Vị trí đặc biệt của Việt Nam trong lòng những người bạn Mỹ
Từ lần đầu tiên đến Hà Nội, Việt Nam vào đúng ngày 30/4/1975, ông John McAuliff - Giám đốc điều hành Quỹ Hòa giải và phát triển Hoa Kỳ (FRD), đã tiếp tục chặng đường ủng hộ, gắn bó với Việt Nam trong suốt 50 năm qua.
Vị trí đặc biệt của Việt Nam
Các hoạt động ngoại giao nhân dân do cá nhân ông McAuliff và FRD thúc đẩy đã giúp kết nối những cá nhân, tổ chức phi chính phủ của Mỹ và Việt Nam, tạo kênh trao đổi giữa hai bên. Với những cống hiến đó, ông McAuliff đã được trao tặng Huân chương vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) năm 2018 và Huân chương Hữu nghị năm 2024.
Trao đổi với phóng viên VOV, ông McAuliff kể lại ngày lịch sử 30/4/1975, khi ông lần đầu có mặt tại Việt Nam và chứng kiến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Tôi đến Hà Nội lần đầu vào đúng ngày 30/4/1975 - ngày chiến tranh kết thúc. Khi đó, thành phố không có điện, không có cửa hàng. Từ đó, đến nay, tôi đã chứng kiến một sự chuyển mình đáng kinh ngạc của Việt Nam”, Giám đốc điều hành FRD nói.

Ông John McAuliff - Giám đốc điều hành Quỹ Hòa giải và phát triển Hoa Kỳ (FRD).
Chia sẻ về hành trình và những nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, ông McAuliff cho biết, trong giai đoạn sau chiến tranh, từ năm 1975 đến khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, ban đầu, rất khó để thuyết phục người dân Mỹ tin rằng, mối quan hệ với Việt Nam là điều đáng để đầu tư. Sau chiến tranh là sự nghi ngờ và bất an rất lớn giữa hai Chính phủ. Tuy nhiên, những điều này đã được xóa bỏ dần dần qua từng cuộc đối thoại.
Cùng với đó, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, hội cựu chiến binh, những dự án nhân đạo, trao đổi giáo dục, đưa sinh viên Việt Nam tới học tại Mỹ - lúc đầu dưới các chương trình tài trợ và sau này là học bổng Fulbright - đều là những hình thức ngoại giao nhân dân hiệu quả.
“Chỉ trong chưa đầy một thế hệ, chúng ta đã đạt được những nền tảng quan trọng của quá trình bình thường hóa qua hệ. Từ đó đến khi Việt Nam - Hoa Kỳ thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững là cả một hành trình”, ông McAuliff tự hào chia sẻ.
Giám đốc điều hành FRD John McAuliff khẳng định, Việt Nam đang ở vị trí rất đặc biệt, khi được cả những nước đối lập như Mỹ và Cuba tin tưởng và có quan hệ tốt. Trong một thế giới đa cực đầy nguy hiểm, Việt Nam có thể đóng vai trò trung gian, hòa giải: “Việt Nam từng chiến thắng một cường quốc hàng đầu là Mỹ. Chiến thắng đó không chỉ mang ý nghĩa quân sự mà còn mang tính biểu tượng rất mạnh. Đây là một sự cân bằng rất khéo léo - điều mà Việt Nam đã có hàng ngàn năm kinh nghiệm để thực hiện. Ngày nay, Việt Nam cần tiếp tục vai trò tích cực không chỉ trong ASEAN mà cả trên trường quốc tế.
Việt Nam là minh chứng sống cho việc một quốc gia có thể mở cửa kinh tế, giải phóng năng lượng sáng tạo của người dân, hội nhập quốc tế mà vẫn giữ được chủ quyền, bản sắc dân tộc và định hướng XHCN. Đây là bài học ngoại giao có giá trị cho nhiều nước khác”.
Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 là “điểm bắt đầu của hòa bình”
Sau khi giành được hòa bình, độc lập, Việt Nam tiếp tục nỗ lực kiến tạo hòa bình thông qua chính sách đối ngoại rộng mở “làm bạn” với tất cả các nước. Theo ông McAuliff, đây chính là cơ sở để Việt Nam cùng các nước thúc đẩy đối thoại và giải quyết tranh chấp, với vai trò trung gian hòa giải - kiến tạo hòa bình trong môi trường địa chính trị mới.
“Tôi nghĩ giờ là thời điểm Việt Nam có vai trò chủ động hơn, có thể đóng vai trò dẫn dắt kết nối các quốc gia, không chỉ là hòa giải, mà là xây dựng niềm tin giữa các nước, đặc biệt là các nước đang có xung đột và bất đồng. Việt Nam có thể vận dụng kinh nghiệm của mình trong việc cùng Liên Hợp Quốc tham gia gìn giữ hòa bình tại các điểm nóng; giúp các nước đối thoại hóa giải xung đột.
Tôi cũng nghĩ sự chuyển đổi mạnh mẽ của Việt Nam từ sau tiến trình đổi mới là ví dụ cho thấy, với việc tận dụng sức mạnh của cả dân tộc, các bạn có thể mở cửa nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo tự do độc lập và sự tự chủ của mình”, ông McAuliff nói.

Người dân chào mừng Sài Gòn được giải phóng, đất nước thống nhất ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu
Đại thắng Mùa xuân năm 1975 chính là một ngã rẽ lịch sử, giúp Việt Nam bước sang một trang mới, thống nhất và xây dựng, phát triển đất nước. Với tinh thần hòa hiếu và nhân văn sâu sắc, trong thời chiến, ngoại giao Việt Nam đã không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại, đồng thời đặt những viên gạch đầu tiên cho tiến trình hòa giải, hàn gắn với các quốc gia từng tham chiến tại Việt Nam.

Phó Chủ tịch AMCHAM Việt Nam, bà Virginia Foote . (Nguồn: TTXVN)
Bà Virginia Foote, Giám đốc Điều hành Bay Gobal Stategie, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam, một người bạn của Việt Nam trong hơn 30 năm qua - người đã nỗ lực xóa bỏ cấm vận của Hoa Kỳ với Việt Nam, người đóng góp to lớn vào tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt nam - Hoa Kỳ, cho rằng: “Tôi vẫn gọi sự kiện Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 là “điểm bắt đầu của hòa bình”.
Theo bà Virginia Foote, các Thượng Nghị sỹ John Kerry và John McCain là những cựu chiến binh Mỹ đã cùng các cựu chiến binh Việt Nam đẩy mạnh hợp tác ngay từ những năm 1980. Nhờ những nỗ lực của cả hai nước, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày nay đã trở nên rất tốt đẹp.
Với cá nhân mình, bà Virginia Foote đã vinh dự nhận Huân chương Hữu Nghị của Chủ tịch nước Việt Nam năm 2016 vì những đóng góp thúc đẩy bình thường hóa quan hệ song phương, xây dựng mối quan hệ mới và một nền hòa bình mới.
“Từ cựu thù trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, đòi hỏi nhiều nỗ lực từ cả Việt Nam và Hoa Kỳ, để tạo ra mối liên hệ toàn diện, cùng vượt qua thời kỳ hậu chiến khó khăn”, bà Virginia B. Foote khẳng định.