Vì sao tỷ lệ tinh giản biên chế của Thành phố Hồ Chí Minh thấp?
Từ đầu năm 2023 đến nay, UBND Thành phố đã phê duyệt danh sách tinh giản biên chế đối với 58 trường hợp; trong đó nghỉ hưu trước tuổi là 41 trường hợp, thôi việc ngay là 17 trường hợp.
Việc thực hiện tinh giản biên chế tại Thành phố Hồ Chí Minh tỷ lệ còn thấp vì phần lớn cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và ngày càng chuẩn hóa.
Nội dung được nêu trong báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh gửi Bộ Nội vụ về sơ kết 6 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trong năm 2022, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt danh sách tinh giản biên chế đối với 222 trường hợp; trong đó nghỉ hưu trước tuổi là 155 trường hợp, thôi việc ngay là 67 trường hợp.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã phê duyệt danh sách tinh giản biên chế đối với 58 trường hợp; trong đó nghỉ hưu trước tuổi là 41 trường hợp, thôi việc ngay là 17 trường hợp.
Phân tích nguyên nhân, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc thực hiện tinh giản biên chế tỷ lệ còn thấp vì khi các cơ quan, đơn vị đề xuất danh sách, nhiều trường hợp không thuộc đối tượng quy định do phần lớn cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và ngày càng chuẩn hóa dẫn đến ít có tình trạng tinh giản biên chế do không đủ năng lực đáp ứng nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, do sợ thiếu nhân sự thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị khi thực hiện tinh giản biên chế nên các cơ quan, đơn vị không quyết liệt trong thực hiện tinh giản. Điều này là do sau khi tinh giản, số lượng biên chế còn lại ít, không đảm đương nổi khối lượng công việc ngày càng nhiều.
Hiện, số lượng biên chế hành chính của Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Nội vụ giao không đáp ứng được nhu cầu thực tế tại các cơ quan, đơn vị. Do khối lượng công việc ngày càng nhiều, một số cơ quan, đơn vị bổ sung chức năng, nhiệm vụ nhưng không được tăng biên chế dẫn đến tình trạng quá tải, áp lực công việc tăng cao đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ từ các năm qua, Thành phố đã xin nhận khuyết điểm vì sử dụng biên chế công chức, số lượng người làm việc lớn hơn số biên chế công chức, số lượng người làm việc được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ giao.
Tuy nhiên, khối lượng công việc ngày một tăng, lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ không chuyên trách và người lao động làm việc tại Thành phố ngày càng nhiều áp lực, tổng khối lượng hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận tăng dần so với năm trước liền kề...
Nếu Hội đồng Nhân dân Thành phố không phê duyệt số lượng biên chế hành chính, số lượng người làm việc như hiện nay, Thành phố sẽ không có đủ nhân sự hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao.
Ủy ban Nhân dân Thành phố kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về biên chế, Ban Tổ chức Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ xem xét, phân bổ số lượng biên chế, số lượng người làm việc phù hợp với tình hình phát triển thực tế hiện nay tại Thành phố và Thành phố sẽ báo cáo lộ trình giảm biên chế, số lượng người làm việc, thực hiện nghiêm Kết luận số 40-KL/TW của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026.
Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng đủ số lượng biên chế công chức để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, Ủy ban Nhân dân Thành phố kiến nghị 2 phương án.
Phương án 1, kiến nghị Ban Tổ chức Thành ủy trình Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị Ban Tổ chức Trung ương ghi nhận số lượng biên chế công chức hành chính (khối chính quyền) tại Thành phố phù hợp với tình hình khối lượng công việc thực tiễn.
Phương án 2, Ban Tổ chức Thành ủy trình Ban Thường vụ Thành ủy đề xuất Ban Tổ chức Trung ương kiến nghị Ban chỉ đạo Trung ương về biên chế, Bộ Chính trị cho Thành phố tự chủ về biên chế (tự cân đối về tổng số biên chế công chức hành chính trên mức độ tự chủ ngân sách của Thành phố)./.