Vì Ukraine, IMF làm các nước đang phát triển bất bình?
Trong khi một số nước nghèo chật vật để vay vốn vực dậy nền kinh tế thì IMF dễ dàng cho 'con nợ' Ukraine vay hàng chục tỷ USD.
Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Ukraine Olga Zykova tuyên bố trên tờ báo “Ekonomicheskaya Pravda” của Ukraine rằng, nhu cầu của Kiev cần thêm 10 tỷ USD nữa từ các quốc gia và các tổ chức quốc tế khác nhau, nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng.
Trước đó, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước Ukraine Andrei Pyshny cho biết khoản hỗ trợ từ các đối tác quốc tế và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong năm nay có thể vượt trên 38 tỷ USD và bù đắp được thâm hụt ngân sách quốc gia của nước này.
Nhưng người đứng đầu Ủy ban ngân sách Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine) là bà Roksolana Podlasa hồi tháng 3 cũng nói rằng, chính quyền Kiev mong đợi sẽ thỏa thuận được với các đối tác về việc cung cấp thêm 10 tỷ USD để trang trải thâm hụt ngân sách tại cuộc họp được gọi là “Hội nghị tài chính Ramstein” diễn ra vào tháng 3.
Theo lời bà Zykova, chính phủ Ukraine đã được Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ xác nhận sẽ phân bổ cho nước này 30 tỷ USD, nhưng bất chấp “các biện pháp giảm thâm hụt ngân sách”, vào năm 2023 nước này vẫn cần được chu cấp gần 3 tỷ USD mỗi tháng, tương đương hơn 42 tỷ USD cho năm tài khóa 2023.
Như vậy, con số 30 tỷ là không đủ so với số tiền cần thiết là hơn 40 tỷ USD. Do đó, Ukraine chỉ biết trông cậy vào sự hỗ trợ từ các quốc gia khác và các tổ chức tài chính quốc tế, đặc biệt là IMF.
Tuy nhiên, nguyện vọng này của chính quyền Kiev đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của một số quốc gia nghèo khác cũng đang cần vay vốn từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, để vực dậy nền kinh tế.
Hôm 17/4, nhà báo Mihir Sharma phụ trách chuyên trang kinh tế của Bloomberg có bài báo cho rằng, việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phân bổ một đợt kinh phí mới trị giá hàng tỷ dollars cho Ukraine đi ngược lại truyền thống 80 năm nay và chọc giận các nước đang phát triển, những nước đang ngày càng thấy rõ sự thiên vị của quỹ.
Theo ông, bối cảnh nổi bật trong các cuộc họp mùa xuân của Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF diễn ra trong tuần qua là sự bất mãn của khu vực Nam bán cầu, khu vực đang nghi ngờ về khả năng tồn tại của các cấu trúc tài chính quốc tế sau chiến tranh, vì sự thiên vị đối với Ukraine.
Trong 80 năm tồn tại, IMF đã hết sức cố gắng tránh cấp tín dụng cho các quốc gia đang có xung đột quân sự, nhưng họ đã cung cấp 15,6 tỷ USD cho Kiev, quốc gia là con nợ lớn thứ ba của quỹ trong hơn mười năm nay và đang đổ hàng chục tỷ USD vào cuộc chiến với Nga.
Dưới con mắt của “thế giới không phải phương Tây” thì việc này bị xem như là một biểu hiện chủ nghĩa thiên vị khi họ có nhu cầu chính đáng để vực dậy nền kinh tế mà không được vay vốn.
Ông Sharma nêu rõ, các nước châu Á và châu Phi tức giận vì thái độ thiên vị này của IMF kể từ khi tổ chức do người châu Âu điều hành cung cấp những khoản tiền khổng lồ để giúp đỡ các nước châu Âu trong cuộc khủng hoảng khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone).
Các nước châu Á nghèo như Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka hiện đang vay hoặc đang cố gắng tìm cách vay tiền từ IMF thông qua các gói cứu trợ, họ phải trải qua quá trình tái cơ cấu nợ hết sức cam go mới có thể tiếp cận được các khoản tín dụng trị giá vài tỷ dollars.
“Bạn nghĩ họ sẽ cảm thấy thế nào khi chứng kiến con nợ lớn thứ ba của IMF (Ukraine) đang nhận được số tiền hỗ trợ lớn đến mức họ không thể so được, mặc dù nước này không có khả năng đáp ứng các điều kiện như họ?” - tác giả đặt câu hỏi và chỉ ra rằng, những nỗ lực của phương Tây vì Ukraine không chỉ chỉ làm tình hình thêm trầm trọng, mà còn khơi lên những bất bình và mâu thuẫn giữa các nước nghèo với các cơ chế tài chính quốc tế.
Theo ý kiến của ông, “những người bạn phương Tây” của Ukraine nên trực tiếp giúp đỡ nước này, chứ không nên làm giảm uy tín của các thể chế toàn cầu, đồng thời làm tăng gánh nặng nợ nần của Kiev như vậy. Mặt khác, họ nên cân nhắc rằng, cái giá phải trả cho sự sụp đổ của những quy ước đã tồn tại 80 năm nay sẽ cao hơn nhiều so với những gì nhận lại từ Ukraine.