc phục vụ khách trong thời gian di chuyển... Ngoài ra, chất lượng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích tại các điểm đến cũng đã được các địa phương đầu tư, cải thiện nhằm bảo đảm an toàn và tăng sức hấp dẫn đối với du khách.

Du khách trải nghiệm tự nặn vuốt gốm tại Triển lãm Gốm cổ Bát Tràng.

Du khách trải nghiệm tự nặn vuốt gốm tại Triển lãm Gốm cổ Bát Tràng.

Ông Trần Trung Hiếu cho biết Sở Du lịch Hà Nội đang tiếp tục nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các sở, ngành, các chuyên gia để xây dựng kế hoạch cụ thể. Trong đó, ưu tiên đầu tư, xây dựng và quản lý bến tàu thủy nội địa; cải tạo cảnh quan môi trường; bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách; nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách gia tăng trải nghiệm cho du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ và đội ngũ phục vụ tàu, đội ngũ hướng dẫn viên... đáp ứng nhu cầu du khách.

Có thể thấy, tour du lịch sông Hồng có rất nhiều tiềm năng để trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng và hấp dẫn của Hà Nội. Tuy nhiên, để sản phẩm này thực sự khởi sắc, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, cần có sự quyết tâm vào cuộc của các cơ quan chức năng.

Tour du lịch “Ấn tượng sông Hồng” trên du thuyền.

Thư Vũ/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/vi-sao-tour-du-lich-song-hong-trai-nghiem-lang-nghe-di-tich-chua-nhu-mong-doi-post1191568.vov