Vị tướng 'không quân hàm' Nguyễn Chánh

'Cuộc đời một con người mới 43 tuổi đã để lại sự nghiệp như vậy, có thể nói là một cuộc đời thật đẹp: Cuộc đời của một người cộng sản kiên cường, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc, một vị tướng có đức, có tài, một con người mẫu mực', Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết như vậy về vị tướng 'không quân hàm' Nguyễn Chánh.

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Nguyễn Chánh (đứng ngoài cùng bên phải) kiểm tra phương án sẵn sàng chiến đấu ở một đơn vị bộ đội năm 1955. (Ảnh: Lam Hạnh)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Nguyễn Chánh (đứng ngoài cùng bên phải) kiểm tra phương án sẵn sàng chiến đấu ở một đơn vị bộ đội năm 1955. (Ảnh: Lam Hạnh)

43 tuổi được đề xuất phong quân hàm Thượng tướng

Nguyễn Chánh sinh ra ở xóm Vạn Đò, thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, trong một gia đình trung nông. Gia đình ông có 8 người con. Ông là con út, thường được gọi Út Chín. Sau này khi tham gia cách mạng, ông đổi Chín thành Chánh.

Thông minh, gan dạ, năm 14 tuổi, Út Chín nhận nhiệm vụ làm liên lạc cho Đảng, nhiều lần qua mặt địch, chuyển thư trót lọt. 17 tuổi, Nguyễn Chánh chính thức trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 5/1931, bị địch bắt lần thứ nhất, giam tại nhà lao Quảng Ngãi, ông bàn với đồng đội đấu tranh tập thể, tuyệt thực tập thể, biến nhà lao thành trường học. Ông còn dạy mọi người làm thơ Đường.

Được tha về nhưng bị giam lỏng, quản thúc ở địa phương, Nguyễn Chánh kết hôn với bà Phạm Thị Trinh, một nữ đồng chí cùng tuổi, cùng hoạt động trong Ban Tuyên truyền, cùng bị bắt giam ở nhà lao Quảng Ngãi.

Từ 1937 - 1939, Nguyễn Chánh được Xứ ủy giao nhiệm vụ Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi, tiếp theo là Bí thư Liên Tỉnh ủy Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên. Năm 1939, ông bị giặc bắt vào tù lần thứ hai. Năm 1941, bà Trinh cũng lần thứ hai bị giam vào Nhà lao Quảng Ngãi.

Năm 1951, dẫn đầu Đoàn đại biểu Liên khu 5 dự Đại hội toàn quốc lần thứ hai của Đảng, Nguyễn Chánh trở thành Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Quân ủy Trung ương và Bác Hồ có ý định giữ ông ở lại làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thay đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Nhưng xuất phát từ yêu cầu của chiến trường và thực tế tình hình, Nguyễn Chánh được Trung ương điều trở lại Liên khu 5.

Kết thúc kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Chánh được giao đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cán bộ QĐND Việt Nam.

Năm 1958, quân đội ta bắt đầu thực hiện chế độ phong quân hàm cho sĩ quan. Trong hồi ký của mình, Trung tướng Đặng Hòa khi ấy là Trưởng phòng Quân hàm kể rằng, khi Quân đội đề xuất việc phong quân hàm cấp tướng cao nhất trong đợt phong đầu tiên này lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Bác Hồ và Quốc hội phê chuẩn, ông Nguyễn Chí Thanh được đề nghị hàm Đại tướng, ông Nguyễn Chánh được đề nghị hàm Thượng tướng.

Thế nhưng, do gần 10 năm bị tù đày, đánh đập, tra tấn dã man, cùng với công việc nặng nề, nên Nguyễn Chánh đã đột ngột từ trần ngày 24/9/1957, hưởng dương 43 tuổi sau một cơn trụy tim, khi chưa kịp nhận quyết định phong quân hàm cấp tướng. Lịch sử gọi ông là vị tướng “không quân hàm”.

Tài năng quân sự nổi bật

Tướng “không quân hàm” Nguyễn Chánh. (Ảnh: Lam Hạnh)

Tướng “không quân hàm” Nguyễn Chánh. (Ảnh: Lam Hạnh)

Tài năng quân sự bộc lộ sớm khi Nguyễn Chánh lãnh đạo và chỉ huy Đội du kích Ba Tơ (năm 1945). Tài năng ấy càng nổi bật trong những năm tháng ông lãnh đạo đánh Pháp trên chiến trường Khu V, đỉnh cao là Mặt trận Tây Nguyên năm 1954. Dưới sự lãnh đạo quân sự của ông, quân và dân Khu 5 đã giành nhiều thắng lợi quan trọng.

Đông Xuân 1953 - 1954, quân Pháp tung ra hơn 20 tiểu đoàn cơ động mạnh có yểm trợ của phi pháo mở cuộc hành quân Atlante do tướng De Beaufort, Tư lệnh quân khu Tây Nguyên của Pháp chỉ huy với tham vọng đánh chiếm toàn bộ vùng tự do Liên khu V. Với nhãn quan chiến lược, dự báo chính xác, có biện pháp hiệu quả, Tư lệnh Liên khu V Nguyễn Chánh đã xử trí quyết đoán, chính xác các tình huống khẩn cấp trong các trận then chốt như Mang Đen, Đăk-đoa, Thượng An, Đăk-pơ…

Kết quả, trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên ở Kon Tum và Gia Lai, ta diệt và bắt hơn 2.300 địch, giải phóng Kon Tum và vùng chiến lược rộng gần 16.000km2. Chiến thắng này góp phần “chia lửa” cùng chiến trường Điện Biên Phủ, cùng cả nước đi đến thắng lợi, buộc Pháp phải đầu hàng và rút khỏi Việt Nam.

Theo Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Trần Văn Quang, khi kết thúc chiến tranh, tướng De Beaufort ngỏ ý được gặp “vị tướng đã làm cho tôi điêu đứng trên chiến trường”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tổ chức cuộc gặp giữa De Beaufort với Nguyễn Chánh ngay tại Hà Nội. Tại buổi gặp mặt, De Beaufort hỏi Nguyễn Chánh: “Ngài đã học trường nào?”. Ông Chánh trả lời: “Tôi chỉ qua mỗi một trường đấu tranh thực tiễn cách mạng”.

Tướng de Beaufort hỏi: “Tại sao chiến cuộc ở Nam Trung Bộ vừa qua chủ lực của tướng quân không đương đầu với chúng tôi ở đồng bằng ven biển mà lại tiến công lên cao nguyên miền Tây?”. Ông trả lời: “Nếu chúng tôi đưa các trung đoàn chủ lực chọi với các ông trên các cánh đồng ven biển, tức là chúng tôi chấp nhận tác chiến theo ý muốn của các ông và phải đánh theo cách đánh của các ông, thì chúng tôi đã thua rồi còn gì”.

“Còn nếu chúng tôi tập trung chủ lực đánh lên rừng núi Bắc Tây Nguyên, chúng tôi buộc các ông phải đánh theo ý muốn của chúng tôi và đánh theo cách đánh của chúng tôi”.

De Beaufort nói với Nguyễn Chánh: “Quả thật, tôi khâm phục quân đội của các ông. Họ giỏi hơn lính của chúng tôi. Các ông thắng là phải”.

Nguyễn Chánh đối đáp: “Không phải lính Pháp kém cỏi đâu. Họ đã từng chiến thắng phát-xít Đức từ châu Âu đến châu Phi. Các ông thua vì các ông không có chính nghĩa mà thôi”.

Vị tướng có tâm hồn nghệ sĩ

Năm 13 tuổi, một lần, mẹ của Nguyễn Chánh ra cho ông 4 chữ: “Quân - Sư - Phụ - Hữu” và bảo lấy ý đó thử làm một bài thơ. Suy nghĩ một lúc, ông viết bài thơ có tựa đề: “Thơ gửi Mẹ”: Quân - Sư - Phụ - Hữu ấy vì ai?/Chữ đó về con có một vai/Vì nước, lao đao còn gánh nặng/Vì thầy, bận việc phải xía vai/Vì ơn cốt nhục, vàng không nhạt/Vì nghĩa đồng bào, đá chẳng phai/Gánh nợ non sông thân bảy thước/Ở sao cho trọn đạo làm trai”.

Trên chiến trường, ông khuyến khích phong trào văn nghệ để vui sống đánh giặc. Bài hát “Du kích Ba Tơ” (Dương Minh Viên), “Bài ca tự túc” (Lưu Trùng Dương), “Tây Nguyên hành khúc” (Đức Tùng)... là những ca khúc do chính ông “đặt hàng” tác giả và tham gia viết lời.

Nguyễn Chánh đã thu hút và giúp đỡ, đào tạo được nhiều văn nghệ sĩ làm nòng cốt trên mặt trận văn học nghệ thuật.

Ông được đánh giá cao trong việc khôi phục, giữ gìn và phát triển nghệ thuật tuồng Liên khu 5 từ thời kháng chiến. Theo lời kể của NSND Nguyễn Tường Nhẫn, sau Cách mạng tháng Tám và mấy năm đầu kháng chiến chống Pháp, ở Nam Trung Bộ, sân khấu ca kịch dân tộc, như hát bội (tuồng), bài chòi, cải lương… không còn hoạt động. Các gánh hát giải tán, các nghệ sĩ tìm nghề khác để sống.

Năm 1951, sau khi đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II ở Việt Bắc về, trong một hội nghị Thường vụ Liên khu ủy, Nguyễn Chánh đã đưa chủ trương khôi phục các hình thức ca kịch dân tộc truyền thống ngay trong kháng chiến và trước mắt nhằm phục vụ kháng chiến. Như vậy, vừa nhằm phục vụ đời sống tinh thần của Nhân dân, vừa khôi phục, giữ gìn và phát triển một nghệ thuật truyền thống quý báu và cũng không để mai một những nghệ sĩ ưu tú thật sự tài năng…

Với sự kiên trì thuyết phục của ông, Thường vụ Liên khu ủy đã có nghị quyết về việc khôi phục, phát triển nghệ thuật tuồng và các hình thức dân ca kịch truyền thống ở Khu 5...

Lam Hạnh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/vi-tuong-khong-quan-ham-nguyen-chanh-post520316.html