Vì sao Viện kiểm sát kháng nghị giám đốc thẩm vụ án?
Cho rằng cụ Sen và những người thừa kế của cụ Sen không có quyền đòi lại đất; việc công nhận nội dung di chúc của cụ Sen lập ngày 21/12/1999 đối với diện tích đất 11.260 m2 là không có căn cứ, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đương sự;... từ đó, VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh (Viện cấp cao 3) đã kháng nghị giám đốc thẩm vụ án.
Nhiều văn bản xác minh về nguồn gốc sử dụng đất
Nội dung vụ án thể hiện: Bà Lê Thị Pha (SN 1960, địa chỉ: số 290C/65 đường Dương Bá Trạc, phường 1, quận 8, TP Hồ Chí Minh) là nguyên đơn trong vụ án “Tranh chấp thừa kế; tranh chấp quyền sử dụng đất và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” với bị đơn bà Lê Thị Hà, bà Lê Thị Dơi và các đồng thừa kế của bà Lê Thị Múi.
Năm 1980, bà Lê Thị Pha kết hôn cùng ông Lê Văn Mười. Vợ chồng bà Pha là người trực tiếp sử dụng và canh tác trên phần đất có diện tích 11.260 m² thuộc các thửa 664, 665, 761, 1016 tờ bản đồ số 1, ấp 5, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh. Năm 1998 ông Mười chết, bà Pha tiếp tục canh tác trên phần đất này. Năm 2001, bà Pha đã chuyển nhượng diện tích đất 3.000m² cho bà Trần Thị Mai.
Ngày 21/12/1999, cụ Nguyễn Thị Sen (mẹ ông Lê Văn Mười) đã lập di chúc để lại toàn bộ diện tích đất 10.000m2 tại ấp 5, xã Phước Kiển cho 3 người con là bà Lê Thị Hà, bà Lê Thị Dơi và bà Lê Thị Múi (hay còn gọi là Muối, đã chết ngày 27/11/2011). Tuy nhiên, bà Pha cho rằng việc lập di chúc của cụ Sen không liên quan đến các thửa đất 664, 665, 761, 1016 nêu trên.
Hiện nay, 4 thửa đất này đang thuộc diện thu hồi theo Quyết định số 2710/QĐ-UB ngày 11/6/2004 của UBND TP Hồ Chí Minh giao cho Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn. Tuy nhiên, phía nguyên đơn không thể nhận được bồi thường, hỗ trợ từ chủ đầu tư dự án với lý do là còn có tranh chấp giữa các bên.
Bà Pha khởi kiện yêu, cầu Tòa án hủy một phần di chúc lập ngày 21/12/1999 của cụ Sen cho 3 người con gái; yêu cầu Tòa án công nhận quyền sử dụng đất cho bà đối với diện tích đất 8.260 m² thuộc các thửa 664, 665, 761, 1016 tờ bản đồ số 1, ấp 5, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh, từ đó xem xét và tuyên bà Pha là người được nhận khoản tiền bồi thường đối với diện tích đất này.
Về nguồn gốc hợp pháp của các thửa đất trên thể hiện: Theo Sổ bộ địa chính do bà Nguyễn Thị Nữ đứng bộ; theo tài liệu 299/TTg do Tập đoàn 3 và UBND xã Tân Quy đăng ký và theo tài liệu 02/CT-UB do ông Lê Văn Mười đăng ký kê khai nhưng do sai sót của cán bộ địa chính mà ghi nhầm thành “Nguyễn Văn Mười”. Ngoài ra, nguyên đơn là người trực tiếp đi đóng thuế và giữ bản gốc các biên lai đóng thuế các năm 1998, 1997, 1995, 1993...
Quá trình giải quyết vụ án, TAND huyện Nhà Bè có thu thập các văn bản xác minh nguồn gốc sử dụng đất, UBND xã Phước Kiển và UBND huyện Nhà Bè đã có nhiều văn bản xác minh về nguồn gốc sử dụng đất khác nhau.
Trong khi đó, tại một số văn bản khác trong hồ sơ vụ án như: Văn bản số 2182/CNNB ngày 27/11/2018 của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Nhà Bè; Văn bản số 18212/VPĐK-KTĐC ngày 14/12/2018 và Văn bản số 6722/VPĐK-KTĐC ngày 5/6/2019 của Văn phòng đăng ký đất đai TP Hồ Chí Minh đều không có bất cứ nội dung nào xác nhận đất tranh chấp có nguồn gốc của vợ chồng cụ Sen.
Vụ án đã được TAND huyện Nhà Bè xét xử sơ thẩm bằng Bản án số 415/2018/DS-ST ngày 30/11/2018; TAND TP Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm bằng Bản án số 1025/2019/DS-PT ngày 13/11/2019 và TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm vào tháng 9/2020.
Do không đồng ý với các phán quyết tại các phiên tòa, hiện nguyên đơn tiếp tục có đơn gửi các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương đề nghị giải quyết lại toàn bộ vụ án.
Viện kiểm sát chỉ ra những vi phạm của Tòa án hai cấp
Liên quan đến việc giải quyết vụ án trên, ngày 27/4/2020, Viện cấp cao 3 có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 103 đối với Bản án số 1025/2019/DS-PT của TAND TP Hồ Chí Minh. Quyết định kháng nghị đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử giám đốc thẩm, hủy Bản án số 1025/2019/DS-PT của TAND TP Hồ Chí Minh và Bản án số 415/2018/DS-ST của TAND huyện Nhà Bè, giao hồ sơ về cho TAND huyện Nhà Bè xét xử lại.
Trong Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm nêu trên của Viện cấp cao 3 đã chỉ ra nhiều vi phạm của Tòa án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Cụ thể, Tòa án cấp phúc thẩm chỉ căn cứ vào kết quả xác minh tại công văn số 2367/UBND-TNMT ngày 12/11/2015 của UBND huyện Nhà Bè, công văn số 362/UBND ngày 8/11/2017 của UBND xã Phước Kiển, biên lai sử dụng đóng thuế đất… để xác định thửa đất trên có nguồn gốc là của cụ Mẫn, cụ Sen mà không xác minh, làm rõ việc đưa đất vào Tập đoàn 3 và Tập đoàn 3 giao lại cho hộ gia đình nào (hộ vợ chồng bà Pha hay cụ Sen) mà lại chia thừa kế theo di sản của cụ Sen là chưa có cơ sở. Việc tính công sức đóng góp của bà Pha trong việc quản lý, tôn tạo di sản là chưa tương xứng công sức, không bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, mâu thuẫn với chính nhận định của bản án phúc thẩm. Việc xác định phần diện tích đất 11.260 m² là di sản do cụ Sen để lại là chưa chính xác vì đối với diện tích đất trên, cụ Sen chưa được UBND cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp. Việc công nhận nội dung di chúc của cụ Sen lập ngày 21/12/1999 đối với diện tích đất 11.260 m² là không có căn cứ, ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự.
Tiếp đó, ngày 27/7/2020, Viện trưởng Viện cấp cao 3 ban hành Quyết định số 04/QĐ-VKS-DS thay đổi, bổ sung Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 103/QĐKNGĐT-VKS-DS ngày 27/4/2020.
Theo đó, về nội dung, Viện cấp cao 3 cho rằng, Tòa án hai cấp đã tiến hành xác minh nhưng không xác định được sau khi không còn Tập đoàn thì đất được giao lại cho ai. Trong khi, sau khi Tập đoàn 3 giải thể thì chính hộ gia đình ông Mười, bà Pha là người canh tác, quản lý, đăng ký, kê khai sử dụng đất, phù hợp với công văn số 193/UBND ngày 14/6/2019 của UBND xã Phước Kiển. Điều này cũng phù hợp với công văn số 6722/VPĐK-KTĐC ngày 5/6/2019 của Văn phòng đăng ký đất đai TP Hồ Chí Minh.
Viện cấp cao 3 cũng nhận định: Về phía bị đơn cho rằng nguồn gốc đất là của cụ Sen nhưng không đưa ra được chứng cứ chứng minh... Do đó, theo quy định tại điểm a, mục 2.4 Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 thì cụ Sen và những người thừa kế của cụ Sen không có quyền đòi lại đất. Hơn nữa, tại thời điểm cụ Sen lập di chúc định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất thì cụ Sen không có các tài liệu chứng nhận quyền sử dụng đất là hợp pháp theo quy định. Do đó, Bản án phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị Pha về việc yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất là không đúng quy định pháp luật...
Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục phản ánh khi có thông tin mới.