Vì sao VTV bị 'đánh bản quyền' clip Táo Quân trên Facebook

Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tố cáo việc fanpage truyền thông đã vi phạm bản quyền còn khiếu nại ngược lại bên chính chủ.

 VTV vướng tranh chấp bản quyền Táo Quân trên nền tảng số. Ảnh: NXS.

VTV vướng tranh chấp bản quyền Táo Quân trên nền tảng số. Ảnh: NXS.

Tối 2/2, Đài Truyền hình Việt Nam công bố việc nội dung Táo Quân 2025 bị tài khoản fanpage lớn đăng lại, vi phạm bản quyền chương trình. Mặt khác, nhà đài còn cho biết phía có lỗi còn “đánh bản quyền” ngược lại VTV. Tuy nhiên, chuyên gia truyền thông, mạng xã hội đánh giá vấn đề có thể xuất phát từ công nghệ của nền tảng.

Cụ thể, Meta (công ty mẹ của Facebook, Instagram) có bộ công cụ xác minh, nhận diện và hỗ trợ tranh chấp nội dung bản quyền. Nền tảng gọi hệ thống này là Thư viện Tham chiếu. Chủ sở hữu trang phải đưa hình ảnh, video, âm thanh mà mình sở hữu hợp pháp vào hệ thống. Sau đó, công cụ sẽ quét bài đăng được tải lên Facebook, Instagram để xác định có phần trùng khớp với tập tin được cung cấp.

 Bài đăng về bản quyền Táo Quân 2025 của VTV.

Bài đăng về bản quyền Táo Quân 2025 của VTV.

Tại đây, chủ trang có thể chọn các phương án xử lý như Cho phép (tiếp tục để nội dung vi phạm tồn tại), Kiếm tiền (giữ bài đăng đăng nhưng lấy mọi doanh thu quảng cáo), Thêm liên kết sở hữu (Cung cấp đường dẫn và thông tin chủ sở hữu), Chặn (đưa bài về chế độ chỉ người đăng xem được), Gỡ bỏ (Gửi yêu cầu xóa cho đội ngũ Meta xét duyệt).

Hiện công ty Mỹ đang hỗ trợ 3 dạng nội dung gồm hình ảnh, âm thanh và video. Mặt khác, bên bị “đánh bản quyền” cũng có thể kháng cáo, tranh chấp hợp lệ nếu có đủ bằng chứng mình là chủ sở hữu.

Facebook còn có chế độ gỡ bỏ tự động. Mạng xã hội cho biết nếu có trường hợp video bị xóa ngay sau khi đăng lên do họ xác định có thể tồn tại vi phạm, mà không cần chủ bản quyền thực hiện thao tác thủ công.

Trao đổi với Tri Thức - Znews, ông Mai Thanh Phú, chuyên gia mảng quảng cáo số, mạng xã hội cho biết không phải tài khoản, fanpage nào cũng được cung cấp chức năng “đánh bản quyền” trên Facebook. Trang dạng này thường gắn với hồ sơ doanh nghiệp, cần đăng ký phức tạp và cung cấp nhiều giấy tờ chứng minh, chờ xét duyệt.

“Giá của các loại fanpage có sẵn chức năng nói trên thường đắt hơn hẳn. Người có nhu cầu thường là các bên bán hàng, chạy quảng cáo bằng video, cần được bảo vệ khi kẻ gian đánh cắp nội dung để kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh”, ông Phú nói.

Trong trường hợp vi phạm tác quyền chương trình Táo Quân 2025, ông Mai Thanh Phú cho rằng fanpage đăng lại ngoài vi phạm bản quyền, còn sai khi đưa video của VTV vào Thư viện Tham chiếu của Facebook. Tuy nhiên, việc khiếu nại ngược được thực hiện thủ công hay nền tảng tự động hiện chưa thể xác định.

Tranh cãi về bản quyền trên các nền tảng số không phải mới xuất hiện tại Việt Nam. Năm 2021, các trận đấu của tuyển Việt Nam chiếu trên YouTube bị mất tiếng khi hát Quốc ca do tranh chấp tác quyền với BH Media. Hệ thống ContentID (chức năng tương tự Thư viện Tham chiếu của Facebook), tự động đánh bản quyền bản ghi.

Tuy nhiên, chức năng của mạng xã hội hoạt động kém hiệu quả khi không phân biệt được khác biệt nội dung, quy mọi bản ghi Quốc ca về cho sản phẩm của BH Media.

Xuân Sang

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-vtv-bi-danh-ban-quyen-clip-tao-quan-tren-facebook-post1528944.html