Vì Tổ quốc hiến dâng tuổi thanh xuân

Vào những ngày tháng 2 lịch sử, khi tiết trời mùa xuân đang dần chuyển mình ấm áp, chúng tôi lại có dịp đến thăm bà Khương Thị Chu, mẹ của anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh - người chiến sĩ đầu tiên hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc khi vừa tròn 18 tuổi. Bà năm nay đã 92 tuổi, sức khỏe yếu đi nhiều, đôi mắt bà đã mờ, tai không còn nghe rõ như trước, trí nhớ cũng không còn sắc bén như thuở nào. Tuy vậy, ký ức về người con trai vẫn mãi vẹn nguyên trong tâm trí cũng là niềm tự hào vô bờ bến của bà.

Bà Khương Thị Chu cùng hai em của liệt sĩ Lê Đình Chinh là ông Lê Đình Lai (trái) và ông Lê Đình Chiến (phải) xúc động kể lại những ký ức về người anh cả đã anh dũng hi sinh nơi biên giới phía Bắc.

Bà Khương Thị Chu cùng hai em của liệt sĩ Lê Đình Chinh là ông Lê Đình Lai (trái) và ông Lê Đình Chiến (phải) xúc động kể lại những ký ức về người anh cả đã anh dũng hi sinh nơi biên giới phía Bắc.

Căn nhà nhỏ của bà Khương Thị Chu nằm sâu trong con hẻm yên tĩnh trên đường Trịnh Khả (TP Thanh Hóa). Ở đó, bà sống cùng người con trai thứ ba là ông Lê Đình Chiến - em trai anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh. Trong không gian ấm cúng ấy, bà bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm về con trai cả - một người con ngoan hiền, một chiến sĩ kiên cường đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Theo lời bà Chu, gia đình bà có 6 người con (5 trai, 1 gái). Anh hùng liệt sỹ Lê Đình Chinh (sinh ngày 17/2/1960) là con trai đầu. “Ngày ấy, gia đình tôi nghèo khó vô cùng, cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm. Bởi vậy, từ khi còn nhỏ, Lê Đình Chinh đã quen với sự thiếu thốn và khó khăn. Con vừa đi học, vừa giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà, chăm sóc các em. Dù vậy, con vẫn luôn có ý chí vươn lên và khát vọng lớn lao. Con chăm chỉ, hiền lành, luôn đạt thành tích tốt trong học tập và trở thành niềm tự hào của gia đình” - bà Chu tự hào kể.

Vào ngày 16/2/1975, khi mới chỉ 15 tuổi, Lê Đình Chinh kiên quyết xin phép gia đình để nhập ngũ, mong muốn được cống hiến cho đất nước. Mặc dù lo lắng cho con trai còn quá nhỏ tuổi, gia đình vẫn không thể ngăn cản được quyết định của anh và động viên anh lên đường. Nhớ lại khoảnh khắc ấy với đôi mắt ngấn lệ, bà Chu xúc động kể: "Ngày Lê Đình Chinh nhập ngũ, bố mẹ bận bịu với công việc, các em còn nhỏ, không ai có thể ra tiễn. Sau đó, chỉ có một lần duy nhất, khi Lê Đình Chinh đang huấn luyện ở huyện Triệu Sơn, bố mới vào thăm được. Ngày ấy, tôi cứ nghĩ con sẽ trở về, nhưng cuối cùng Lê Đình Chinh đã không trở lại nữa". Giọng bà Chu nghẹn lại, như thể thời gian đã không thể xóa nhòa nỗi đau cùng nỗi nhớ khôn nguôi trong lòng người mẹ mất con.

Bà Khương Thị Chu lặng lẽ thắp nén nhang gửi gắm niềm nhớ thương vô hạn tới người con trai của bà - anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh.

Bà Khương Thị Chu lặng lẽ thắp nén nhang gửi gắm niềm nhớ thương vô hạn tới người con trai của bà - anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh.

Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện tại huyện Triệu Sơn, Lê Đình Chinh được biên chế vào Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 12 thuộc Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng). Những ngày đầu trong quân ngũ, anh đã tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, đối mặt với quân Khmer Đỏ tàn bạo. Những trận chiến khốc liệt càng hun đúc lòng dũng cảm và tinh thần kiên cường của anh.

Đầu năm 1978, tình hình biên giới phía Bắc ngày càng trở nên căng thẳng khi quân Trung Quốc liên tục gây hấn. Lê Đình Chinh cùng đồng đội được điều động lên khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn. Ngày 25/8/1978, tại chân đồi Pù Tèo Hào thuộc huyện Cao Lộc, quân xâm lược Trung Quốc tràn sang, tấn công man rợ vào dân thường và cán bộ địa phương. Trong trận chiến không cân sức, anh cùng đồng đội đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ Nhân dân. Với tinh thần quả cảm, Lê Đình Chinh đã tiêu diệt nhiều kẻ địch trước khi bị một tên lính Trung Quốc tấn công lén từ phía sau. Anh ngã xuống giữa chiến trường khi vừa tròn 18 tuổi.

Bà Chu vẫn nhớ như in cái khoảnh khắc mà tin tức về người con trai hy sinh ở chiến trường đến với gia đình. "Ngày 25/8/1978, tôi ngồi nghe đài phát thanh, nghe bản tin về chiến sĩ Lê Đình Chinh giải vây cho cán bộ và hy sinh. Tôi cứ nghĩ đó chỉ là sự trùng hợp về tên tuổi, nhưng trái tim tôi không thể bình yên. Đến ngày 2/9/1978, gia đình tôi nhận được thông báo chính thức... con tôi đã ra đi mãi mãi".

Những lời nói của bà như dao cứa vào lòng, vì người mẹ nào cũng thương con, dù con có đi xa đến đâu, tình mẹ vẫn mãi vẹn nguyên. "Kể từ ngày Lê Đình Chinh ra đi, không ngày nào tôi không nhớ thương con. Nhưng tôi tin rằng, dù con không còn ở đây, con vẫn luôn ở bên cạnh gia đình, trong trái tim, tình yêu thương của bố mẹ và các em".

Chiến sĩ Lê Đình Chinh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân vào ngày 30/8/1978. Tên anh đã trở thành biểu tượng sáng ngời của thế hệ trẻ Việt Nam, tượng trưng cho lòng yêu nước và sự hy sinh cao cả. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Sống, chiến đấu rực lửa anh hùng như Lê Đình Chinh”, nhằm tri ân và lan tỏa tinh thần quả cảm của anh.

Ban đầu, hài cốt của anh được an táng tại khu vực biên giới, nơi anh đã ngã xuống trong khi bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Sau đó, hài cốt được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Cao Lộc - một nơi yên nghỉ chung cho những người con ưu tú của đất nước đã hy sinh trên mảnh đất biên cương. Nhưng dường như nỗi nhớ của gia đình và đồng đội vẫn chưa nguôi, mong muốn đưa anh trở về gần hơn với quê hương yêu dấu.

Ngày 6/1/2013, hài cốt của anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh đã được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng, phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa). Đây là nơi anh được yên nghỉ gần gia đình, những người thân yêu và đồng đội đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước. Mỗi dịp lễ tết, những người đồng đội năm xưa của anh lại lặng lẽ trở về, đứng trước mộ phần anh, nhắc lại những ký ức hào hùng và như gửi gắm lời tri ân sâu sắc đến người đã hy sinh vì hòa bình hôm nay.

Mỗi năm đến ngày 17/2, bà Chu lại cầm tấm ảnh thời anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh còn nhỏ được bà Khương Thị Chu bế trên tay.

Mỗi năm đến ngày 17/2, bà Chu lại cầm tấm ảnh thời anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh còn nhỏ được bà Khương Thị Chu bế trên tay.

Nhìn lên bức ảnh đen trắng của Lê Đình Chinh khi mới gần 10 tháng tuổi, tấm ảnh duy nhất còn sót lại của anh thuở nhỏ, bà Chu không giấu nổi sự nghẹn ngào. Đôi tay bà giờ đã run vì tuổi già, vẫn nâng niu bức ảnh đã nhuốm màu thời gian. Bà Chu rưng rưng: "Con tôi, dù đã xa rồi, nhưng trong lòng tôi, con mãi mãi còn sống, mãi mãi là niềm tự hào của mẹ. Được gặp lại con trong giấc mơ, được thăm mộ con mỗi dịp lễ tết, đó là niềm an ủi lớn lao nhất đối với tôi".

Những lời của bà Chu khiến không khí thêm phần lắng đọng, như gợi lên hình ảnh của một người mẹ tần tảo, cả đời chỉ mong được gần con. Ngày anh được đưa về nghĩa trang quê nhà, đó là khoảnh khắc trái tim người mẹ đã tìm lại một phần bình yên. Hơn bốn thập kỷ đã trôi qua kể từ ngày anh ngã xuống, nhưng sự hy sinh ấy vẫn sáng mãi trong lòng người ở lại. Đó không chỉ là niềm tự hào của gia đình, mà còn là biểu tượng của tinh thần yêu nước và lòng quả cảm.

Anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh đã đi xa nhưng tên tuổi và hình ảnh của anh vẫn sống mãi trong lòng những người ở lại. Trên mảnh đất xứ Thanh - nơi anh trở về yên nghỉ, từng ngọn gió qua đồi, từng làn khói hương phảng phất như kể lại câu chuyện về một người chiến sĩ trẻ kiên cường, dũng cảm. Anh không chỉ là người con của gia đình bà Chu, mà còn là người con của quê hương, của cả dân tộc.

Ngày nay, những người trẻ khi nghe câu chuyện về anh vẫn cảm nhận được nguồn cảm hứng mạnh mẽ. Tuổi thanh xuân của anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh không chỉ là bản hùng ca của một thời máu lửa, mà còn là một ngọn lửa soi đường cho thế hệ trẻ hôm nay, nhắc nhở rằng hòa bình, tự do không phải là điều tự nhiên mà có, mà được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và máu của biết bao người đi trước.

Bài và ảnh: Lan Chinh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/vi-to-quoc-hien-dang-tuoi-thanh-xuan-35648.htm