Vị trí chiến lược của kinh tế biển
Việt Nam là quốc gia có lợi thế vượt trội về biển đảo, có vị trí địa chiến lược trọng yếu và thuận lợi trong giao thương toàn cầu.
Do đó, kinh tế biển luôn được Đảng và Nhà nước đặt vào vị trí xứng đáng trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Ngày 22/10/2018, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Thẩm thấu” vào nhận thức xã hội
Với mục tiêu bao trùm là đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, hướng ra biển, dựa vào biển; phát triển kinh tế biển hiệu quả, bền vững; bảo đảm an sinh xã hội, an ninh môi trường và an toàn sinh thái biển…
Sau gần 5 năm thực hiện, về đại thể Nghị quyết 36-NQ/TW đã thẩm thấu vào nhận thức của xã hội và tầm nhìn của các tổ chức Đảng và chính quyền; đã thực sự tạo được những chuyển biến rõ rệt về hành động, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển cả nước và từng địa phương ven biển.
Kinh tế biển tiếp tục đóng góp quan trọng cho kinh tế quốc dân, cho thị phần xuất khẩu của đất nước, vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 và thay đổi địa chính trị thế giới gây ra.
Nghị quyết 36 cũng nâng cao một bước hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế biển, góp phần duy trì hòa bình ở Biển Đông, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và các quyền, lợi ích biển khác của Việt Nam.
Để phát triển bền vững (PTBV) kinh tế biển, Quốc hội và Chính phủ đã chú trọng thể chế hóa và hiện thực hóa quan điểm, chủ trương và giải pháp lớn của Đảng thành các kế hoạch hành động ở các cấp, các ngành.
Tích cực, chủ động tích hợp các nhiệm vụ phát triển kinh tế biển vào quy hoạch phát triển ngành, địa phương đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo Luật Quy hoạch 2017.
Yêu cầu chung là quy hoạch phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nhất quán; phù hợp thực tiễn, nhu cầu thị trường, lợi thế vùng miền; tăng khả năng cạnh tranh của kinh tế biển, tránh chồng chéo và “bệnh” hội chứng trong phát triển.
Để thống nhất quản lý nhà nước về kinh tế biển, một Ủy ban Chỉ đạo quốc gia và các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về thực hiện Chiến lược PTBV kinh tế biển, được thành lập.
Hệ thống luật pháp, chính sách biển và liên quan đến kinh tế biển tiếp tục được hoàn thiện, đã cung cấp cơ sở pháp lý cho khai thác, sử dụng hợp lý tiềm năng, thế mạnh biển đảo và PTBV kinh tế biển.
Ngoài ra, các địa phương ven biển cũng xây dựng chính sách thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế biển. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ sở để phát triển kinh tế biển, gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật số, hạ tầng tự nhiên ven biển để thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng chống thiên tai.
Gần đây, Chính phủ kết hợp địa phương đã hoàn thiện các tuyến đường bộ cao tốc dọc ven biển, một số tuyến ngang; nâng cấp và xây mới một số tuyến đường sắt, sân bay ven biển và trên đảo, hệ thống cảng biển… tạo thuận lợi cho liên kết vùng ven biển với các tiểu vùng, vùng kinh tế trọng điểm trong nước, tạo điều kiện cho kinh tế biển phát triển.
Phát triển bền vững vẫn còn “mờ nhạt”
Nghị quyết số 36-NQ/TW vẫn còn tiếp tục được triển khai thực hiện đến năm 2030, nên cùng với Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, đây là cơ hội để kinh tế biển bứt phá. Các bài học, cả thành công và chưa thành công đều rất đáng được xem xét và điều chỉnh nghiêm túc để cán đích.
Có thể nói, tiến độ triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW còn chậm, còn bất cập. Quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thúc đẩy PTBV kinh tế biển còn “mờ nhạt”, thiếu cụ thể, chưa đồng bộ; nhận thức về kinh tế biển xanh, bền vững còn khác nhau, thậm chí khác biệt nên còn lúng túng trong thực hiện.
Phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội, bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, với bảo đảm an ninh, quốc phòng biển đảo. Phát triển một số ngành kinh tế biển mũi nhọn, ngành kinh tế biển mới, xanh, bền vững còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Cơ cấu ngành/nghề kinh tế biển chưa hợp lý; khai thác, sử dụng biển đảo thiếu bền vững, thiếu phối hợp liên ngành; tình trạng khai thác tận diệt, lãng phí tài nguyên biển chưa được ngăn chặn.
Để chuyển từ kinh tế biển nâu, sang xanh, bền vững, cần triển khai đồng bộ 6 nhóm hành động, gồm duy trì nguồn vốn tự nhiên biển. Bảo tồn thiên nhiên và cảnh quan biển. Bảo vệ môi trường biển khỏi ô nhiễm, suy thoái.
Phát triển kinh tế biển trên nền tảng của kinh tế biển xanh, tuần hoàn. Thực thi nghiêm túc pháp luật biển, kinh tế biển. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế biển xanh, bền vững.
Ngoài ra, cần triển khai một số giải pháp hỗ trợ, như thực hiện Mục tiêu PTBV số 14 về sử dụng và bảo tồn bền vững biển và tài nguyên biển đến năm 2030. Bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi hệ sinh thái biển bị suy thoái gắn với du lịch sinh thái, sinh kế cộng đồng.
Quản lý tổng hợp biển theo không gian. Phát triển khoa học-công nghệ biển, đào tạo nguồn nhân lực biển trình độ cao. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về kinh tế biển xanh, tuần hoàn.
Giải quyết đồng bộ ba vấn đề Ngư dân, Ngư nghiệp và Ngư trường (Tam ngư) để phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm. Phát huy giá trị văn hóa biển đặc trưng Việt Nam trong phát triển kinh tế biển xanh.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/vi-tri-chien-luoc-cua-kinh-te-bien-683877.html