Vỉa hè - nét văn minh đô thị Tuy Hòa

Vỉa hè đường Hùng Vương, TP Tuy Hòa thông thoáng, sạch đẹp. Ảnh: PV

Đường phố Tuy Hòa được quy hoạch mạch lạc theo dạng ô bàn cờ, có lòng đường và vỉa hè khá rộng. Từ khi tái lập tỉnh, đi đôi với việc mở rộng đô thị, hệ thống giao thông trong khu đô thị cũ cũng được chỉnh trang, khai thông, mở tuyến…

Vỉa hè là khoảng cách từ không gian động (lòng đường) đến không gian tĩnh (công trình kiến trúc). Vỉa hè không chỉ dành riêng cho người đi bộ mà còn có các công trình kỹ thuật đô thị, là bộ mặt văn minh của đô thị.

Thực trạng vỉa hè

Hiện nay, lòng đường, vỉa hè ở Tuy Hòa khá đẹp. Tại các khu đô thị mới như khu dân cư phường 7, khu đô thị Hưng Phú, khu đô thị FBS…, hệ thống lòng đường, vỉa hè thông thoáng, cây xanh rợp mát, các công trình kiến trúc chỉn chu. Mỗi khi hạ về, hoa tím bằng lăng, hoa lộc vừng, hoa phượng đỏ rực trên các đường phố; những cánh hoa rơi xuống trải đều trên mặt vỉa hè như tấm thảm nhung ánh lên trong nắng, tạo cảm giác an vui mỗi khi đi qua.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn những con đường chưa thông, hè chưa thoáng; chưa có hệ thống thoát nước mưa nên mùa nắng gió bụi, mùa mưa ngập nước. Nhà dân ở hai bên lấn chiếm vỉa hè để buôn bán ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự giao thông đô thị. Nhiều con đường, đoạn đường có từ rất lâu như đường Nguyễn Công Trứ (dưới rạp Đại Nam), Tản Đà, Lê Thành Phương, người dân nơi đây không tự giác trả lại vỉa hè. Theo phong thủy, đường phố như dòng sông, dòng sông đẹp thì mang lại sự trù phú cho đôi bờ; đường mà lòng thông, hè thoáng thì hai bên nhà ở làm ăn phát đạt, ngược lại thì chậm phát triển.

Lâu nay vỉa hè được lát bằng gạch, tấm đan bê tông. Gần đây, thành phố cải tạo vỉa hè các đường phố chính bằng đá tự nhiên khá đẹp và hiện đại.

Đầu tư công trình kỹ thuật đô thị

Để có những đường phố đẹp, không lạc hậu trong tương lai, địa phương cần quan tâm những vấn đề sau.

Một là, tính đến sự phát triển trong tương lai các công trình xây dựng ngầm dưới mặt vỉa hè như công trình cấp thoát nước, thông tin, cấp điện được đầu tư kiên cố; việc bảo trì, bảo dưỡng cần thuận lợi, đồng bộ. Khi xây dựng có thể kết hợp một đường ống ba chung: chung thông tin, chung điện và chung nước.

Hai là, các công trình xây dựng nổi trên vỉa hè ảnh hưởng lớn đến tầm nhìn, thẩm mỹ của đường phố cần được nghiên cứu lựa chọn, có giải pháp thích hợp. Ví như không xây dựng hai trạm biến thế điện trên một vị trí vỉa hè, không mắc công tơ trên trụ điện tựa như các “tổ ong” trên đường phố; tháo gỡ các dây thông tin không còn sử dụng treo thành bó lơ lửng trên trụ điện…

Ba là, cây xanh được trồng trên vỉa hè phải được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên: Phù hợp với khí hậu, có thân cứng, rễ mọc sâu, ít bị gãy đổ khi gió bão, cây không có gai, không có trái, lá ít rụng… Không nhất thiết mỗi đường phố trồng một loại cây, dễ đơn điệu; có thể trồng xen kẽ để có màu sắc, đường nét, hình khối sinh động và phong phú. Như chúng ta biết, cây xanh ngăn tiếng ồn, che gió bụi, nắng chói chang vào trưa hè, tạo bóng mát; góp phần tăng vẻ đẹp các công trình kiến trúc trên đường phố và là tiêu chí hàng đầu cho một đô thị xanh - sạch - đẹp.

Những đường phố có vỉa hè nhỏ hơn 3m có thể trồng cây xanh trên giàn được làm bằng sắt tráng kẽm trụ tròn 12cm, cách đều 5m/trụ (bằng chiều rộng của nhà). Giàn cao trên 3m, không che lấp mặt nhà; chọn cây dây leo có hoa, ít rụng lá, bám trụ leo lên giàn; trồng điểm ở một vài tuyến và nhân rộng ra. Được biết, TP Tuy Hòa đang có chủ trương phủ xanh tất cả các tường rào trong khu vực nội thành, đem lại màu xanh tươi mới cho từng tuyến đường, góc phố.

Bốn là, vỉa hè được lát bằng nhiều loại vật liệu khác nhau, tốt nhất vẫn là lát đá tự nhiên, mặt đá không quá nhẵn vì trời mưa dễ trơn trượt. Viên lát nhiều kích cỡ, được lát theo dạng chữ công, đuôi công tạo sự phong phú về hình dáng và màu sắc của mặt vỉa hè.

Vỉa hè còn là nơi kinh doanh buôn bán nước giải khát, đồ ăn vặt, hàng hóa… Đây là bản sắc riêng mà đô thị nào cũng có, nhất là các đô thị du lịch nghỉ dưỡng nên cần sắp xếp, quản lý sao cho hợp vệ sinh, mỹ quan và không ảnh hưởng đến giao thông đô thị. Địa phương cần sớm ban hành quy tắc quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị cho các tuyến đường, đoạn phố, trong đó có lòng đường và vỉa hè; kiến trúc công trình, hệ thống đường điện, thông tin liên lạc; quảng cáo, cây xanh, cấp thoát nước…, làm cơ sở cho việc quản lý.

TP Tuy Hòa đang quyết tâm xây dựng để trở thành đô thị loại I văn minh và hiện đại thì rất cần sự đồng thuận của mọi nhà và xã hội để đạt tiêu chí hàng đầu là đường phải thông, hè phải thoáng.

KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/261376/via-he-net-van-minh-do-thi-tuy-hoa.html