Vì sao vẫn giữ giới hạn thời gian tối đa hưởng trợ cấp thất nghiệp?
Việc quy định thời gian hưởng tối đa, vì đây là chế độ ngắn hạn, đồng thời, thúc đẩy người lao động nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động.
Tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) mới nhất, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất quy định về thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp. Tuy nhiên, tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Góp ý về nội dung này, UBND tỉnh Hà Nam, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định đề nghị có sự phân biệt về mức, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Có thể điều chỉnh thành 2 mức hưởng như sau: Trường hợp đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng đến 24 tháng, và từ 25 tháng đến 36 tháng. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ có các mức hưởng khác nhau, tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Trong khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh Long An, Đồng Nai, Manpower Group Việt Nam đề nghị xem xét sửa đổi quy định về chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tham gia đủ 12 tháng thì được hưởng 1 tháng (không hưởng gộp trong 3 năm đầu).
Đồng thời, không giới hạn thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp tối đa, và thực hiện bảo lưu đối với thời gian còn lại trong trường hợp người lao động tìm kiếm được việc làm mới.
Cùng với đó, đề nghị xem xét bổ sung quyền lợi của người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp liên tục từ tháng 145 (trên 12 năm) trở đi. Có thể cứ tham gia thêm đủ 12 tháng thì được hỗ trợ thêm 0,1 tháng trợ cấp thất nghiệp, để đảm bảo quyền lợi tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc không quy định thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa sẽ tạo điều kiện cho người lao động có thời gian dài đóng bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ kinh phí duy trì việc làm chủ động, sản xuất kinh doanh…trong thời gian tương ứng với thời gian đóng, chứ không chỉ là 12 tháng tối đa.
Việc giới hạn thời gian hưởng tối đa là 12 tháng sẽ dẫn đến hệ quả người lao động sau khi làm việc đủ 12 năm sẽ nghỉ việc để được hưởng tối đa 12 tháng thất nghiệp. Thậm chí, nhiều người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần khi họ đã tham gia bảo hiểm xã hội từ sớm...
Phản hồi về kiến nghị của các đơn vị, tại bản tổng hợp, tiếp thu, giải trình dự án luật, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị giữ nguyên quy định.
Theo cơ quan soạn thảo, quy định đóng 12-36 tháng thì được hưởng 3 tháng, và quy định thời gian hưởng tối đa 12 tháng kế thừa quy định Luật Việc làm 2013, phù hợp với thông lệ quốc tế. Mức trợ cấp thất nghiệp tối thiểu này là mức thu nhập tối thiểu để giảm bớt khó khăn cho người lao động khi bị mất việc làm.
Còn việc quy định thời gian hưởng tối đa, vì đây là chế độ ngắn hạn, đồng thời, thúc đẩy người lao động nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động thông qua các hỗ trợ khác như: Tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề...