Vì Thủ đô phát triển bền vững

Với 25 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận; còn 9 đại biểu đăng ký phát biểu, 1 đại biểu đăng ký tranh luận nhưng hết thời gian... phiên thảo luận tại hội trường chiều 28-5 cho thấy, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tiếp tục thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội.

Lần thứ hai được thảo luận tại Quốc hội, các phát biểu tại hội trường cũng như bên hành lang Quốc hội đều đồng thuận cao rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp này với nhiều kỳ vọng mang tính đột phá. Đặc biệt là góp phần khơi thông các nguồn lực của Thủ đô, tạo sự lan tỏa, động lực dẫn dắt cho cả Vùng Thủ đô và cả nước.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 7 chương và 54 điều (giảm 5 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu). Nhìn vào cả quá trình cho thấy sự công phu, cách làm việc khoa học, bài bản của cơ quan chủ trì soạn thảo cũng như các đơn vị liên quan để dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được hoàn thiện trước khi trình Quốc hội thông qua.

Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan cùng Hà Nội tổng hợp, nghiên cứu kỹ các ý kiến đại biểu. Tổ chức các cuộc làm việc với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, cử đại diện tham gia một số cuộc hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác giải trình, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật.

Hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được đăng tải toàn văn trên Cổng thông tin của Bộ Tư pháp và Cổng thông tin điện tử Hà Nội. Với sự góp ý của 47 đoàn đại biểu Quốc hội; 8 cơ quan, tổ chức gửi văn bản góp ý, dự thảo Luật đã bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung để thực hiện chủ trương tăng cường phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội.

Cách làm công khai, minh bạch và khoa học trên không chỉ giúp dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được tiếp thu một cách đầy đủ nhất cả về mặt pháp lý cũng như thực tiễn, mà còn tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô khi dự thảo Luật được thông qua và đi vào cuộc sống.

Ngoài những nội dung đã tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu và các cơ quan, tổ chức hữu quan, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp trong các quy định của dự thảo Luật.

Bên cạnh xem xét, thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Việc Quốc hội đồng thời xem xét 3 nội dung quan trọng này vừa góp phần tạo ra định hướng phát triển, phương án thực thi và đưa ra khuôn khổ pháp lý để tạo sự thay đổi, đột phá của Thủ đô thời gian tới.

Với chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, cùng với sự chú trọng quan tâm, thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và cả hệ thống chính trị thành phố Hà Nội, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua sẽ nhanh chóng đi vào đời sống, góp phần xây dựng Thủ đô “Văn minh - Văn hiến - Hiện đại” theo đúng tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị. Tất cả vì sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/vi-thu-do-phat-trien-ben-vung-667688.html