Vì sao TP.HCM cần cơ chế 'đột phá, vượt trội'?

Nếu chỉ tạo ra những cơ chế 'đặc thù' thì TP không thể huy động và khai phóng toàn bộ nguồn lực của mình nên cần cơ chế đột phá, vượt trội...

Trong nhiều diễn đàn gần đây, lãnh đạo TP.HCM thường nhắc đến thông điệp quan trọng khi bàn đến nghị quyết thay thế Nghị quyết 54: TP mong muốn tới đây sẽ có một nghị quyết mới với các cơ chế mang tính đột phá, vượt trội chứ không chỉ mang tính “đặc thù” như Nghị quyết 54.

Thông điệp này được Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhấn mạnh tại tọa đàm sáng 30-3: TP muốn xin cơ chế đột phá, vượt trội để tiên phong thực hiện những công việc mà từ trước đến nay luật pháp chưa có quy định... không phải là tăng nguồn thu ngân sách, mà là làm sao để khai phóng hết các nguồn lực của TP.

Nhìn từ góc độ nhiệm vụ chính trị, TP.HCM đang triển khai kế hoạch hành động để thực hiện các nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị đã ban hành như Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31… Những chủ trương, kỳ vọng và nhiệm vụ mà trung ương giao phó cho lãnh đạo TP trong các nghị quyết nói trên là rất lớn, như sẽ trở thành một đô thị hiện đại, đi đầu cả nước về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại… Đến năm 2045, TP.HCM sẽ phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu…

Vì thế, nếu chỉ tạo ra những cơ chế “đặc thù” thì TP không thể huy động và khai phóng toàn bộ nguồn lực của mình để đảm trách những nhiệm vụ lớn, đạt được những kỳ vọng lớn. Lịch sử cho thấy bên cạnh Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 mới đây, Bộ Chính trị từng ban hành Nghị quyết 01 năm 1982, Nghị quyết 20 năm 2002 và Nghị quyết 16 năm 2012 để tạo động lực phát triển TP.

Tuy nhiên, nhiệm vụ mà TP lần này thực hiện trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vừa kết thúc với những thiệt hại chưa từng có; và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với những tác động mạnh mẽ, đòihỏi TP phải thực sựđược trao quyền, phânquyền một cách mạnh mẽhơn về cơ chế “đột phá, vượt trội” -nội hàmrộng hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn, chủđộng hơn “đặc thùrất nhiều.

Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 lần này dựa vào tinh thần “đột phá, vượt trội” hướng đến bảy nhóm vấn đề và xoay quanh bốn nhóm nội dung chính sách.

Nhiều đề xuất, kiến nghị được đưa ra cho nhiều lĩnh vực; góp ý cụ thể vào từng điều khoản trong dự thảo nghị quyết.

Tuy nhiên, điểm chung của rất nhiều ý kiến đó là: (a) Xây dựng một nghị quyết mới “chỉ xin một lần” chứ không phải sau khi Quốc hội “bấm nút” thì khi triển khai phải “hỏi ý kiến” thêm mấy chục lần các bộ, ngành hoặc chờ thông tư, nghị định hướng dẫn mới thực hiện; (b) Nghị quyết mới cần áp dụng cơ chế sandbox (thí điểm có kiểm soát), trong đó tập trung phân quyền một cách mạnh mẽ cho chính quyền TP.

Nghị quyết mới cần được xây dựng trên tinh thần “TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP”, tránh cách hiểu sai lầm về ý nghĩa của nghị quyết mới là “ưu ái” cho TP.

Nói nôm na, Thánh Gióng một mình ra trận tuyến đầu vì cả nước thì cả nước cũng góp gạo thổi cơm, cung cấp “giáp sắt, mũ sắt, ngựa sắt…” bằng những “cơ chế đột phá, vượt trội” mà TP đang mong mỏi hướng tới.

ĐỖ THIỆN

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-tphcm-can-co-che-dot-pha-vuot-troi-post726490.html