Vì sao trong 8 năm liên tiếp không có ngày 30 Tết?
Tết Ất Tỵ 2025 là năm đầu tiên trong chuỗi 8 năm liên tiếp, người dân đón Giao thừa vào đêm 29 Tết. Vậy, nguyên nhân do đâu mà đến năm 2033, người dân mới được đón Giao thừa vào đúng ngày 30 Tết?
Hiện tượng này bắt nguồn từ cách tính lịch âm - dương, dựa trên sự vận động của Mặt trăng và Mặt trời, kết hợp với quy luật phân chia tháng đủ (30 ngày) và tháng thiếu (29 ngày) trong lịch âm. Lịch âm được xây dựng dựa trên chu kỳ quay của Mặt trăng quanh Trái đất, với mỗi chu kỳ kéo dài khoảng 29,5 ngày. Vì không thể có tháng nửa ngày, người ta làm tròn chu kỳ này thành 29 ngày (tháng thiếu) hoặc 30 ngày (tháng đủ). Trong giai đoạn 8 năm kể từ năm 2025, tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) liên tục là tháng thiếu, do đó những năm này sẽ không có ngày 30 Tết.
Một năm dương lịch có 365 ngày, trong khi một năm âm lịch chỉ có 354 ngày, tương đương 12 chu kỳ Mặt trăng. Điều này đã tạo ra chênh lệch 11 ngày mỗi năm giữa hai loại lịch. Sau 3 năm, sự chênh lệch này tích lũy thành khoảng 33 ngày, tức là hơn 1 tháng. Để cân bằng, lịch âm bổ sung một tháng nhuận sau mỗi 3 năm.
Tuy vậy, thêm một tháng nhuận sau mỗi 3 năm vẫn chưa đủ để bù đắp hoàn toàn sự chênh lệch giữa hai lịch. Do đó, lịch âm được điều chỉnh theo một chu kỳ phức tạp hơn là cứ 19 năm lại có 7 năm nhuận, trong đó có những năm nhuận cách nhau chỉ 2 năm (thay vì cách 3 năm như quy luật thông thường). Việc bổ sung tháng nhuận này làm cho sự phân chia tháng đủ và tháng thiếu trong lịch âm trở nên không đồng đều. Theo các nhà thiên văn học, từ năm 2025 đến năm 2032, tháng Chạp của lịch âm luôn là tháng thiếu, vì vậy sẽ không có ngày 30 Tết trong các năm này.
Cách tính lịch này không chỉ được áp dụng ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, một số quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là cộng đồng người Hoa và người Việt ở khắp nơi trên thế giới cũng duy trì việc sử dụng song song hai lịch, đặc biệt là cho các dịp lễ quan trọng.
Ngoài ra, theo các chuyên gia văn hóa, hiện tượng 8 năm tới chỉ có ngày 29 tháng Chạp không ảnh hưởng gì đến đời sống, văn hóa của người dân, mà chỉ được coi là một hiện tượng thú vị. Dù tháng Chạp có 29 hay 30 ngày, người dân Việt Nam cũng coi trọng ngày cuối cùng và khoảnh khắc cuối cùng của năm âm lịch như một thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, gọi là Giao thừa.