Vì sao Ukraine hiếm khi tấn công căn cứ chứa phương tiện và vũ khí cũ của Nga?

Hầu hết xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và hệ thống pháo có từ thời Liên Xô của Nga đã được bố trí ngoài trời tại một số căn cứ trong nhiều thập kỷ. Nhưng chúng hầu như không bị tấn công.

Trong bối cảnh tổn thất gia tăng, những căn cứ trên đã trở thành nguồn cung cấp phương tiện và vũ khí chiến đấu chính cho quân đội Nga đang chiến đấu tại Ukraine. Theo giới phân tích, có nhiều lý do khiến những địa điểm này ít phải hứng chịu các cuộc tấn công của Ukraine.

Các xe tăng và xe bọc thép cũ tại một căn cứ của Nga. Ảnh: X

Các xe tăng và xe bọc thép cũ tại một căn cứ của Nga. Ảnh: X

Thứ nhất, khoảng cách giữa các căn cứ chứa phương tiện và vũ khí cũ của Nga và biên giới Ukraine khá xa. Hầu hết các căn cứ này đều nằm ngoài dãy Ural, trong đó có cả ở vùng Viễn Đông, chẳng hạn như kho chứa ở Dachnoye gần Yuzhno-Sakhalinsk, cách Ukraine hơn 5.900km.

Thứ hai, các đối tác phương Tây vẫn chưa cung cấp cho Ukraine những vũ khí có khả năng đạt được tầm bắn như vậy. Mỹ đã chuyển giao tên lửa ATACMS có thể nhắm mục tiêu cách xa tới 300km còn tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP-EG của Anh và Pháp có tầm bắn lên tới gần 500km. Ngay cả khi tên lửa Washington chuyển giao tên lửa Tomahawk có tầm bắn hơn 2.500km được chuyển đến Ukraine, một số căn cứ có thiết bị từ thời Liên Xô của Nga vẫn sẽ an toàn.

Về mặt lý thuyết, Ukraine có thể sử dụng một số vũ khí khác, chẳng hạn như máy bay không người lái tầm xa để tấn công. Tuy nhiên, UAV thường được dùng để nhắm các cơ sở nằm gần Ukraine hơn, hơn nữa, chúng không thể gây ra thiệt hại trên diện rộng.

Kiev có thể tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tầm xa nhưng những UAV này rất hiếm và có giá thành tương đối đắt đỏ. Ngoài ra, đối với những căn cứ ở xa, các nhóm trinh sát, phá hoại của Ukraine sẽ phải tiến hành các hoạt động mạo hiểm khi hoạt động ở Nga.

Một số nhà quan sát cho rằng, việc tấn công và phá hủy những phương tiện cũ của Nga có thể không mang lại nhiều lợi ích cho Ukraine, bởi chúng vẫn cần được sửa chữa và tân trang lại do bị xuống cấp đáng kể. Quá trình này rất phức tạp và tốn kém, phụ thuộc vào tuổi thọ cũng như tình trạng kỹ thuật của chúng. Hầu hết phương tiện có từ thời Liên Xô của Nga như xe tăng đều phải trải qua quá trình sửa chữa và sau đó mới được đưa ra mặt trận.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Essa News

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/vi-sao-ukraine-hiem-khi-tan-cong-can-cu-chua-phuong-tien-va-vu-khi-cu-cua-nga-post1154195.vov