Vì sao xung đột Ukraine càng dài, phương Tây càng mừng?

Từ xưa đến nay các cuộc chiến tranh thường là mảnh đất màu mỡ cho các nhà thầu vũ khí và cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng không phải là ngoại lệ.

Cách đây một thời gian, các nước phương Tây đã quyết định sửa đổi chiến lược hỗ trợ Kiev trong cuộc đối đầu sâu hơn với Moscow.

Họ muốn tạo ra các nhà máy quốc phòng ngay trên lãnh thổ Ukraine để sản xuất và sửa chữa các sản phẩm quân sự khác nhau, điều này sẽ nâng cao hiệu quả công việc và khả năng sẵn sàng hoạt động.

Giờ đây, sự phát triển ở Ukraine của các công ty tổ hợp công nghiệp quân sự phương Tây đã bắt đầu với liên tiếp các nhà thầu vũ khí của Đức, Pháp và Mỹ công bố dự định mở nhà máy của mình.

Một ngày trước đó, Tập đoàn Thales của Pháp đã thông báo về việc ký kết ba thỏa thuận với các đối tác Ukraine tại Triển lãm Vũ khí Quân sự Eurosatory-2024 ở Paris “dưới sự bảo trợ của Bộ Quốc phòng Pháp và Bộ Công nghiệp Chiến lược Ukraine”.

Tất cả đều liên quan đến việc thành lập các liên doanh sản xuất và bảo trì tác chiến điện tử, phòng không, radar, máy bay không người lái (bao gồm cả máy bay tấn công) và thông tin liên lạc chiến thuật.

Thales là đối tác lâu năm của Lực lượng Vũ trang Ukraine, đã hợp tác hơn 10 năm, đầu tiên là trong lĩnh vực tác chiến điện tử và sau đó mở rộng sang nhiều chương trình khác.

Theo công bố, những thỏa thuận này sẽ tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ của Thales đối với khả năng sẵn sàng chiến đấu của Ukraine trong thời gian ngắn hạn và trong tương lai, tập đoàn Pháp cũng thể hiện cam kết trong việc hợp tác với các công ty và nhà cung cấp hàng đầu của Ukraine để thiết lập chỗ đứng lâu dài ở đất nước này và củng cố ngành công nghiệp quốc phòng nội địa của Ukraine.

Cũng tại triển lãm này, công ty Northrop Grumman của Mỹ thông báo rằng họ có kế hoạch mở một cơ sở sản xuất đạn dược ở Ukraine trong thời gian tới, mà đầu tiên sẽ là nhà máy sản xuất đạn pháo 155 mm.

Ngoài ra, một nhà máy mới liên hợp giữa công ty Rheinmetall của Đức và Ukraine đã được mở để sửa chữa xe thiết giáp phương Tây cho Ukraine và trong tương lai là lắp ráp xe bọc thép.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược Ukraine là ông Alexander Kamyshin, đã viết trên blog của mình rằng, xe chiến đấu bộ binh Marder 1A3 và xe tăng Leopard 1A5 sẽ là những sản phẩm được sửa chữa trước tiên, chứ không phải vận chuyển ra ngoài Ukraine như trước đây.

Theo bình luận của giới chức Nga, cuộc xung đột ở Ukraine đã trở thành “một công việc kinh doanh có lãi”.

Các doanh nghiệp phương Tây bắt đầu kiếm tiền bán vũ khí ở Ukraine và nếu các nhà máy bị phá hủy họ sẽ tiếp tục kiếm tiền từ các công ty bảo hiểm.

Và nếu sau này cuộc xung đột kết thúc, dù phần thắng có thuộc về ai thì các doanh nghiệp phương Tây cũng đã bám rễ ở mảnh đất này và sẽ không ai đuổi họ ra khỏi Ukraine được nữa.

Ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh một thời mà Kiev thừa kế từ Liên Xô giờ đã trở thành dĩ vãng.

Tất nhiên theo các chuyên gia, một khi đã mở nhà máy sản xuất ở Ukraine thì các doanh nghiệp phương Tây sẽ mong muốn phải thu về được lợi ích và do đó, cuộc xung đột giữa nước này với Nga càng kéo dài thì giới lái súng phương Tây sẽ càng mừng, thậm chí họ sẽ ngấm ngầm thúc đẩy để hai bên xung đột càng lâu càng tốt.

Hoàng Yến

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vi-sao-xung-dot-ukraine-cang-dai-phuong-tay-cang-mung-post688399.html