Vì sự an toàn của đối tượng yếu thế
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó mục tiêu bảo vệ sức khỏe cho người già, trẻ em là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, do nguồn lực còn nhiều hạn chế, để bảo đảm an toàn cho các đối tượng yếu thế giữa mùa dịch bệnh, các trung tâm bảo trợ xã hội rất cần sự chung tay hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng...
Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội III Hà Nội.
Từ bảo đảm an toàn cho đối tượng...
Những ngày này, đội ngũ cán bộ, nhân viên Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) trải qua nhiều đêm không ngủ. Họ thay nhau trực, dọn vệ sinh nơi sinh hoạt, vui chơi của hơn 70 trẻ có “H” (HIV) thật sạch sẽ trước khi các cháu thức dậy. Bà Hồ Thị Thu Chín, cán bộ y tế Phòng Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội cho biết, sức đề kháng của trẻ có “H” không tốt, nên các cháu cần được sống trong môi trường an toàn tuyệt đối. Hằng ngày, các cháu thức dậy trước 6h sáng để uống thuốc theo phác đồ điều trị, sau đó mới tham gia các hoạt động học tập, vui chơi. Vì vậy, việc phun khử khuẩn, dọn vệ sinh ở Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội được thực hiện vào ban đêm.
Để trẻ em có kiến thức, kỹ năng bảo vệ bản thân, các cán bộ, nhân viên Làng trẻ em Birla (phố Doãn Kế Thiện, quận Cầu Giấy) đã tổ chức chương trình tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 cho 66 em nhỏ đang sống tại Làng dựa trên các tác phẩm âm nhạc, thơ văn... Ngoài ra, các em nhỏ được hỗ trợ học tập kiến thức phổ thông bằng nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo như học trực tuyến, học theo nhóm, theo chủ đề... Cháu Chu Thị Hương Lan, thành viên gia đình C1, Làng trẻ em Birla cho hay: “Việc học tập theo nhóm nhỏ, rõ chủ đề, giúp chúng cháu dễ dàng tiếp thu kiến thức, cũng như các kỹ năng phòng, chống dịch Covid-19”.
Người già đang sống tại các trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn Hà Nội trong những ngày này cũng nhận được sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt hơn từ những cán bộ, nhân viên công tác xã hội. Bà Đinh Thị Yến, sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội III Hà Nội (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Những ngày gần đây, tôi bị ốm nặng, phải nằm một chỗ. Không ngại khó, đội ngũ cán bộ, nhân viên ở đây đã thay nhau chăm sóc tôi từng việc nhỏ, giúp tôi tập luyện để hồi phục sức khỏe”.
Bà Dương Thị Tuyết Nhung, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, toàn thành phố Hà Nội có hơn 2.000 đối tượng yếu thế (người già, người khuyết tật, trẻ em...) đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Từ cuối tháng 1-2020 đến nay, hằng tuần, Sở đều có văn bản yêu cầu các trung tâm bảo trợ xã hội phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người già, trẻ em và các đối tượng yếu thế khác đang sống tại các trung tâm. Ngoài việc thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19. Mỗi cán bộ, nhân viên các trung tâm bảo trợ xã hội đã phát huy tinh thần của người làm công tác xã hội: Chống dịch như chống giặc, chăm sóc, bảo đảm an toàn cho đối tượng như người thân.
Nhờ được sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt, trẻ em có những ngày nghỉ chống dịch an toàn mà ý nghĩa; người già có đủ sức khỏe để sống an vui; người khuyết tật được bảo đảm an toàn...
... đến những điều trăn trở
Bà Phùng Thị Phương Liên, Trưởng phòng Giáo dục và Chăm sóc trẻ em, Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì) cho rằng, nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, trẻ em cần được trang bị thêm vật tư y tế để phòng dịch và rất cần có thêm thiết bị để học trực tuyến. Chế độ dinh dưỡng cho các cháu cũng cần được bổ sung. Điều này vượt quá khả năng cung ứng của Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Kim Cam, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn (xã Đông Yên, huyện Quốc Oai) mong muốn các cơ quan chức năng, các tập thể, cá nhân có lòng hảo tâm hỗ trợ nguồn kinh phí để trung tâm có đủ nguồn lực, tập trung chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho các đối tượng yếu thế trong thời gian có dịch Covid-19.
Đối với người già, việc chăm sóc sức khỏe cho họ trong giai đoạn này phải tiến hành thường xuyên, liên tục. Chế độ dinh dưỡng, thuốc men cũng khác biệt so với ngày thường. Để có đủ nguồn lực chăm sóc người già, theo bà Trần Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội III Hà Nội, ngoài sự quan tâm của Nhà nước, Trung tâm rất mong các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm tiếp tục phát huy tinh thần nhân ái, sẻ chia, hỗ trợ thêm lương thực, thuốc men… trong thời điểm chống dịch Covid-19.
Về vấn đề này, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho rằng, việc duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài là khó khăn chung của toàn xã hội. Bởi vậy, trước mắt, các trung tâm bảo trợ xã hội cần chủ động tăng gia sản xuất để có thêm nguồn thực phẩm an toàn, bảo đảm dinh dưỡng cho các đối tượng; đồng thời, tranh thủ các mối quan hệ xã hội để huy động thêm các nguồn lực trợ giúp. Với trách nhiệm quản lý nhà nước, Sở sẽ cân đối nguồn kinh phí chi cho các đơn vị trong năm 2020 sao cho hợp lý, hiệu quả. “Trong mọi hoàn cảnh, các trung tâm bảo trợ xã hội phải chú trọng bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người già, trẻ em và các đối tượng yếu thế khác”, ông Hoàng Thành Thái nhấn mạnh.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/962164/vi-su-an-toan-cua-doi-tuong-yeu-the