Vì sao tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông bị lỗ nặng?
Năm 2021 đơn vị vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bị lỗ hơn 63,73 tỷ đồng; con số này chưa tính phần trợ giá.
Hành khách đi tàu đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông
Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro) là doanh nghiệp nhà nước được giao quản lý, khai thác vận hành tuyến đường sắt đô thị (metro) Cát Linh - Hà Đông. Doanh nghiệp này hoạt động từ tháng 6/2015, bắt đầu khai thác vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có thu tiền từ ngày 22/11/2021. Trước thời điểm trên, tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông chở khách miễn phí 15 ngày.
Doanh thu chủ của công ty chủ yếu từ bán vé tàu Cát Linh - Hà Đông. Theo báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán, doanh thu từ bán vé tàu Cát Linh - Hà Đông đạt hơn 5,3 tỉ đồng. Tuy nhiên giá vốn bán hàng và cung cấp dịch vụ cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là hơn 58,94 tỉ đồng (trong đó chi phí nhân công chiếm 43,7 tỉ đồng) khiến lỗ gộp của doanh nghiệp này là 53,6 tỉ đồng.
Cộng thêm 12,2 tỉ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, năm 2021 Hà Nội Metro lỗ hơn 63,73 tỉ đồng (riêng năm 2020 khi chưa vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông doanh nghiệp này lỗ 22,67 tỉ đồng). Nếu tính từ khi công ty bắt đầu hoạt động đến hết năm 2021, Hà Nội Metro lỗ lũy kế gần 160 tỉ đồng.
Công ty Hà Nội cho biết, số liệu nêu trên là chuẩn xác. Tuy vậy, theo Hà Nội Metro, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đường sắt đô thị là lĩnh vực dịch vụ công nên giá vé do TP. Hà Nội quyết định (với mức giá rẻ có trợ giá của thành phố) để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng đi lại, giảm dần phương tiện cá nhân, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.
Nguồn thu từ bán vé xe buýt, tàu điện không đủ bù đắp chi phí. Và xe buýt của Hà Nội đã được thành phố trợ giá từ nhiều năm nay và hiện vẫn đang thực hiện. Còn đối với đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, là tuyến đầu tiên đưa vào vận hành, HĐNĐ TP. Hà Nội đã thông qua nghị quyết cho áp dụng các chính sách khuyến khích như xe buýt hiện nay. Thời gian qua, công ty đã xây dựng đơn giá tạm thời và đã được thành phố phê duyệt.
"Số liệu báo cáo năm 2021 là số liệu chưa có trợ giá của thành phố (vì chưa có đặt hàng). Hiện nay dưới sự hướng dẫn tích cực của các sở, ban, ngành, công ty đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để thành phố đặt hàng cho tuyến Cát Linh – Hà Đông 2 tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022.
Sau khi doanh thu của năm 2021 được cộng thêm trợ giá theo đặt hàng của thành phố, chắc chắn bức tranh tài chính sẽ khác so với báo cáo tài chính hiện nay. Trợ giá của thành phố không chỉ bù đắp phần thiết hụt do doanh thu không đảm bảo chi phí mà còn có lãi định mức theo quy định”, Hà Nội Metro cho biết.