Nghị quyết 57-NQ/TW: Cơ hội lịch sử để đại học Việt Nam khẳng định vị thế

Thực hiện thành công Nghị quyết 57-NQ/TW và đưa các trường đại học Việt Nam lọt vào top 100 thế giới là một thách thức lớn, nhưng cũng là một cơ hội lịch sử để khẳng định vị thế học thuật và phát triển nền tri thức quốc gia.

Ngày 18.11.2024, tại cuộc gặp các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục nhân dịp kỷ niệm 42 năm ngày nhà giáo Việt Nam 20.11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu chỉ đạo, trong đó có giao mục tiêu nhiệm vụ phấn đấu tăng hạng giáo dục Việt Nam trên bản đồ giáo dục khu vực và quốc tế. Cụ thể, đến năm 2030, Việt Nam nằm trong 3 nước đứng đầu ASEAN về số lượng các công bố quốc tế và chỉ số ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu khoa học; có trường đại học lọt top 100 trường hàng đầu trên thế giới.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục đại học là nhân tố quyết định đối với sự phát triển bền vững của một quốc gia. Chỉ đạo của Tổng Bí thư không chỉ là một mục tiêu về thứ hạng mà còn là sự khẳng định chất lượng giáo dục, năng lực nghiên cứu và sức ảnh hưởng của nền học thuật Việt Nam trên trường quốc tế.

Ngay sau đó vào tháng 12.2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW, đặt ra mục tiêu lấy chuyển đổi số, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là 3 mũi nhọn đột phá đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên tới. Trong đó, phát triển công nghệ cao, khoa học công nghệ là gốc, là giá trị cốt lõi.

Để thực hiện thành công mục tiêu này, nhà khoa học, các trường đại học, viện nghiên cứu có vai trò then chốt. Các trường đại học không vào cuộc, không đổi mới quyết liệt thì giáo dục đại học không thay đổi và cất cánh được. Giáo dục đại học không thay đổi và cất cánh thì khoa học công nghệ không phát triển, đất nước cũng không thể phát triển được như kỳ vọng của Nghị quyết 57.

Năm 2025 là năm bản lề, các trường đại học, viện nghiên cứu bắt tay vào giai đoạn 5 năm 2025-2030 cùng với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, các trường đại học Việt Nam cần quyết liệt định hướng lại chiến lược phát triển trong giai đoạn mới để thực hiện thành công chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và Bộ Chính trị.

Theo ý kiến của tôi, những những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt là: Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tạo ra các công trình có tầm ảnh hưởng toàn cầu; Phát triển đội ngũ giảng viên và nhà khoa học trình độ cao; Đẩy mạnh giáo dục STEM ở bậc đại học; cải cách chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế; Mở rộng hợp tác quốc tế, tham gia các mạng lưới đại học toàn cầu; Hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; Đẩy mạnh và hoàn thiện tự chủ đại học và quản trị đại học theo mô hình quốc tế.

 GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN

Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tạo ra các công trình có tầm ảnh hưởng toàn cầu

Một trong những tiêu chí quan trọng nhất để lọt vào bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới chính là chất lượng nghiên cứu khoa học. Các trường cần đầu tư mạnh mẽ vào các nhóm nghiên cứu xuất sắc (research groups of excellence) nhằm tạo ra các công trình có ảnh hưởng lớn, được công bố trên các tạp chí ISI, Scopus Q1 có hệ số ảnh hưởng cao. Đại học là nơi sáng tạo các tri thức mới. Đây là tiêu chí quan trọng hàng đầu của một cơ sở giáo dục đại học.

Các trường nên khai thác Nghị định 109 cuối năm 2022 của Chính phủ, thành lập các Quỹ phát triển khoa học công nghệ để có nguồn tài chính đầu tư cho khoa học. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tăng cường nghiên cứu liên ngành, đầu tư phát triển các hướng nghiên cứu mới, xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh để có những công trình mang tính đột phá.

Đồng thời, cần đặc biệt đẩy mạnh đầu tư và ứng dụng các mô hình nghiên cứu hiện đại như các phòng thí nghiệm ảo, nghiên cứu dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tăng tốc độ và hiệu quả nghiên cứu.

Bên cạnh đó, cần quy hoạch và có chiến lược đầu tư cho những nhóm nghiên cứu mạnh trong các trường đại học để tiến tới làm chủ các công nghệ lõi, công nghệ chiến lược liên quan đến Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và an ninh, quốc phòng của Việt Nam như vật liệu mới, bán dẫn và vi mạch, năng lượng, công nghệ hạt nhân, tự động hóa, công nghệ cao trong nông nghiệp, công nghệ sinh học, khoa học sức khỏe, xây dựng và hạ tầng thông minh, an toàn thông tin, trí tuệ nhân tạo,… Đồng thời, làm nền tảng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao cho các tập đoàn công nghệ lớn tầm đa quốc gia của Việt Nam ở những lĩnh vực này trong tương lai.

Phát triển đội ngũ giảng viên và nhà khoa học trình độ cao

Thế mạnh cạnh tranh và nguồn tài nguyên lớn nhất của các trường đại học chính là nguồn nhân lực trình độ cao. Để đạt top 100 thế giới, các trường đại học cần có chính sách đột phá xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh trong nước, thu hút nhân tài, mời gọi các giáo sư, nhà khoa học hàng đầu thế giới, trong đó có đội ngũ trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài, về giảng dạy và nghiên cứu.

Đồng thời, để tạo nguồn đội ngũ giảng viên và thúc đẩy nghiên cứu khoa học, cần đổi mới đào tạo tiến sĩ. Cần xem các nghiên cứu sinh là nguồn lực khoa học công nghệ của nhà trường, đầu tư học bổng, đề tài nghiên cứu cho nghiên cứu sinh. Gắn đào tạo nghiên cứu sinh với các nhóm nghiên cứu, thông qua các nhóm nghiên cứu. Đẩy mạnh các chương trình đào tạo tiến sĩ chất lượng cao, đặc biệt là hợp tác đào tạo tiến sĩ theo mô hình hỗn hợp (nghiên cứu sinh có thời gian đầu ở trong nước và sau đó có thời gian đi nghiên cứu ở nước ngoài) với các trường đại học danh tiếng quốc tế.

Xây dựng cơ chế lương và đãi ngộ hợp lý để giữ chân nhân tài, khuyến khích giảng viên và nhà khoa học trong nước cống hiến lâu dài, cũng như thu hút nhân tài về nước làm việc.

 Cần xây dựng cơ chế lương và đãi ngộ hợp lý để giữ chân nhân tài, khuyến khích giảng viên và nhà khoa học trong nước cống hiến lâu dài (Hình minh họa)

Cần xây dựng cơ chế lương và đãi ngộ hợp lý để giữ chân nhân tài, khuyến khích giảng viên và nhà khoa học trong nước cống hiến lâu dài (Hình minh họa)

Đẩy mạnh giáo dục STEM ở bậc đại học, cải cách chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế

Tôi phải dùng từ “cải cách” thay cho từ “đổi mới” vẫn dùng khi nói về chương trình đào tạo.

Hiện nay, ở Việt Nam, giáo dục STEM mới được hiểu chỉ ở bậc trung học phổ thông, ở các trường đại học kỹ thuật - công nghệ mà chưa chú trọng triển khai toàn diện trong các trường đại học. Trong khi đó những nước phát triển, STEM được chú trọng đặc biệt ở bậc đại học. Không làm tốt đào tạo STEM ở bậc đại học, chúng ta không thể tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao để đẩy mạnh phát triển công nghệ cao, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Các chương trình đào tạo không vững về khoa học cơ bản, chúng ta không thể đi sâu, đi xa để nắm các công nghệ lõi và phát triển công nghệ cao.

Do đó, trong thời gian tới, cần thực hiện “cải cách” các chương trình đào tạo ở bậc đại học. Chương trình giảng dạy cần được thiết kế theo hướng liên ngành, có nền tảng STEM, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của nền kinh tế số.

Đồng thời, áp dụng các mô hình đào tạo tiên tiến như blended learning (học tập kết hợp online và offline), personalized learning (học tập cá nhân hóa) nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người học.

Đặc biệt, cần tăng cường giảng dạy bằng tiếng Anh, tiến tới xây dựng các chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh để thu hút sinh viên và giảng viên quốc tế.

Mở rộng hợp tác quốc tế, tham gia các mạng lưới đại học toàn cầu

Các trường đại học Việt Nam cần chủ động hơn nữa gia nhập các liên minh giáo dục quốc tế, tham gia vào các mạng lưới như ASEAN University Network (AUN), Times Higher Education (THE) Impact Rankings, QS World University Rankings, từ đó tạo cơ hội hợp tác nghiên cứu, trao đổi sinh viên và giảng viên, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Phát triển các chương trình liên kết đào tạo có chọn lọc với các trường đại học hàng đầu thế giới (chứ không hợp tác tràn lan như những đại đoạn trước), giúp sinh viên Việt Nam có cơ hội học tập, thực tập và làm việc tại các môi trường học thuật tiên tiến.

Trên cơ sở đẩy mạnh các chương trình liên kết đào tạo và chương trình đào tạo chất lượng cao bằng tiếng Anh, đẩy mạnh việc thu hút sinh viên quốc tế, từng bước xây dựng thương hiệu học thuật của giáo dục đại học Việt Nam trên bản đồ giáo dục thế giới.

 Sinh viên quốc tế tại Trường Đại học Ngoại thương giao lưu trong dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền của Việt Nam

Sinh viên quốc tế tại Trường Đại học Ngoại thương giao lưu trong dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền của Việt Nam

Hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Để không bị tụt hậu và phát triển kinh tế số, các trường đại học phải là những nơi tiên phong đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng LLM trong kỷ nguyên mới, ứng dụng và sử dụng công nghệ số, AI và dữ liệu lớn (big data) để tối ưu hóa quản lý, giảng dạy và nghiên cứu trong trường đại học.

Đẩy mạnh phát triển các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và thị trường lao động. Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo giữa nhà trường, giảng viên, người học với các doanh nghiệp. Nhà trường phải tạo môi trường động lực để giảng viên, sinh viên bên cạnh khát vọng vươn tới đỉnh cao của khoa học công nghệ, phải có hoài bão và khát vọng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Để sản sinh ra các công nghệ cao, các trường đại học, đặc biệt là các trường kỹ thuật - công nghệ trọng điểm cần nhanh chóng đẩy mạnh xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh tầm quốc tế. Từ đó, xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc (Centers of Excellence), phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia để tạo điều kiện cho các nghiên cứu đỉnh cao, đi sâu vào các công nghệ cao, các công nghệ lõi, có giá trị cao

Kinh nghiệm của các nước công nghiệp phát triển cho thấy cần làm tốt mô hình 4 nhà: Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp và nhà khoa học. Không xây dựng được thể chế và mô hình hoạt động hiệu quả trên cơ sở lợi ích hài hòa của các bên liên quan thì rất khó để thực hiện được đổi mới sáng tạo và thúc đẩy nghiên cứu phục vụ thực tiễn của các trường đại học.

Đẩy mạnh và hoàn thiện tự chủ đại học và quản trị đại học theo mô hình quốc tế

Những năm qua, kể từ khi Luật giáo dục đại học sửa đổi, tự chủ đại học như luồng gió mới, làm thay da đổi thịt nhiều trường đại học và khởi sắc giáo dục đại học Việt Nam. Tăng cường tự chủ đại học đảm bảo các trường có đủ quyền tự quyết về tài chính, nhân sự và học thuật để thu hút mọi nguồn lực và đẩy nhanh quá trình phát triển, linh hoạt theo chuẩn quốc tế. Tự chủ đại học chính là “khoán 10” trong giáo dục đại học.

Tuy nhiên, trong mấy năm thực hiện, bên cạnh những thành tựu, cũng xuất hiện những hạn chế, bất cập từ thực tiễn mà chúng ta chưa lường hết được. Do đó, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh và hoàn thiện mô hình tự chủ đại học, để giáo dục đại học Việt Nam cất cánh.

Bên cạnh đó, cần áp dụng các mô hình quản trị đại học tiên tiến. Với các đại học công lập cần áp dụng mô hình quản trị đại học như doanh nghiệp phi lợi nhuận, lấy chất lượng cao, trình độ cao, tinh gọn, hiệu quả làm cốt lõi.

Đảm bảo để các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế như ABET, AACSB, AUN-QA,… Đổi mới hệ thống, tiêu chí, quy trình kiểm định chất lượng chặt chẽ, phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Nâng cao vai trò các hiệp hội chuyên môn trong đánh giá chất lượng các chương trình đào tạo bậc đại học.

Trong thời đại CMCN 3.0, chúng ta hay nói đến đại học nghiên cứu. Các nghiên cứu về khoa học giáo dục mới nhất cho thấy trong thời đại CMCN 4.0, mô hình của các trường đại học phải là đại học Thông minh và Đổi mới sáng tạo, với 3 trụ cột cốt lõi là nghiên cứu, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Các trường đại học Việt Nam và cả hệ thống giáo dục đại học Việt Nam cần chuyển mình mạnh mẽ theo xu thế này, xây dựng Chiến lược phát triển phù hợp với xu thế của thời đại.

Đồng thời, phải đề ra những mục tiêu và giải pháp hiệu quả để thực hiện thành công Nghị quyết 57 và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, phấn đấu đến 2030, chúng ta phải là một trong 3 nước top đầu ASEAN về công bố quốc tế và có những trường đại học lọt top 100 thế giới.

Mới đây, ngày 1.2.2025, Clarivate vừa công bố kết quả top 50 trường đại học dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo (Innovation), được phân tích, xác định và từ đó xếp hạng các trường đại học có tên trong các bài báo khoa học được trích dẫn cao nhất từ các bằng sáng chế được cấp cho các công ty và các tổ chức từ cơ sở dữ liệu Clarivate 2024. Trong danh sách này, các trường đại học của Hoa Kỳ đã chiếm 30/50.

Bên cạnh đó, thống kê 5 nước có đầu tư mạnh nhất thế giới cho khoa học công nghệ năm 2024 cho thấy đứng đầu là Hoa Kỳ, 3,54% GDP, 982 tỷ USD; sau đó là Trung Quốc, 2.72% GDP, 510 tỷ USD; Nhật Bản, 3,36% GDP, 144,6 tỷ USD; Hàn Quốc, 5,3% GDP, 90,6 tỷ USD; Pháp, 2,23% GDP, 62,5 tỷ USD.

Những số liệu này một lần nữa khẳng định các công nghệ cao, đổi mới sáng tạo được ra đời từ trí tuệ của các nhà khoa học, từ các trường đại học, viện nghiên cứu, khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của các trường đại học và cũng là bài học để chúng ta thay đổi nhận thức.

Theo đó, để nhanh chóng hiện thực hóa các kết quả nghiên cứu, cần có sự đầu tư nhanh nhất, tốt nhất, tới tầm, xứng tầm của Nhà nước, sự quyết liệt của các trường đại học, sự đồng hành của các doanh nghiệp và sự thôi thúc đổi mới vươn lên từ mỗi cá nhân nhà khoa học. Càng thấy Nghị quyết 57 của Trung ương ra đời vào thời điểm này rất đúng và rất trúng, quá quan trọng với sự phát triển của đất nước.

Các công nghệ cao, cùng với chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là chìa khóa - chiếc đũa thần cho sự tăng trưởng đột phá và vươn mình của Việt Nam lên tầm cao mới: quốc gia giàu mạnh, hùng cường, sánh vai các cường quốc năm châu trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước. Các trường đại học, viện nghiên cứu, nhà khoa học giữ vai trò then chốt và cần phải bắt tay vào cuộc ngay từ năm mới 2025.

Thực hiện thành công Nghị quyết 57 và đưa các trường đại học Việt Nam lọt vào top 100 thế giới là một thách thức lớn, nhưng cũng là một cơ hội lịch sử để khẳng định vị thế học thuật và phát triển nền tri thức quốc gia.

Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt của Đảng, cần sự quyết tâm cao độ, đổi mới tư duy, thay đổi nhận thức, sự thay đổi quyết liệt trong hành động từ Quốc hội khi xây dựng luật và các thể chế, của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành, cũng như ban hành các nghị định, chính sách và Chiến lược phát triển Khoa học công nghệ và Giáo dục quốc gia; sự thay đổi tư duy và nhận thức, hành động của Bộ Tài chính, Bộ GD-ĐT, Bộ KHCN và các bộ ngành liên quan; sự chuyển mình mạnh mẽ của các trường đại học, của đội ngũ giảng viên và nhà khoa học, cùng sự chung tay của doanh nghiệp và toàn xã hội.

Chúng ta đã có những lĩnh vực lọt vào top 500 thế giới. Nếu chúng ta đồng lòng thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chiến lược trên, tôi tin rằng trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có những trường đại học vươn tầm top 50-100 thế giới, đóng góp quan trọng vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và sự phát triển bền vững của đất nước.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nghi-quyet-57-nqtw-co-hoi-lich-su-de-dai-hoc-viet-nam-khang-dinh-vi-the-post403489.html