Vỉa hè hồ Tây bị lấn chiếm để kinh doanh, 'không còn lối mà đi'
Nhiều đoạn vỉa hè, vườn hoa ở hồ Tây (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) đã bị những hàng quán cà phê, trà chanh, trà đá… lấn chiếm để kinh doanh trái phép, khiến người dân rất khó khăn trong việc di chuyển, tập thể dục mỗi ngày
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh đã và đang diễn ra tại nhiều khu vực vỉa hè dọc tuyến đường quanh hồ Tây (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) hiện nay. Phớt lờ các quy định, nhiều hộ kinh doanh trên các tuyến phố này thản nhiên bày hàng quán, bàn ghế, chiếu... lấn chiếm vỉa hè nhằm mục đích kinh doanh, đẩy người đi bộ xuống lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.
Sự tồn tại của các hàng quán và ý thức kém của một số người dân đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, cảnh quan của hồ Tây thời gian qua. Trong quá trình hoạt động, một lượng rác thải không nhỏ từ các quán nước, quán ăn đã bị vứt thẳng xuống hồ Tây.
Một lãnh đạo xí nghiệp thoát nước số 1 (thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) cho biết ngày nào các công nhân của đơn vị cũng phải vớt rác ở hồ Tây để duy trì cảnh quan của hồ. Rác chủ yếu là vỏ quả dừa, bã mía, ống hút, nilon… "Chúng tôi đã nhiều lần có văn bản đề nghị quận Tây Hồ tăng cường xử phạt, tuyên truyền với người dân, các hộ kinh doanh không xả rác bừa bãi xuống hồ Tây nhưng không có hiệu quả. Sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, tình trạng bày bán, lấn chiếm vỉa hè hồ Tây càng phức tạp hơn" - vị này nói.
Tình trạng lấn chiếm khu vực hồ Tây để kinh doanh đã xảy ra nhiều năm qua, công an địa phương đã nhiều lần "ra quân lấy lại vỉa hè" hồ Tây nhưng rồi "đâu lại vào đấy", tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn, gây bức xúc cho người dân.
Cuối tháng 5-2022, Công an quận Tây Hồ cho biết đã xử lý nhiều trường hợp bán hàng rong, đỗ xe ôtô trái quy định… ở khu vực hồ Tây, thời điểm đó Công an quận Tây Hồ cho biết các vi phạm đã được giải quyết và xử lý triệt để, đồng thời khẳng định thời gian tới các lực lượng chức năng sẽ duy trì việc xử lý để không tái diễn vi phạm.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, thời gian qua, tình trạng vi phạm, lấn chiếm vỉa hè hồ Tây vẫn tái diễn "như chưa hề có cuộc ra quân" xử lý nào. Nhiều khu vực vỉa hè bị lấn chiếm, đặc biệt nhiều khu vực ở phường Bưởi, phường Xuân La, phường Thụy Khuê, phường Yên Phụ..
Ông T.T.D. (một người dân sống gần hồ Tây) cho biết tình trạng lấn chiếm vỉa hè hồ Tây để buôn bán, kinh doanh diễn ra rầm rộ nhiều năm nay nhưng không được xử lý triệt để khiến nhiều người dân bức xúc. "Đường hồ Tây nhỏ, bình thường đi đã khó khăn, nhiều thời điểm ôtô đỗ tràn lan trên vỉa hè và lòng đường, tình trạng ùn ứ, tắc đường diễn ra thường xuyên, nhất là những ngày cuối tuần. Người dân chúng tôi mong muốn chính quyền, công an vào cuộc xử lý triệt để các vi phạm, lấn chiếm vỉa hè, trả lại một hồ Tây yên bình cho người dân" - ông D. bày tỏ.
Còn theo bà Trần Thái (khách du lịch đến từ TP HCM), bà và một số người bạn đi du lịch Hà Nội, nhiều người nói hồ Tây là một trong số các địa điểm ở Hà Nội phải đến tham quan, nhưng khi đến hồ Tây thì bà hơi thất vọng vì "không lối mà đi bộ" bởi vỉa hè đã bị các hàng quán "cướp chỗ". "Tôi và bạn bè ngồi ghế đá mà còn bị người bán hàng đuổi đi không cho ngồi. Chúng tôi sau đó đi taxi một vòng quanh hồ Tây thì thấy đâu đâu vỉa hè cũng bị lấn chiếm, vỉa hè mà toàn thấy các hàng quán, không còn lối mà đi lại" - bà Thái chia sẻ.
Chị D.B.N., sống gần hồ Tây, phản ánh không chỉ đường ven hồ Tây mà các tuyến đường xung quanh khu vực hồ cũng thường xuyên bị lấn chiếm. Tại khu vực gần phố đi bộ Trịnh Công Sơn (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ), vỉa hè rất rộng nhưng cũng bị hàng quán lấn chiếm, bày bàn ghế ra vỉa hè, người đi bộ không còn chỗ đặt chân. Thậm chí nhiều cửa hàng dù thời điểm chưa có khách hoặc rất ít khách nhưng cũng bày bàn ghế ra đầy vỉa hè "chiếm chỗ", còn xe của nhân viên và khách thì để hẳn xuống dưới lòng đường. "Chúng tôi đã phản ánh lên tổ dân phố, thỉnh thoảng có thấy bên phường đi dẹp nhưng ngay sau đó đâu lại vào đấy" - chị N. cho hay.
Quận Tây Hồ chịu trách nhiệm quản lý, khai thác hồ Tây
Thông tin về công tác quản lý toàn diện các lĩnh vực tại hồ Tây, UBND TP Hà Nội cho biết, từ tháng 9-2016 đến nay, công tác quản lý, khai thác hồ Tây được thực hiện theo quy định về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn TP Hà Nội (Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 19-9-2016 và Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 6-9-2021).
Theo đó, phân cấp việc quản lý, khai thác hồ Tây được giao cho 7 sở, ngành thành phố quản lý, đan xen theo lĩnh vực chuyên ngành, không có một đầu mối quản lý thống nhất, dẫn đến khó khăn, bất cập trong việc tổ chức thực hiện quản lý hồ; tổ chức khai thác, bảo vệ các giá trị của hồ Tây.
Để bảo tồn, phát huy các giá trị tiềm năng, lợi thế của hồ Tây, góp phần xây dựng quận Tây Hồ trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch - văn hóa của Thủ đô, đầu năm 2022, UBND quận Tây Hồ đã báo cáo, đề xuất UBND thành phố về hiện trạng công tác quản lý hồ Tây và kiến nghị UBND thành phố giao cho quận trực tiếp, toàn diện quản lý và khai thác hồ Tây.
UBND quận Tây Hồ đã phối hợp với các sở: Xây dựng, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa và Thể thao, Kế hoạch và Đầu tư để lấy ý kiến đóng góp và đồng thuận với nội dung đề xuất của UBND quận Tây Hồ.
Ngày 31-5-2022, tại Tờ trình số 123/TTrLN-KH&ĐT-XD-QTH của liên ngành Sở Xây dựng - Sở Kế hoạch và Đầu tư - UBND quận Tây Hồ, đề xuất UBND thành phố chấp thuận giao quận Tây Hồ trực tiếp quản lý toàn diện các lĩnh vực trên hồ Tây và vùng phụ cận theo địa giới hành chính; các sở, ngành thành phố thực hiện chức năng quản lý theo chuyên ngành và quy định của thành phố.
Ngày 27-6-2022, tại Thông báo số 293/TB-VP của Văn phòng UBND thành phố, UBND thành phố thống nhất với đề xuất của UBND quận Tây Hồ, ý kiến đồng thuận của liên ngành thành phố về giao UBND quận Tây Hồ là đầu mối quản lý, khai thác hồ Tây gắn với trách nhiệm của quận. UBND thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan rà soát nội dung quy định tại Quyết định số 92/2009/QĐ-UBND ngày 19-8-2009 của UBND thành phố, văn bản số 1476/VP-ĐT ngày 16-2-2022 để tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND thành phố.
Đến nay, Sở Xây dựng đang phối hợp với các sở, ngành có liên quan để tham mưu cho UBND thành phố ban hành quyết định về quy định quản lý hồ Tây (trong đó, UBND quận Tây Hồ sẽ là đầu mối trong việc quản lý, khai thác hồ Tây).
Một số hình ảnh do Báo Người Lao Động ghi nhận vào tối 23-12: