Vì sao Trung Quốc cấm xe máy chạy xăng thành công trên quy mô toàn quốc?
Trong khi nhiều quốc gia đang loay hoay với bài toán giảm xe máy trong đô thị, Trung Quốc là một trong số hiếm những nước đã thực hiện thành công việc cấm hoặc hạn chế xe máy trên quy mô lớn.
Quá trình cấm xe máy được bắt đầu từ đầu những năm 1990 tại các đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và đặc biệt là Thâm Quyến, nơi xe máy từng được xem là "xương sống" của hoạt động giao thương, giao hàng và đi lại hằng ngày. Tuy nhiên, kèm theo sự phát triển bùng nổ của xe máy là những hệ lụy nhức nhối như tai nạn giao thông tăng nhanh, ô nhiễm không khí trầm trọng và đường phố trở nên lộn xộn.

Thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) gần như không có xe xăng
Theo South China Morning Post, thành phố Thâm Quyến ra lệnh cấm xe máy từ năm 2003, bắt đầu bằng việc cấm một số tuyến đường, sau đó là toàn bộ khu vực nội đô. Cùng thời điểm đó, Bắc Kinh cũng ban hành các quy định cấm xe máy lưu thông ở trung tâm thành phố. Thượng Hải thậm chí dừng cấp biển số xe máy mới từ đầu những năm 2000, biến xe máy thành phương tiện "tuyệt chủng" trong nội thành.
Trung Quốc không chỉ ra lệnh cấm bằng hành chính. Họ triển khai một chiến lược dài hơi trước tiên là hạn chế, sau đó siết dần qua việc không cấp biển số mới, nâng phí đăng ký lên rất cao, giới hạn thời gian hoặc tuyến đường lưu thông của xe máy, và cuối cùng là cấm hoàn toàn. Những ai cố tình vi phạm sẽ bị phạt tiền nặng, thậm chí bị tịch thu phương tiện.

Xu hướng xe điện gia tăng tại nhiều thành phố ở Trung Quốc
Một yếu tố quan trọng giúp chính sách này được chấp nhận là chính quyền đồng thời đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông thay thế. Trong hai thập niên qua, hàng chục tuyến tàu điện ngầm, xe buýt nhanh (BRT) và mạng lưới xe buýt thường được mở rộng với chi phí sử dụng rất rẻ. Đặc biệt, việc xuất hiện các dịch vụ chia sẻ xe đạp và xe đạp điện như Mobike, Ofo đã mang đến lựa chọn linh hoạt cho quãng đường ngắn, giúp người dân dễ dàng thích nghi với lệnh cấm xe máy.
Theo báo China Daily, sau khi Thâm Quyến cấm xe máy hoàn toàn, tai nạn giao thông giảm gần 30% chỉ trong vài năm. Thành phố này trở thành hình mẫu cho các đô thị khác học theo. Đến năm 2020, theo số liệu của Bộ Công an Trung Quốc được dẫn lại trong nhiều báo cáo, đã có hơn 200 thành phố áp dụng lệnh cấm hoặc hạn chế xe máy, mở rộng mô hình từ các thành phố lớn đến các đô thị cấp hai và ba như Thành Đô, Trùng Khánh, Tây An, Vũ Hán…

Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc còn triển khai chiến dịch truyền thông mạnh mẽ nhằm thay đổi nhận thức cộng đồng. Xe máy dần bị gắn với hình ảnh "nguy hiểm, lạc hậu, thiếu văn minh", trong khi phương tiện công cộng và xe điện hiện đại được xem là biểu tượng của thành phố văn minh. Việc điều chỉnh tâm lý người dân đóng vai trò không nhỏ trong thành công chính sách, điều mà nhiều quốc gia khác chưa làm tốt.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không tránh khỏi những phản ứng trái chiều. Nhiều công nhân nhập cư vốn thu nhập thấp và phụ thuộc xe máy để di chuyển rơi vào thế khó khi bị tước phương tiện chính. Một số người phản ánh việc phải đi bộ xa hơn hoặc mất thêm thời gian và chi phí khi dùng phương tiện công cộng.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của xe điện, đặc biệt là xe đạp điện và xe máy điện giá rẻ cũng tạo ra thách thức mới về an toàn giao thông. Cùng với sự phát triển như vũ bão của ngành giao đồ ăn và nhu cầu di chuyển cá nhân, xe điện nhanh chóng ngập tràn đường phố Trung Quốc.

Theo thống kê từ các báo cáo trong nước, phần lớn các vụ tai nạn liên quan đến xe điện đều do người điều khiển vi phạm luật giao thông, đi sai làn, vượt đèn đỏ hoặc chạy quá tốc độ.
Để kiểm soát tình trạng này, Trung Quốc sớm đưa ra các tiêu chuẩn pháp lý cho xe điện. Từ năm 1999, quốc gia này đã thiết lập khung quy định đầu tiên như giới hạn tốc độ và trọng lượng xe, đồng thời yêu cầu xe điện muốn được coi là xe đạp điện thì phải có bàn đạp. Việc phân loại rõ ràng giúp áp dụng luật phù hợp cho từng loại phương tiện.
Gần đây, chính phủ tiếp tục siết chặt các quy định yêu cầu chủ xe buộc phải đăng ký, giới hạn độ tuổi điều khiển và nâng cấp phương tiện theo tiêu chuẩn mới bao gồm trọng lượng tối đa, giới hạn tốc độ, điện áp pin cũng như thiết kế an toàn. Những ai không đáp ứng đủ yêu cầu kỹ thuật có thể bị cấm lưu thông hoặc bị thu hồi xe.
Từ một đất nước có lượng xe máy cao trong thập niên 1980 – 1990, Trung Quốc đã trở thành quốc gia tiêu biểu cho xu hướng “phi xe máy hóa” ở đô thị. Thành công của họ cho thấy cấm xe máy không thể chỉ dựa vào mệnh lệnh hành chính mà cần một lộ trình có tính toán kỹ lưỡng, kèm theo giải pháp thay thế thực chất và truyền thông đồng bộ.