Vì sao xung đột bùng phát ở biên giới Kyrgyzstan và Tajikistan?

Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov ngày 1-5 đã ký sắc lệnh tuyên bố quốc tang trong 2 ngày 1 và 2-5 cho những người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ ở biên giới với Tajikistan. Một lần nữa, tranh chấp về nguồn nước đã thổi bùng lên xung đột tại khu vực này.

Xung đột tại biên giới giữa Kyrgystan và Tajikistan đã biến thành bạo lực đổ máu trong ngày 29-4

Xung đột tại biên giới giữa Kyrgystan và Tajikistan đã biến thành bạo lực đổ máu trong ngày 29-4

Sắc lệnh này chỉ ra rằng, các cuộc đụng độ từ ngày 29 đến 30-4 “dẫn đến nhiều người chết và bị thương đối với dân thường và quân nhân” và “gây ra thiệt hại đáng kể về tài sản cho dân thường và doanh nghiệp”. Trong thời gian diễn ra quốc tang, quốc kỳ sẽ treo cờ rủ trên cả nước và tại các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài.

Theo Bộ Y tế Kyrgyzstan, các cuộc đụng độ đã khiến 31 công dân Kyrgyzstan thiệt mạng và hơn 120 người bị thương. Phần lớn nạn nhân là dân thường. Hàng chục tòa nhà bị thiêu rụi hoặc phá hủy, bao gồm một trường học, một đồn biên phòng và một trạm cứu hỏa. Khoảng 10.000 người đã được sơ tán khỏi khu vực xảy ra chiến sự.

Tình hình tại biên giới Kyrgyzstan và Tajikistan leo thang vào ngày 28-4 gần trạm phân phối nước Golovnoy mà cả hai bên đều coi là lãnh thổ của mình. Vào ngày 29-4, xung đột giữa các cư dân địa phương leo thang thành giao tranh vũ trang, dẫn đến thương vong cho cả đôi bên. Kyrgyzstan cáo buộc Tajikistan sử dụng súng cối và súng máy. Cuối ngày 29-4, các bên đã đồng ý ngừng bắn và rút lực lượng về các địa điểm triển khai thường trực.

Biên giới giữa hai nước cộng hòa dài khoảng 980 km. Sau khi Liên Xô sụp đổ, hàng chục khu vực tranh chấp biên giới nổi lên. Hiện nay, hai nước đã hoàn thành việc phân định mốc giới dài khoảng 580 km. Cuộc họp cuối cùng của Ủy ban phân giới diễn ra vào tháng 3-2021, cuộc họp tiếp theo được cho là diễn ra vào ngày 1-5.

Chuyên gia về Trung Á Alexander Knyazev phát biểu với tờ Nezavisimaya Gazeta rằng, khu vực biên giới ở Kyrgyzstan và Tajikistan đều suy thoái về kinh tế và xã hội. Thung lũng Fergana thiếu tài nguyên nông nghiệp. Đây là lý do tại sao đất và nước trở thành chính nguyên nhân của mọi xung đột.

“Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, tình cảm dân tộc hiếu chiến ngày càng gia tăng trong người dân địa phương ở cả Kyrgyzstan và Tajikistan. Thế hệ trẻ được nuôi dưỡng trong bầu không khí gây hấn với các nước láng giềng. Đó là lý do tại sao ngay cả khi các bên cố gắng sử dụng các phương pháp văn minh để giải quyết, vấn đề tranh chấp này sẽ mất thời gian dài mới có thể êm xuôi”, ông Alexander Knyazev nói.

Theo TASS

Hải Yến

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vi-sao-xung-dot-bung-phat-o-bien-gioi-kyrgyzstan-va-tajikistan-post465088.antd