Vì sao Trung Quốc quyết nghiêng dần về phía Nga bất chấp áp lực từ Mỹ?
Vậy sự thay đổi sắc thái gần đây để Trung Quốc ngả sang Nga đến từ đâu? Bắc Kinh dường như đã nhận ra rằng sự mập mờ trước đây không thể mãi kéo dài.
Diễn biến phức tạp hơn mong đợi trong chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã khiến giới lãnh đạo Trung Quốc giật mình. Là một phần của "Hiệp ước Olympic", Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là đã thông báo với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào ngày 4.2 rằng đây sẽ là một "hoạt động quân sự đặc biệt" chớp nhoáng, tương tự việc sáp nhập Crimea vào năm 2014. Bắc Kinh sẽ không cần phải bình luận khó xử ngoài những cụm từ chung chung thông thường về các giải pháp ngoại giao và kêu gọi kiềm chế ở tất cả các bên.
Sau khi Nga khởi động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, Bắc Kinh đã đưa ra những tuyên bố như vậy một cách hợp lý. Tuy nhiên, kế hoạch “tấn công chớp nhoáng” đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của Ukraine. “Chiến dịch quân sự đặc biệt” đã trở thành một cuộc chiến tranh tiêu hao.
Phải nửa tháng sau, các quan chức Trung Quốc mới bắt đầu phản ánh rõ ràng hơn một chút về quan điểm. Ngoại trưởng Vương Nghị dần công khai đứng về phía Nga. Tài khoản xã hội của các phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc như Triệu Lập Kiên, Hoa Xuân Oánh đều đăng các bài chỉ trích Mỹ làm nóng tình hình Ukraine. Do đó, quan điểm chính thức của Trung Quốc đã tiến gần hơn đến quan điểm không chính thức vốn đã không ngần ngại đứng về phía Nga ngay từ đầu.
Và gần đây nhất thì mọi thứ càng rõ ràng. Bất chấp việc Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18.3 gọi điện cho Chủ tịch Tập Cận Bình để nhắc về những hậu quả cho việc hỗ trợ Nga trong chiến dịch tại Ukraine, Bắc Kinh vẫn phản đối bất kỳ sự cưỡng ép hay áp lực nào từ bên ngoài, đồng thời phản đối mọi cáo buộc và nghi ngờ vô căn cứ chống lại Trung Quốc. Ngày 19.3, ông Vương tuyên bố: "Lập trường của Trung Quốc là khách quan, công bằng và phù hợp với mong muốn của hầu hết các nước. Thời gian sẽ chứng minh rằng quan điểm của Trung Quốc là đứng về đúng phía của lịch sử".
Đây là tuyên bố khôn ngoan không đề cập đến bên nào nhưng người ta có thể hiểu Trung Quốc ủng hộ lịch sử tức là ủng hộ Nga vì “lịch sử giữa Nga và Ukraine” đã được Tổng thống Putin nhắc trong diễn văn hồi tháng trước. Hơn nữa, lịch sử cũng có thể hiểu là quan điểm của Trung Quốc về chủ quyền đối với đảo Đài Loan.
Tuy nhiên, sự ủng hộ dành cho Điện Kremlin mang lại những nguy cơ đáng kể, đó là lý do tại sao ngay từ đầu Bắc Kinh đã tỏ ra không rõ ràng. Sau khi tổng thống Vladimir Putin hạ lệnh tiến quân vào một nước láng giềng nhỏ hơn nhiều, nước Nga vấp phải thái độ thù địch từ Phương Tây và nhận vô vàn lệnh trừng phạt. Khi đó ngay cả Bắc Kinh cũng không muốn bị liên lụy vì "liên minh không biên giới" giữa Nga và Trung Quốc.
Mặc dù Bắc Kinh chia sẻ, ít nhất là trong ngắn hạn, một số mục tiêu chung với Moscow, nhưng họ đang cố gắng đạt được chúng theo những cách rất khác nhau. Trong những năm qua, Bắc Kinh đã cẩn thận xây dựng hình ảnh “hợp tác cùng có lợi” với phần còn lại của thế giới. Bắc Kinh luôn nhấn mạnh tốc độ phát triển nhanh chóng của Trung Quốc không gây rủi ro cho bất kỳ ai, chỉ mang lại cơ hội kinh tế. Ông Tập không muốn đốt cháy nguồn vốn chính trị này chỉ vì “đồng minh không giới hạn” nóng nảy của mình.
Vậy sự thay đổi sắc thái gần đây để ngả sang Nga đến từ đâu? Bắc Kinh dường như đã nhận ra rằng sự mập mờ trước đây không thể mãi kéo dài. Cũng có khả năng đó là một dấu hiệu cho thấy tinh thần cứng rắn của Trung Quốc với Phương Tây đã thể hiện rõ hơn. Sự hùng biện mạnh mẽ như vậy đã xuất hiện rõ ràng ở Bộ Ngoại giao Trung Quốc một thời gian trước, ví dụ như trong chính sách được gọi là "ngoại giao chiến lang".
Thông điệp dường như là: "Nếu phương Tây muốn một cuộc đối đầu, được thôi chúng tôi sẽ trao nó cho họ". Việc Nga động binh ở Ukraine chỉ thúc đẩy quá trình tồn tại bấy lâu nay và dường như không thể đảo ngược khi chia cắt thế giới thành hai khối lớn.
Từ lâu, Trung Quốc vốn không muốn phân chia rõ ràng kiểu như như vậy để tránh mếch lòng các bên. Nhờ ranh giới mập mờ, Trung Quốc đã hưởng lợi rất nhiều từ việc tiếp cận các xã hội cởi mở ở phương Tây và các nơi khác trên thế giới một cách thoải mái, đặc biệt là từ hoạt động thương mại và chuyển giao công nghệ khá đơn chiều. Một trong những hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine sẽ là sự cảnh giác của phương Tây đối với các đối thủ khác ý thức hệ, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến Trung Quốc và làm cho các mối quan hệ bất đối xứng như vậy trở nên khó khăn hơn.
Giới lãnh đạo Trung Quốc có thể kết luận một cách đơn giản rằng bây giờ họ đã sẵn sàng cho cuộc “tách cực” sắp tới. Nếu điều đó là không thể tránh khỏi, thì không có quá nhiều thứ để mất khi ủng hộ Moscow. Về mặt tích cực, sự cô lập quốc tế của Nga thậm chí có thể là một lợi thế đối với Trung Quốc, dẫn đến mức độ Nga cần Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn.
Có lẽ kịch bản duy nhất có thể đảo ngược triển vọng như vậy sẽ là sự thay đổi người lãnh đạo nước Nga. Khi đó Trung Quốc sẽ mất đồng minh của ngày hôm nay và nước chịu ảnh hưởng trong tương lai; thay vào đó, một đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ có thể xuất hiện. Một viễn cảnh như vậy đưa ra cho Bắc Kinh những lựa chọn khá đơn giản và gợi ý lý do tại sao Trung Quốc sẽ duy trì sự ủng hộ đối với chính quyền Tổng thống Putin bất chấp sự dao động ban đầu. Thậm chí, Trung Quốc bất chấp trước nguy cơ gia tăng rạn nứt với Phương Tây để từ chối quay lưng với Nga.
Sâu xa hơn, Trung Quốc đang muốn hình thành một trật tự mới mà không còn phụ thuộc vào Mỹ khi nhận ra Mỹ đang muốn kìm hãm họ. Trong tầm nhìn đó, Nga sẽ trở thành nơi cung cấp nguồn lực giúp Trung Quốc tiếp tục phát triển kinh tế. Trung Quốc lựa chọn Nga thì cũng chính là lựa chọn phù hợp với bối cảnh lịch sử mà họ không thể và không muốn ẩn mình chờ thời nữa.