Vị thế đang lên của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Việt Nam được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, đang có nhiều lợi thế để đón dòng vốn dịch chuyển của các tập đoàn đa quốc gia. Vì vậy, yêu cầu nâng cao khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho các doanh nghiệp được đặt ra một cách cấp thiết, nhằm tận dụng tối đa các cơ hội đưa Việt Nam trở thành một trong những 'công xưởng' sản xuất của thế giới.

Thời gian qua, lần lượt các tập đoàn hàng không vũ trụ hàng đầu thế giới ngỏ ý muốn xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Tháng 3 vừa qua, Airbus tiếp tục tái khẳng định tăng cường cam kết mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Đây là một phần trong nỗ lực không ngừng của hãng nhằm tối ưu hóa hoạt động và phục vụ khách hàng tốt hơn.

63,3% doanh nghiệp FDI mua 'đầu vào' từ doanh nghiệp Việt

Các quan hệ đối tác hiện có của Airbus trong lĩnh vực sản xuất linh kiện máy bay bao gồm Artus (Meggitt) Việt Nam tại TP.HCM Hồ Chí Minh cung cấp thiết bị cơ điện cho dòng máy bay A320, máy bay thân rộng A330 và A350. Ngoài ra, còn có Nikkiso Việt Nam tại Hà Nội sản xuất các cấu trúc bằng composite cho máy bay A320 Sharklet và các linh kiện cho máy bay A330neo và A350.

Nếu như năm 2021 chỉ có 52,4% doanh nghiệp FDI sử dụng hàng hóa và dịch vụ đầu vào cung ứng bởi các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thì con số này đã lên đến 63,3% trong năm 2022.

Nếu như năm 2021 chỉ có 52,4% doanh nghiệp FDI sử dụng hàng hóa và dịch vụ đầu vào cung ứng bởi các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thì con số này đã lên đến 63,3% trong năm 2022.

Không kém cạnh đối thủ, ông Michael Vũ Nguyễn, Tổng giám đốc Boeing Việt Nam cho hay, tập đoàn này đang tích cực tìm kiếm các công ty Việt Nam để mở rộng chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Hiện, mới có 6 doanh nghiệp Việt đảm nhận cung cấp linh kiện, chi tiết và phần mềm cho Boeing.

Cùng với đó, một “ông lớn” công nghệ khác là Tập đoàn Apple cũng bày tỏ mong muốn mở rộng chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam, phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi giá trị của họ.

Điều tra PCI 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn báo cáo năm 2021 từng ghi nhận những dấu hiệu đáng khích lệ về vai trò ngày càng quan trọng của các doanh nghiệp Việt Nam, trong chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI. Xu hướng này được duy trì sang năm 2022 đã cho thấy khả năng hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp trong nước.

Nếu như năm 2021 chỉ có 52,4% doanh nghiệp FDI sử dụng hàng hóa và dịch vụ đầu vào cung ứng bởi các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thì con số này đã lên đến 63,3% trong năm 2022. Ở một diễn biến khác, trong khi vai trò nhà cung cấp của khối doanh nghiệp nhà nước dường như giảm sút đôi chút thì tỷ lệ doanh nghiệp FDI sử dụng hàng hóa, dịch vụ cung ứng bởi các hộ kinh doanh tại Việt Nam đã tăng từ mức 9,9% năm 2021 lên 13,4% năm 2022.

“Trên bề mặt, những con số này có thể đơn giản được coi là kết quả của quá trình phục hồi kinh tế về mức trước đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, sự thu hẹp vai trò của các nhà cung ứng tại nước xuất xứ và nước thứ ba quan sát được qua các năm cho thấy, các nhà cung cấp trong nước đã thực sự củng cố vị thế nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ trung gian cho khối doanh nghiệp FDI”, báo cáo PCI 2022 chỉ ra.

Cụ thể, năm 2022, chỉ 30,5% doanh nghiệp FDI nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ nước xuất xứ, mức thấp nhất từ trước đến nay và giảm mạnh từ mức đỉnh 58,7% vào năm 2016. Doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản có xu hướng sử dụng hàng hóa, dịch vụ từ chính đất nước của họ, với tỷ lệ tương ứng là 42,4%, 38,3% và 32,6%.

Tương tự, tỷ lệ doanh nghiệp FDI chuyển sang sử dụng các nhà cung cấp ở nước thứ ba đã giảm từ 22,6% vào năm 2021 xuống còn 16% trong năm 2022. Vai trò ngày càng quan trọng của các doanh nghiệp trong nước với tư cách là nhà cung cấp, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết bị điện tử và logistics, “có thể là kết quả của Hiệp định Thương mại tự do Liên minh Châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8/2020 và sự chuyển dịch của các nhà đầu tư khỏi Trung Quốc sang các nước láng giềng”, nhóm nghiên cứu PCI 2022 cho biết.

Mới giải quyết được 'phần ngọn'

Trong những năm gần đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, chế biến - chế tạo của Việt Nam ngày càng gia tăng, mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt tăng cường tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy vậy cũng cần nhìn thẳng thực tế chưa như kỳ vọng.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản, nêu lên một thực tế là sự tham gia các doanh nghiệp Việt (trong đó có các doanh nghiệp quân đội) trong chuỗi cung ứng vẫn còn nhiều hạn chế và chưa được kết quả như kỳ vọng. Phần lớn các doanh nghiệp chưa có định hướng rõ ràng khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo đánh giá, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tập trung giải quyết những khía cạnh thuộc “phần ngọn”, hơn là tập trung giải quyết các khía cạnh tiền đề, thuộc về năng lực nền tảng, tạo tác động dài hạn như: Xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; làm chủ công nghệ, đổi mới sáng tạo chất lượng sản phẩm... nhằm nâng cao khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hiện, Tổng công ty sản xuất thiết bị Viettel đang là nhà cung ứng cấp 3 cho Boeing. Đại diện Boeing mong muốn phía Viettel chuyển từ cung ứng cấp 3 lên cung ứng cấp 1, cung cấp trực tiếp cho Tập đoàn Boeing.

Thượng tá Nguyễn Thế Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty sản xuất thiết bị Viettel chia sẻ, gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu ngành hàng không vũ trụ sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn đơn hàng ổn định. Tuy vậy, để tham gia được chuỗi này không hề đơn giản bởi các tiêu chuẩn khắt khe từ đầu vào, đầu ra đến quy trình sản xuất, nguồn nhân lực, vật lực, cơ sở hạ tầng cho đến hệ thống quản trị thông tin.

Thống kê cho thấy 2/3 doanh nghiệp Việt Nam chưa chuẩn bị sẵn sàng, chưa có hành động cụ thể để tham gia chuỗi cung ứng. Cùng với đó, những biến động trên thị trường quốc tế trong thời gian qua khiến cho việc gia nhập chuỗi gặp khó khăn. Các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp khó khăn về nguyên liệu, máy móc, nhân công đầu vào. Quản trị doanh nghiệp chưa đạt chuẩn phù hợp với chuỗi giá trị quốc tế…

Mặt khác, cuộc cạnh tranh để có chỗ đứng trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia rất khắc nghiệt khi doanh nghiệp Việt Nam phải so kè với các tập đoàn lớn. Bằng chứng là mới đây, Quanta – Tập đoàn lớn về sản xuất thiết bị máy tính của Đài Loan (Trung quốc) – đối tác lắp ráp Macbook cho Apple đã ký thỏa thuận phát triển dự án sản xuất máy tính quy mô lớn tại tỉnh Nam Định.

Hiện tại, Quanta đã có 8 nhà máy sản xuất lớn trên toàn thế giới đặt tại Trung Quốc, Mỹ, Mexico, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…. Khi hoàn thiện, nhà máy sản xuất ở Khu công nghiệp Mỹ Thuận (Nam Định) sẽ là nhà máy thứ 9 của Quanta trên toàn cầu.

Dự án trên sẽ giúp Quanta khẳng định thêm vị trí, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của Apple – nơi mà doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất khó khăn để “chen chân”. Đây cũng là thách thức cho chính các doanh nghiệp Việt trong thời gian tới, cũng như sự hỗ trợ về cơ chế, hành lang chính sách của cơ quan quản lý.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/vi-the-dang-len-cua-viet-nam-trong-chuoi-cung-ung-toan-cau-1092218.html