Kể từ những năm 1930, mối quan hệ giữa Đức với Ba Lan ngày càng trở nên căng thẳng và xấu đi. Điều này xuất phát từ việc trùm phát xít Hitler xây dựng quân đội ngày càng lớn mạnh và muốn gia tăng ảnh hưởng ở phía Đông. Đặc biệt, chính quyền Đức quốc xã muốn lấy lại vùng lãnh thổ đã mất.
Đó chính là vùng Đông Phổ. Phần lãnh thổ này bị tách khỏi Đức để thành lập “Hành lang Ba Lan” hay còn gọi “Hành lang Danzig”. Nhờ có hành lang này, Ba Lan có lối ra biển Baltic. Theo đó, Đức gần như bị loại khỏi khu vực Đông Phổ.
Trong tình huống đó, Đức muốn giành quyền kiểm soát thành phố Danzig. Đây vốn là vùng đất thuộc đế quốc Đức. Thế nhưng, do Đức thua trận trong Thế chiến 1 nên vùng đất này chịu sử quản lý của Hội Quốc Liên.
Xuất phát từ những điều trên, sau khi Hitler lên nắm quyền và xây dựng lực lượng quân đội hùng manh, Đức và Ba Lan xảy ra các cuộc tranh chấp ở khu vực Danzig kể từ đầu thập niên 1930.
Thậm chí, chính quyền Hitler liên tục đưa ra nhiều yêu sách cho Ba Lan liên quan đến vùng Danzig. Trong số này có việc Đức muốn xây dựng một tuyến đường sắt nối Đông Phổ và phần còn lại của Đế chế đệ tam. Tuyến đường này chạy ngang qua hành lang Ba Lan.
Ba Lan từ chối các yêu sách trên. Đến ngày 28/4/1939, Đức tuyên bố xóa bỏ Hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau đã ký với Ba Lan vào năm 1934.
Sự kiện này mở đầu cho việc phát xít Đức chuẩn bị kế hoạch tấn công xâm lược Ba Lan. Trước khi thực hiện chiến dịch này, ngày 29/8/1939, chính quyền Hitler gửi tối hậu thư cho Ba Lan với yêu sách đòi lại Danzig và xóa bỏ "Hành lang Ba Lan". Thế nhưng, Ba Lan kiên quyết từ chối và đồng thời chuẩn bị cho một cuộc chiến có thể xảy ra với Đức.
Đến đêm 31/8/1939, một đơn vị của quân đội Đức bí mật mặc sắc phục của quân sĩ Ba Lan tấn công vào trạm phát thanh tại thành phố biên giới Gleiwitz thuộc Thượng Silesia. Thậm chí, nhóm lính Đức này còn dùng tiếng Ba Lan hô lớn rằng: "Thời điểm thanh toán người Đức đã đến".
Với kế sách này, Hitler nhanh chóng lấy cớ Đức bị tấn công để phát động cuộc tấn công xâm lược Ba Lan vào rạng sáng ngày 1/9/1939. Sau đó, Đức triển khai lực lượng lớn, vũ khí "khủng" áp dụng chiến thuật "chiến tranh chớp nhoáng" khiến Ba Lan liên tiếp bị đánh bại ở nhiều vùng lãnh thổ.
Cuối cùng, Đức quốc xã chiếm đóng Ba Lan sau vài tháng. Với chiến thắng này, trùm phát xít Hitler tổ chức duyệt binh ở Warszawa, Ba Lan vào ngày 5/10/1939.
Mời độc giả xem video: Học sinh có cần học thêm tiếng Hàn, tiếng Đức?. Nguồn: HGV.
Tâm Anh (theo History)