Vì sao Trung Quốc bỏ yêu cầu hãng ô tô nước ngoài phải liên doanh?

Quá trình tận dụng kinh nghiệm và vốn ngoại thông qua hình thức liên doanh sản xuất ô tô ở Trung Quốc đã hoàn thành sứ mệnh, sau gần 30 năm.

Kể từ năm 1994, các công ty nước ngoài tham gia vào ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc đều bắt buộc phải gia nhập thị trường với tư cách là đối tác liên doanh 50:50 với một công ty địa phương.

5 nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc hiện nay là SAIC, FAW, BAIC, Dongfeng và Shangan đều thuộc sở hữu nhà nước hoặc có phần vốn nhà nước chi phối, từng có mặt trong nhiều liên doanh với những người khổng lồ trong ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu như: Brilliance (liên doanh với BMW), Beijing Benz Automotive (liên doanh với Daimler), Liuzhou Wuling Automobile (liên doanh với GM), DRAC (liên doanh với Renault)…

Có thể kể tên hàng trăm liên doanh ô tô giữa doanh nghiệp Trung Quốc với đối tác từ bên ngoài. Nhiều liên doanh là hợp tác ba bên, sở hữu chéo lẫn nhau tương đối phức tạp.

Nhiều công ty Đức lập liên doanh tại Trung Quốc, biến nước này thành công xưởng ô tô thế giới trong gần 3 thập kỷ

27 năm trôi qua, không thể phủ nhận các liên doanh đã giúp ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc gặt hái nhiều trái ngọt. Trung Quốc trở thành thị trường ô tô lớn nhất thế giới, thị trường tiêu thụ xe điện lớn nhất thế giới, đồng thời là nhà sản xuất xe điện số một toàn cầu, tính đến cuối năm 2021.

Tích lũy được vốn và kinh nghiệm quản trị, nhiều hãng xe Trung Quốc vươn vòi bạch tuộc ra thế giới, thâu tóm cơ sở hạ tầng và vốn cổ phần trong các hãng xe toàn cầu. Đến nay, nhiều thương hiệu tên tuổi nay đã thuộc sở hữu 100% của người Trung Quốc, như Volvo của Thụy Điển hay MG từng thuộc về người Anh.

Vừa qua, Trung Quốc bất ngờ cho phép các dự án đầu tư FDI sản xuất lắp ráp ô tô chở khách được phép dùng 100% vốn nước ngoài kể từ ngày 1/1/2022.

Động thái này được công bố trong một tài liệu do Bộ Thương mại Trung Quốc và Ủy ban Cải cách và phát triển Quốc gia ban hành.

Tin liên quan

Trung Quốc bỏ quy định bắt buộc liên doanh sản xuất ô tô

Theo giới phân tích, đến thời điểm hiện nay nhu cầu của Trung Quốc về ô tô đã thay đổi, cả về quan điểm thu hút đầu tư lẫn tiêu dùng.

Gần 30 năm trước, ngành công nghiệp ô tô được coi là công nghiệp nặng, cần nhiều máy móc và công nghệ nguồn, nhưng nay xe hơi cần nhiều bộ vi xử lý hơn, phần mềm thông minh hơn, cập nhật liên tục nhiều mẫu mã mới.

Trào lưu xe điện cũng được tính là tác nhân quan trọng để Trung Quốc từ bỏ quy định bắt buộc liên doanh, bởi lẽ trong cuộc chơi EV mang đậm màu sắc khởi nghiệp, bí kíp công nghệ làm pin và phần mềm hệ điều hành trong cabin sẽ quan trọng hơn việc sản xuất động cơ cho những chiếc xe.

Những thứ có hàm lượng sáng chế cao rất khó để chia sẻ trong một liên doanh nào đó.

Bởi thế, việc cởi trói liên doanh ô tô được nhìn nhận là động thái để Trung Quốc thành thỏi nam châm, thu hút những nhà sáng chế, phát minh và khởi nghiệp công nghệ hàng đầu vào nước này đặt đại bản doanh.

Cũng có nhận định cho rằng, đối tác FDI trong liên doanh ô tô tại Trung Quốc đang trở nên khánh kiệt, thậm chí phá sản như liên doanh BMW Brilliance, Renault Brilliance.

Thời điểm này, việc kết thúc mô hình liên doanh ô tô từ năm 1994 đến nay tại Trung Quốc báo hiệu thời kỳ cáo chung của các liên doanh yếu kém.

Lam Anh

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/vi-sao-trung-quoc-bo-yeu-cau-hang-o-to-nuoc-ngoai-phai-lien-doanh-d538329.html