Vì sao Tư Mã Ý không cho phép trồng cây xung quanh mộ của mình?
Tư Mã Ý dành cả cuộc đời để mưu tính, ngay cả về cái chết, ông cũng đã sắp xếp ổn thỏa chuyện hậu sự của bản thân.
Nếu là một fan của Tam quốc diễn nghĩa, thì khi nói về Tư Mã Ý, tin rằng mọi người đều không xa lạ với nhân vật này, ông là một huyền thoại của thời kỳ Tam quốc. Tư Mã Ý (179 – 251), tự Trọng Đạt, là nhà chính trị, quân sự, đại thần cốt cán của nước Tào Ngụy vào thời Tam quốc trong lịch sử Trung Hoa.
Ông cũng được biết tới là nhân vật đặt nền móng cho việc nhà Tây Tấn (hay nhà Tấn) thay thế nhà Ngụy và thống nhất Tam quốc sau này.
Vốn là một người cẩn trọng có tiếng, nhân vật này năm xưa từ sớm đã cân nhắc tới việc tìm nơi an táng cho bản thân khi đã ở tuổi gần đất xa trời.
Sau khi đã thành công đặt nền móng vững chắc cho gia tộc của mình kiểm soát được triều đình nhà Ngụy, Tư Mã Ý qua đời vào năm 251, hưởng thọ 73 tuổi.
Trước khi chết, Tư Mã Ý cũng đã sắp xếp ổn thỏa chuyện hậu sự của bản thân mình. Bởi vì cả đời từng đắc tội với vô số người, Tư Mã Ý càng thận trọng hơn ai hết trong việc chọn nơi chôn cất để tránh rơi vào cảnh bị kẻ địch hủy thi diệt tích.
Tư Mã Ý không sử dụng kế làm mộ giả của Tào Tháo, cũng không bắt chước kế chôn thân nơi dây thừng bị đứt của Gia Cát Lượng, mà ông dùng kế ba không, không đắp mộ, không dựng bia, không cúng tế.
Tương truyền rằng, Tư Mã Ý năm xưa từng dặn dò con cháu 3 việc khi an táng mình:
Thứ nhất, không được phép lập bia ở trước phần mộ.
Thứ hai, không được phép trồng cây xung quanh mộ địa.
Thứ ba, tuyệt đối không được chôn theo bất kỳ tài sản nào.
Có nghĩa là sau khi Tư Mã Ý được mai táng, nơi chôn cất ông không được đắp mộ và cũng không có bia mộ, chỉ là một khu đất bằng phẳng như những chỗ khác. Xung quanh mộ của ông cũng không được trồng cây tùng bách như lăng tẩm của các vương công đại thần vốn cấp bậc càng cao thì số lượng cây càng nhiều, để tránh gây sự chú ý, dễ bị phát hiện. Không được chôn theo bất kỳ tài sản nào để tránh bị giới trộm mộ tìm kiếm.
Tư Mã Ý không cho đắp mộ, dựng bia và không trồng cấy để tránh gây sự chú ý, dễ bị phát hiện.
Về đám tang của Tư Mã Ý, có giai thoại còn truyền lại rằng vào ngày hạ táng Tư Mã Ý, hậu duệ của ông đã bố trí nhiều quan tài cùng lúc được khiêng ra khỏi cổng thành để "tung hỏa mù".
Điểm đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, giai thoại này khẳng định những người khiêng quan tài trước đó đều bị ép phải uống thuốc độc nhằm mục đích đảm bảo tính bí mật tuyệt đối về nơi hạ huyệt chôn cất.
Vì vậy, những người ngoài gia tộc Tư Mã đều không thể xác định được rằng rốt cục di hài Tư Mã Ý nằm trong chiếc quan tài nào và được chôn cất ở nơi đâu.
Ngoài ra, Tư Mã Ý cũng quy định, con cháu đời sau không được phép đến mộ của ông để cúng tế, vợ của ông cũng không được hợp táng ở đây, nếu muốn cúng tế thì phải đến mộ chôn quần áo và di vật của ông để cúng tế.
Nhờ vậy mà trước khi bị phát hiện, tung tích về nơi chôn cất Tư Mã Ý đã trở thành một bí ẩn lịch sử không lời giải đáp trong suốt hàng thế kỷ qua.
Sinh thời, Tư Mã Ý từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình như Thái phó, Thái úy, Đại Tướng quân…
Ông được đánh giá là người giỏi mưu lược, biết ẩn nhẫn, từng lập được không ít công trạng mà nổi bật trong đó chính là việc thành công chống lại chiến dịch Bắc phạt từ phía Gia Cát Lượng của nhà Thục Hán.