Vì sao UAE chôn vùi lệnh tẩy chay gần nửa thế kỷ với Israel?
Từ tẩy chay Israel, UAE đã đầu tư hàng tỷ USD vào thị trường này và ký hiệp định thương mại tự do với họ, giúp Israel bước một chân vào thị trường Arab rộng lớn.
Đã có thời gian ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), khi Ngôi sao David (hình ngôi sao trên cờ Israel) xuất hiện trên áo phông được bán ở chợ, các quan chức phụ trách chính sách tẩy chay đối với Israel sẽ lập tức điều tra.
Nhưng điều đó đã thay đổi tới khó tin. Gần hai năm trước, UAE chính thức kết thúc một đạo luật tẩy chay kéo dài gần nửa thế kỷ, được thiết lập 1972 như một chính sách chung của thế giới Arab, nhằm thể hiện sự phản đối đối với Israel trong căng thẳng với Palestine.
Hôm 31/5, UAE trở thành quốc gia Arab đầu tiên ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhà nước Do Thái. Hiệp ước được Bộ trưởng Thương mại UAE Thani Al Zeyoudi mô tả là "một chương mới trong lịch sử Trung Đông", theo CNN.
Thỏa thuận có giá trị như thế nào?
Thỏa thuận sẽ nâng thương mại giữa hai quốc gia lên hơn 10 tỷ USD trong vòng 5 năm, từ mức khoảng 1,2 tỷ USD vào năm ngoái, theo Cục Thống kê Trung ương của Israel.
Quốc gia vùng Vịnh cũng đã phân bổ 10 tỷ USD cho các khoản đầu tư vào Israel vào năm ngoái, coi họ là một trong những đối tác kinh tế chính trong tương lai cùng với 7 quốc gia khác khi trọng tâm của chính sách đối ngoại của họ chuyển sang kinh doanh.
Các chuyên gia cho rằng con số mà UAE dành cho Israel lớn hơn nhiều so với dân số khoảng 10 triệu người của quốc gia vùng Vịnh, bởi vì thỏa thuận này có thể mở ra khả năng tiếp cận với Trung Đông rộng lớn hơn mà nước này chưa thể khai thác.
Hiệp định đòi hỏi những gì?
Thuế quan sẽ được xóa bỏ hoặc giảm đối với 96% hàng hóa giao dịch giữa các quốc gia, bao gồm thực phẩm, thuốc, kim cương, đồ trang sức, phân bón và các hóa chất khác.
Phần lớn nghĩa vụ thuế sẽ được miễn ngay lập tức, và những nghĩa vụ thuế khác sẽ được bãi bỏ trong vòng 5 năm kể từ bây giờ. Những dự án phải chịu thuế quan sẽ được áp dụng mức thuế suất thấp hơn.
Dorian Barak, đồng Chủ tịch của Hội đồng Kinh doanh UAE-Israel, dự kiến thấy khoảng 1.000 công ty do Israel sở hữu hoạt động tại hoặc thông qua UAE vào cuối năm nay, bao gồm công ty con của các doanh nghiệp Israel, văn phòng đại diện, nhà phân phối, và các dự án mới.
Mỗi bên được lợi gì về thương mại?
Nghiên cứu do Paul Rivlin, một nhà kinh tế tại Đại học Tel Aviv, thực hiện cho thấy giá trị nhập khẩu của Israel từ UAE cao hơn gấp đôi so với xuất khẩu của nước này vào năm ngoái, nhưng các chuyên gia khác cho rằng Israel có nhiều lợi nhuận hơn từ thương mại với UAE trong tương lai.
Theo hãng thông tấn nhà nước WAM, xuất khẩu của UAE sang Israel dự kiến tăng 0,5% vào năm 2030 và FTA sẽ bổ sung thêm 1,9 tỷ USD cho nền kinh tế quốc gia trong vòng 5 năm.
Theo Robert Mogielnicki, một học giả cấp cao tại Viện các quốc gia vùng Vịnh ở Washington, UAE muốn những cá nhân có giá trị ròng cao, khách du lịch, doanh nhân, công ty khởi nghiệp và công nghệ tiên tiến, nhưng "Israel có thể sẽ gặt hái được những phần thưởng kinh tế trực tiếp lớn hơn".
Ông Barak nói UAE sẽ chứng kiến một lượng lớn công ty Israel tìm cách thành lập trụ sở khu vực để nhắm mục tiêu kinh doanh ở Trung Đông, Nam Á và Viễn Đông.
Hợp tác với UAE có giúp Israel tiếp cận thị trường lớn hơn trong thế giới Arab không?
Ông Barak nói Israel đang xem Dubai như một trung tâm để giao lưu với Trung Đông, tiểu lục địa Ấn Độ và Viễn Đông. "Điều này sẽ là một sự chuyển đổi đối với hoạt động kinh doanh của Israel trong khu vực".
Theo ông, UAE sẽ trở thành thị trường xuất khẩu và tái xuất khẩu chính của khu vực đối với hàng hóa của Israel. "Mọi người sẽ thấy sản phẩm của Israel xuất hiện trên các kệ hàng và trong nhà máy" trong khu vực ngay bây giờ.
Tuy nhiên, Mogielnicki nói rằng Israel là một bên gây tranh cãi trong thế giới Arab, vì vậy thương mại với UAE sẽ giúp Israel bước một chân vào thị trường khu vực, nhưng đó không phải là "vé VIP".
Karen Young, một thành viên cấp cao tại Viện Trung Đông tại Washington, cho biết hoạt động kinh doanh giữa các công ty Israel với các công ty nhà nước và tư nhân ở Vùng Vịnh đã tồn tại. Hiệp định thương mại sẽ "giúp những nhà đầu tư mới thấy thoải mái hơn và khuyến khích thương mại và đầu tư trực tiếp hơn”.
Saudi Arabia phản ứng như thế nào?
Saudi Arabia là nền kinh tế Arab lớn nhất, cũng tẩy chay Israel. Việc tiếp cận thị trường này là điều mà doanh nghiệp thèm muốn.
Các chuyên gia cho rằng vương quốc này nhận ra Israel đang muốn tận dụng quan hệ với UAE để chen chân vào thị trường của mình. Vì vậy, vào tháng 7 năm ngoái, Saudi Arabia đã loại các sản phẩm của Israel được xuất khẩu từ UAE khỏi ưu đãi thuế quan theo thỏa thuận với các nước vùng Vịnh.
Mogielnicki nói: “Saudi Arabia sẽ không nhường thị trường của mình cho người Israel thông qua Dubai. Người Saudi sẽ muốn đảm bảo một cái gì đó lớn để đổi lại quyền tiếp cận thị trường lớn nhất của Vùng Vịnh”.
Các quốc gia vùng Vịnh, mà UAE có hiệp định thương mại tự do, chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu và tái xuất khẩu của Dubai.
Ý nghĩa của hiệp định đối với việc người Arab tẩy chay Israel là gì?
“Cuộc tẩy chay của người Arab đã suy yếu trong nhiều năm và FTA Israel - UAE là 'chiếc then mở quan tài' của nó”, ông Rivlin nói.
Ông Barak cũng cho rằng thương mại với UAE có thể không đánh dấu sự kết thúc của việc người Arab tẩy chay Israel, nhưng sẽ khiến nó "không liên quan từ góc độ kinh doanh”.