Vì sao tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thái Bình thi công chậm lại?
Nhà thầu thi công dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thái Bình đang gặp nhiều khó khăn do nguồn cung nguyên vật liệu khan hiếm, giá cả liên tục leo thang.
Nhiều hạng mục công trình gần như ngừng thi công
Những ngày cuối tháng 6/2024, trên công trường cầu Sông Hồng thuộc tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thái Bình, PV Báo Giao thông ghi nhận, nhà thầu đang tập trung nhân lực, máy móc đẩy nhanh tiến độ.
Còn tại công trường thi công đường, chỉ một số điểm, đoạn là có bóng dáng nhà thầu triển khai thi công một vài hạng mục công trình nhỏ lẻ như cống ngang đường. Các hạng mục công trình khác gần như ngừng thi công.
Tại các điểm tuyến đường bộ ven biển giao cắt với các tuyến đường giao thông như ĐT 462, QL37, QL39, các tuyến đường liên huyện, liên xã... đã được nhà thầu rào chắn, hạn chế người dân đi lại, đảm bảo an toàn giao thông.
Theo quan sát của PV, nhiều máy móc, trang thiết bị đã được nhà thầu đưa vào vị trí tập kết, công trường khá vắng vẻ mặc dù thời điểm hiện tại, thời tiết thuận lợi.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, kỹ sư Vũ Mạnh Hùng, chỉ huy trưởng công trình, đại diện nhà thầu thi công Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh cho biết, dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình có tổng chiều dài trên 43km.
Ngoài 9km đã bàn giao xong mặt bằng và đang triển khai thi công giai đoạn 1; Đoạn còn lại trên địa bàn hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải có chiều dài trên 34km, đến nay đã thi công khuôn, nền đường, cống qua đường được trên 25km. Còn một số đoạn tuyến đang thi công xử lý nền đất yếu.
Các hạng mục cầu trên tuyến như: cầu Sông Sinh, cầu Diêm Điền, cầu Trà Lý, cầu Dừa, cầu Sơn Thọ, cầu Lân 1, cầu Lân 2... đã cơ bản hoàn thành.
"Đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành được trên 70% sản lượng dự án được giao. Hiện, công tác giải phóng mặt bằng của dự án đã cơ bản hoàn thành song vẫn còn vướng mắc một số vị trí bổ sung trên tuyến tại địa bàn huyện Tiền Hải, cũng như mặt bằng tại các nút giao với QL39 (huyện Thái Thụy)", ông Hùng cho hay.
Thi công chậm lại chờ điều chỉnh tổng mức
Tuy nhiên, theo ông Hùng, thời điểm này nhà thầu thi công dự án đang gặp nhiều khó khăn do nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu khan hiếm, giá cả liên tục leo thang.
Hiện nay, giá các loại vật liệu san lấp như cát đen, đất đồi, đá, cấp phối đá dăm... đều tăng từ 70-90%, có loại tăng gấp 2,5 lần so với đầu năm 2022. Do đó, tiến độ của dự án phải chậm lại để chờ điều chỉnh tổng mức.
"Đơn vị phải thi công dự án chậm lại thời gian này là do chờ điều chỉnh tổng mức", ông Hùng giải thích.
Theo đại diện nhà thầu, việc chậm thi công, đơn vị đã có tờ trình báo cáo chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình giao thông tỉnh và UBND tỉnh Thái Bình, lấy ý kiến các sở, ngành để trình Bộ Kế hoạch đầu tư tham mưu cho Chính phủ có quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư để làm căn cứ thực hiện.
"Sau khi có chủ trương đầu tư, đơn vị sẽ dồn các nguồn lực, trang thiết bị máy móc tăng tốc hoàn thành dự án theo tiến độ", vị đại diện nhà thầu chia sẻ.
Riêng công trình cầu Sông Hồng bắc qua sông Hồng nối hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Giao Thủy (Nam Định) có chiều dài 1.400m với 27 nhịp, trong đó có 5 nhịp cầu chính và nhịp chính giữa sông vượt khẩu độ 120m. Tổng vốn đầu tư của công trình gần 1.000 tỷ đồng, đến nay đã thi công đạt khoảng gần 90% khối lượng.
"Đơn vị vẫn đang tập trung nhân lực, dự kiến khoảng 15/7 sẽ hợp long cầu, sớm khánh thành theo tiến độ được gia hạn là 31/12/2024", nhà thầu thi công khẳng định.
Ông Đặng Văn Tính, Giám đốc Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh Thái Bình cho biết, thực tế từ năm 2021 đến nay, doanh nghiệp nhà thầu liên tục phải đối diện với những khó khăn do dịch Covid-19; Tác động của tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu và sự thiếu hụt nguồn cung.
Vừa qua Quốc hội đã thông qua cơ chế góp vốn cho dự án, hiện nay dự án cũng đang điều chỉnh chủ trương đầu tư và đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tham mưu cho Chính phủ quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư để làm căn cứ thực hiện các bước tiếp theo.
"Chỉ cần có quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, chúng tôi sẽ nỗ lực để dự án sớm hoàn thành đưa vào khai thác phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội", ông Tính cho biết.