Phát triển trục sông Hồng là trung tâm phát triển của Thủ đô: Những chuyển động tích cực

Những ngày này, người tham gia giao thông trên tuyến đường Trường Sa hay Đông Hội (huyện Đông Anh) dễ dàng bắt gặp không khí công trường rất sôi động.

Trên nhiều trang thông tin về bất động sản, thông tin về dự án Vinhomes Cổ Loa cũng tràn ngập với những lời chào mời hấp dẫn, thị trường bất động sản tại khu vực cũng có dấu hiệu “nóng hơn”. Có thể cảm nhận rõ những chuyển động tích cực ở địa phương được Thành phố định hướng phát triển thành quận vào năm 2025 và xa hơn là thành phố trong thành phố như Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị đề ra.

Trục Nhật Tân - Nội Bài đã và đang tạo động lực phát triển cho khu vực phía Bắc sông Hồng. Ảnh: Trung Hiển

Trục Nhật Tân - Nội Bài đã và đang tạo động lực phát triển cho khu vực phía Bắc sông Hồng. Ảnh: Trung Hiển

Trung tâm phát triển sông Hồng

Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2045 nêu rõ, dù đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhưng nhiều tiềm năng, lợi thế của Thủ đô vẫn chưa được đánh giá, khai thác, phát huy đầy đủ. Hà Nội chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; năng lực cạnh tranh còn thấp, nhất là so với khu vực và thế giới.

Hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, phát triển đô thị, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường còn hạn chế; phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị chưa toàn diện, thiếu đồng bộ; nhiều dự án lớn chậm được triển khai, gây lãng phí nguồn lực; việc quy hoạch xây dựng các đô thị vệ tinh không đạt kế hoạch...

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị yêu cầu nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm kỷ cương quy hoạch và quản lý quy hoạch, bảo đảm công khai, minh bạch, có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, vừa phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, vừa tạo ra nguồn lực, không gian và động lực phát triển mới cho Thủ đô, gắn kết hài hòa, hợp lý, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các địa phương khác trong vùng và cả nước; trọng tâm là Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội.

Nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng...

Để đạt được mục tiêu đề ra, cần tập trung đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Thủ đô một cách tổng thể, đồng bộ, hiện đại và hiệu quả, trong đó chú trọng phân bổ, ưu tiên hợp lý nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, kết hợp với đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cho các dự án kết cấu hạ tầng, nhất là dưới hình thức đối tác công tư (PPP), gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Thủ đô... Đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống. Phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030. Mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài; nghiên cứu, xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc...

Không khí sôi động tại công trường xây dựng Khu đô thị Vinhomes Cổ Loa (huyện Đông Anh).

Không khí sôi động tại công trường xây dựng Khu đô thị Vinhomes Cổ Loa (huyện Đông Anh).

Mới đây, ngày 24-5-2024, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 80-KL/TW về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Kết luận nêu rõ, Quy hoạch và Đồ án nói trên phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược...; thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, mâu thuẫn với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia. Đặc biệt, cần chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bổ hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng, góp phần tạo diện mạo mới của Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, với mục tiêu không gian phát triển sông Hồng sẽ là “biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô.

Những điều kiện thuận lợi

Không khó để nhận thấy, chủ trương phát triển theo trục sông Hồng hiện đang có nhiều thuận lợi trong quá trình thực hiện. Nếu như ở phía Đông Bắc, quận Long Biên, huyện Gia Lâm và một phần tỉnh Hưng Yên (huyện Văn Giang) đã và đang chuyển mình vô cùng mạnh mẽ trong vòng dăm năm gần đây.

Cũng không thể không nhắc tới khu đô thị Vinhomes Ocean Park (huyện Gia Lâm) hay “huyện có nhiều cao ốc nhất cả nước” là Văn Giang (Hưng Yên) với khu đô thị Vinhomes Ocean Park 2 - 3, khu đô thị Ecopark. Hệ thống giao thông kết nối khu vực này với vùng kinh tế trọng điểm Đông Bắc, với hạt nhân là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh hiện được đánh giá đã khá hoàn thiện với các tuyến cao tốc vô cùng thuận lợi. Tại khu vực này, dự kiến sẽ còn có cầu Trần Hưng Đạo (nối quận Long Biên với quận Hoàn Kiếm), cầu Mễ Sở (nối huyện Thường Tín với huyện Văn Giang).

Ngược lên phía Bắc sông Hồng, huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh cũng đang có nhiều thuận lợi để đẩy mạnh đô thị hóa trên “nền đô thị, công nghiệp” hiện có. Ưu thế nổi bật nhất dễ dàng nhận thấy tại 3 huyện dự kiến sẽ trở thành “thành phố trong thành phố” là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, các khu công nghiệp và một số tuyến giao thông đã được đầu tư khá đồng bộ như trục Nhật Tân - Nội Bài, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, đường 5 kéo dài... Đặc biệt, theo quy hoạch, tại khu vực này, dự kiến còn có thêm 3 cây cầu lớn bắc qua sông Hồng gồm: Cầu Hồng Hà (nối huyện Mê Linh với huyện Đan Phượng), cầu Thượng Cát (nối huyện Đông Anh với quận Bắc Từ Liêm), cầu Tứ Liên (nối huyện Đông Anh với quận Tây Hồ).

Tại huyện Đông Anh, dự án phát triển Thành phố thông minh có tổng số vốn đầu tư hơn 4,1 tỷ USD của liên doanh Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đã khởi công từ tháng 10-2019. Hai dự án lớn khác là Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia và Công viên Kim Quy cũng đã được động thổ xây dựng.

Quả thật, khó tưởng tượng được sự phát triển nhanh chóng về hạ tầng tại huyện Đông Anh. Cách đây chừng 20 năm, khi về huyện ghi nhận về phát triển giao thông, dự án đáng quan tâm nhất khi đó là trục Đông - Tây, được Phó Trưởng phòng Địa chính - Nhà đất - Đô thị khi đó là ông Lê Xuân Bình giới thiệu rất tâm đắc, tuy nhiên cũng kêu khó vì hạn chế về nguồn lực phát triển. Các tuyến đường đều nhỏ hẹp, đầy những ổ trâu, ổ gà. Thế nhưng với các dự án lớn, đặc biệt là các tuyến cao tốc, sự nỗ lực của địa phương với nguồn lực từ đấu giá quyền sử dụng đất, hệ thống hạ tầng giao thông đã có sự thay đổi vô cùng lớn. Và nay, khi có nguồn lực tài chính của các tập đoàn, doanh nghiệp mạnh đổ vào, chắc hẳn sẽ có những thay đổi chóng mặt trong một vài năm tới.

Lợi thế phát triển của huyện Đông Anh và khu vực phía Bắc được dự báo sẽ còn lớn hơn khi UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 1045/2022/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/500 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), trong đó phạm vi nghiên cứu trên địa bàn 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện, gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm. Quy hoạch này sẽ là cơ sở pháp lý để các địa phương phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vùng đất bãi sông Hồng mà vẫn bảo đảm tuân thủ các quy định về an toàn phòng, chống lũ lụt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Ngày 28-6, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Dù tới ngày 1-1-2025 mới chính thức có hiệu lực nhưng đây được xem là cú hích lớn đối với sự phát triển của Thủ đô, trong đó có việc tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo trục sông Hồng.

Mai Lâm

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phat-trien-truc-song-hong-la-trung-tam-phat-trien-cua-thu-do-nhung-chuyen-dong-tich-cuc-672163.html