Vị thế của nước Nga: Từ giả định đến thực tế
Trong bài đăng trên Foreign Affairs, học giả Michael Kofman cùng Andrea Kendall-Taylor đã đánh giá những giả định và thực tế về vị thế của nước Nga.
Năng lực kinh tế suy giảm?
Nhiều người cho rằng nền kinh tế Nga trì trệ, hầu như không có nguồn giá trị nào khác ngoài việc khai thác và xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên.
Bên cạnh đó, hoạt động kém hiệu quả của một bộ phận doanh nghiệp nhà nước chi phối nền kinh tế, cùng tác động của trừng phạt của phương Tây được nhận định là nhân tố khiến Nga tụt so với Mỹ và Trung Quốc trong hầu hết chỉ số về phát triển khoa học và công nghệ.
Song đó không phải là toàn cảnh của bức tranh. Đại dịch Covid-19 vừa qua cho thấy nền kinh tế Nga không chỉ có quy mô lớn, mà còn sở hữu khả năng hồi phục đáng kinh ngạc.
Dù GDP chỉ đạt 1.500 tỷ USD, song sức mua tương đương của xứ bạch dương đã tăng lên 4.100 tỷ USD, đưa Nga trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu và lớn thứ 6 thế giới.
Sau khi sáp nhập Crimea và cuộc khủng hoảng Ukraine (2014) dẫn đến các lệnh trừng phạt quốc tế cùng giá dầu giảm, Moscow đã phải tiết chế chi tiêu và chủ động thích ứng, tạo ra thặng dư ngân sách cũng như tăng dự trù chi phí trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Tính đến tháng 8/2022, Quỹ Tài sản Quốc gia Nga có nguồn vốn vào khoảng 185 tỷ USD và dự trữ ngoại tệ ở mức 615 tỷ USD.
Nga cũng tăng cường giao thương với Trung Quốc. Tổng kim ngạch thương mại giữa Moscow và Bắc Kinh dự kiến sẽ vượt 200 tỷ USD vào năm 2024, gấp đôi so với năm 2013.
Bên cạnh đó, Nga có lợi thế cạnh tranh xuất khẩu lớn khi có thể xuất khẩu năng lượng liên tục với giá rẻ cho nhiều khách hàng lớn, bao gồm Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc.
Ngoài ra, Nga vẫn đứng trong nhóm 10 quốc gia trên thế giới về chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển. Moscow còn có lợi thế đi sau khi có thể áp dụng công nghệ được Bắc Kinh và Washington dành nhiều chi phí, thời gian, thậm chí gặp rủi ro để tìm hiểu, nghiên cứu.
Tính đến tháng 8/2022, Quỹ Tài sản Quốc gia Nga có nguồn vốn khoảng 185 tỷ USD và dự trữ ngoại tệ ở mức 615 tỷ USD.
Sụp đổ nhân khẩu học
Giới quan sát từng nhận định triển vọng nhân khẩu học của Nga sẽ hạn chế đáng kể năng lực tương lai của nước này. Theo dự báo từ Liên hợp quốc, dân số Nga sẽ giảm 7% (thậm chí có thể là 11%) năm 2050.
Tuy nhiên, ngay cả như vậy, Nga sẽ vẫn là quốc gia đông dân nhất ở khu vực châu Âu và lục địa Á-Âu. Xứ bạch dương có thể tụt hậu so với phương Tây về tuổi thọ và tỷ lệ tử vong, nhưng về cơ bản Moscow đã thu hẹp đáng kể khoảng cách đó kể từ những năm 1990.
Quan trọng hơn, mối tương quan giữa nhân khẩu học và quyền lực nhà nước cần được xem xét lại, khi tiêu chí của một cường quốc hiện đại giờ đến từ chất lượng dân số như tuổi thọ, học vấn, năng suất lao động, thay vì quy mô dân số như trước đó.
Về mặt này, Nga đã cho thấy thay đổi lớn từ những năm 1990, với tỷ lệ tử vong giảm, tuổi thọ tăng và tỷ lệ sinh cải thiện. Cho đến năm 2015, Moscow tăng đều đặn trên các thông số như Chỉ số Phát triển con người của Liên hợp quốc hay thang đo năng suất lao động của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Có thể nhận định, Kremlin chắc chắn không trên bờ vực của sự sụp đổ nhân khẩu học.
Tiềm lực quân sự vượt trội
Tiềm lực quân sự luôn là một thế mạnh của Nga. Sau thời kỳ đầu hậu Xô viết, sức mạnh quân sự của Nga đã được hồi sinh và sẽ tiếp tục cải thiện trong thập niên tới, ngay cả khi chính quyền Mỹ chuyển sự chú ý sang Trung Quốc.
Công nghệ vũ khí hạt nhân của Moscow tương đồng so với Washington. Bên cạnh NATO, Nga sở hữu quân đội truyền thống mạnh nhất ở châu Âu. Quân đội nước này được nhận định đang ở mức độ sẵn sàng, cơ động và khả năng kỹ thuật cao nhất trong nhiều thập niên.
Ước tính Nga chi 150-180 tỷ USD/năm cho quốc phòng, trong đó một nửa được chi cho việc mua sắm vũ khí mới, hiện đại hóa những vũ khí cũ và nghiên cứu công nghệ quân sự.
Từ đó, Moscow đã phát triển nhiều loại vũ khí thế hệ tiếp theo như tên lửa siêu thanh, vũ khí năng lượng định hướng, hệ thống tác chiến điện tử, tàu ngầm tiên tiến và hệ thống phòng không tích hợp…
Dù năng lực quân sự vẫn tồn tại nhiều vấn đề, Nga đã xoay xở khéo léo để tiếp tục thống trị không gian hậu Xô viết và thách thức lợi ích Mỹ ở các khu vực khác, như Trung Đông.
Duy trì chính sách đối ngoại
Với cuộc trưng cầu ý dân năm ngoái với kết quả người dân ủng hộ sửa đổi Hiến pháp, Tổng thống Vladimir Putin có thể tại vị hợp pháp đến năm 2036.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định dù nhà lãnh đạo này có sớm rời nhiệm sở, di sản đối ngoại của ông sẽ được duy trì khi nó tiếp tục được chính giới tại Moscow ủng hộ.
Nhiều trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của nước Nga hiện nay, chẳng hạn như quan điểm cho rằng Điện Kremlin cần duy trì quyền lực và sức ảnh hưởng trong không gian hậu Xô viết, vẫn sẽ tương thích và song hành với những giá trị căn bản mà Moscow theo đuổi.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vi-the-cua-nuoc-nga-tu-gia-dinh-den-thuc-te-162823.html