Vì sao 'Vua nhạc bolero' viết nhiều hit vẫn nghèo?
Cố nhạc sĩ Châu Kỳ - tác giả loạt hit bolero như 'Con đường xưa em đi', 'Giọt lệ đài trang'... - không giàu nổi vì nghệ sĩ tính cao và ngây ngô với tiền bạc.
Nhạc sĩ Châu Kỳ và vợ - bà Kha Thị Đàng có 4 người con lần lượt sinh năm 1956, 1964, 1970 và 1976. Tiếp chuyện phóng VietNamNet là con cả - bà Châu Huyền Khanh và người con thứ 3 - anh Châu Huy Toàn.
Tác giả của vô số bài bolero nổi tiếng vẫn nghèo
Trong ngôi nhà ở Tam Bình, TP Thủ Đức (TP.HCM), anh Toàn mở thùng carton, lần giở từng bản nhạc chép tay, ghi chép, nhạc bướm và nhạc tập cha để lại.
Châu Kỳ mất, vợ ông gom toàn bộ giấy tờ trong phòng ông để lưu giữ hơn 10 năm. Trước khi qua đời, bà Đàng giao người con thứ 2 lo hương hỏa, giao anh Toàn - người con duy nhất làm việc trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật - quản lý mọi thứ liên quan đến âm nhạc của cha.
Anh Toàn cho hay dù cố lưu giữ, phần lớn nội dung chép tay của cha đều đã hư hại hoặc thất lạc do thời chiến.
Nhạc sĩ Châu Kỳ được mệnh danh là 'Vua nhạc bolero'' với những bài hát làm lay động lòng người, buồn thương cho những mối tình đẫm nước mắt như: Con đường xưa em đi, Đón xuân này nhớ xuân xưa, Được tin em lấy chồng, Đừng nói xa nhau, Giọt lệ đài trang, Sao chưa thấy hồi âm, Túy ca... Trong số 400 tác phẩm ông viết có khoảng 200 bài được sáng tác sau năm 1975 ít người biết vì ông hầu như không phát hành đại chúng.
Là tác giả của loạt bài bolero nổi tiếng, theo các con, suốt đời nhạc sĩ Châu Kỳ "chưa từng giàu, chỉ từ nghèo đến đủ sống".
Thời chưa có băng đĩa, Châu Kỳ hầu như bán đứt bài cho các nhà xuất bản. Ông cũng như vài nhạc sĩ đương thời thường chỉ quan tâm tiền bản quyền và lợi nhuận bán nhạc bướm chứ không có ý thức xây dựng tên tuổi cá nhân.
Đơn cử, đến nay phần lớn khán giả vẫn nhầm người sáng tác bài Thương về miền Trung là danh ca Duy Khánh hoặc nhạc sĩ Minh Kỳ. Sự thật, sau khi viết nhạc phẩm năm 1940, Châu Kỳ phát hiện giọng ca của Duy Khánh nên đưa vào Sài Gòn tìm cách lăng xê.
Để học trò nhanh nổi tiếng, Châu Kỳ đã đề tên Duy Khánh thể hiện và sáng tác bài này dẫn đến nhầm lẫn tai hại. Sau năm 1975, bài Thương về miền Trung một lần nữa bị ghi nhầm tên tác giả là nhạc sĩ Minh Kỳ (tác giả bài Thương về xứ Huế) trên hầu hết băng đĩa hoặc chương trình ca nhạc trong và ngoài nước.
Sau này Châu Kỳ biết vẫn không buồn đính chính vì tuổi già sức yếu, một mặt thấy bài hát của mình nổi tiếng thì mừng chứ không nghĩ nhiều.
Thời Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam chưa thành lập, nhạc sĩ được trả tiền rất thấp. Các hãng đĩa mặc sức thu âm, nhạc sĩ nào đến đòi mới trả tiền.
Khoảng cuối thập niên 1990, Maseco cho ra đời thương hiệu karaoke Arirang, từ đó Châu Kỳ và các đồng nghiệp bắt đầu có một khoản tiền bản quyền cố định hằng năm.
Mặt khác, Châu Kỳ không giữ được tài sản vì tính nghệ sĩ và ngây ngô với tiền bạc. Ngày xưa, ông nổi tiếng trong giới vì thói nhậu bạt mạng, "uống bia nhiều hơn nước".
Mỗi lần lĩnh tiền bản quyền, ông đều đến căn-tin Hội Quán văn nghệ sĩ (81 Trần Quốc Thảo) hoặc Thanh Thế (1 trong 2 quán lộ thiên lớn nhất Sài Gòn) tụ tập cùng bạn bè, đồng nghiệp.
Thậm chí, Châu Kỳ hay chơi sang, tuyên bố bao toàn bộ khách vào quán từ 11-12h đến 23-0h. Thời đó, giới văn nghệ Sài Gòn kháo nhau: "Nếu không biết Châu Kỳ ở đâu, hãy ra 81".
Thỉnh thoảng, ông cũng ghé nhậu tại nhà hàng Phương Hồng của ca sĩ Phương Hồng Quế. Lần nào bà cũng không tính tiền, thậm chí gửi thêm cho ông tiêu xài.
Quãng 50 - 60 tuổi, Châu Kỳ trải qua giai đoạn nhụt chí kéo dài, đâm ra nhậu nhiều hơn. "Đó là lý do mỗi lần lĩnh tiền bản quyền đầy 1 cốp xe Vespa vẫn tiêu sạch. Ông như thế, lấy gì giàu?", anh Toàn nói.
Sống thọ 85 tuổi, ra đi nhẹ nhàng
Thực tế nhạc sĩ Châu Kỳ ngây ngô với tiền bạc, chủ quán báo bao nhiêu thì trả bấy nhiêu chứ không ý thức đầy đủ giá trị của chúng. Đến nỗi, thời thịt luộc rẻ nhất 10 nghìn đồng/đĩa, ông hồn nhiên đưa tờ 2.000 đồng kêu con dâu mua cho mình.
Bà Đàng và các con hiểu tính ông nên không trách. Ngoài ra, Châu Kỳ có thể nhậu từ sáng đến khuya nhưng chưa từng qua đêm, bỏ mặc vợ con.
Trong ký ức các con, nhạc sĩ Châu Kỳ là người cha hiền lành, không to tiếng hay la mắng ai. Ông sống đơn giản, phóng khoáng với chính mình lẫn vợ con - một phần lý do bà Đàng không can thiệp thói nhậu 'quên lối về' của chồng.
Anh Châu Huy Toàn cho hay trừ đồng nghiệp ở Nhà hát Lớn TP.HCM, hầu như không ai biết mình là con trai nhạc sĩ Châu Kỳ. Đôi lúc, vì danh tiếng cha quá lớn, anh ngại mỗi lần giới thiệu là con ông vì chỉ là 1 nhân viên bình thường, không phải nghệ sĩ.
Trong khi đó, bà Châu Huyền Khanh "ganh tị và ngưỡng mộ" cha. "Ngoài sáng tác, ông còn từng làm ca sĩ, bầu show, làm diễn viên kịch từng đóng với Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng... Có bao nhiêu duyên Tổ nghiệp, cha tôi hưởng hết nên 4 con chẳng còn miếng nào", bà nói vui.
"Ông sống hết mình, chơi hết sức, nhậu vô địch thiên hạ", 2 con đúc kết.
Châu Kỳ mất năm 2008, hưởng thọ 85 tuổi. Lạ là ông rất khỏe, không mắc bệnh tật gì đáng kể, đến 80 tuổi vẫn đạp xe gần 10km đi nhậu. Sau khi cai rượu bia vài tháng, nhạc sĩ mất do tuổi già, các cơ quan nội tạng không hoạt động nữa.
Ông ra đi nhẹ nhàng, không để lại tài sản hay di ngôn nào cho vợ con. Ngày trước, vợ chồng Châu Kỳ vì thương con mà bán căn nhà chung ở huyện Nhà Bè để cả bốn có thể mua nhà riêng. Năm tháng cuối đời, họ sống cùng người con thứ 2 ở Quận 9.
Những gì còn lại của ông là gia tài âm nhạc, vài ghi chép, kỷ vật và một xấp tờ 50 nghìn đồng được lưu hành hồi thập niên 1980 (lúc này 1 tô phở có giá 3 nghìn đồng - PV) kẹp trong sách. Lúc đó, bà Đàng mới biết hóa ra chồng cũng có 'quỹ đen'.
Với các con, nếu có, Châu Kỳ đã gói ghém lời dặn dò trong bài hát Để lại cho con lưu hành nội bộ với câu kết "Hãy giữ gìn tình nghĩa anh em". Đến nay, 4 người con vẫn hòa thuận, thân thiết.
Giỗ nhạc sĩ Châu Kỳ hằng năm, gia đình 4 anh em tề tựu đông đủ, ngoài ra có người quen, vài đến hàng chục nghệ sĩ. Chế Linh, Phương Dung, Giao Linh... thỉnh thoảng về Việt Nam ghé thắp hương.
Đám giỗ rất vui, mọi người quây quần hỏi han, mở nhạc hát ca và cùng nhớ về ông chứ không lấy gì làm buồn. Vì đó là tính cách Châu Kỳ sinh thời.