VIASEE tổ chức Hội nghị gặp mặt đầu Xuân Giáp Thìn và triển khai kế hoạch năm 2024
PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam khẳng định, VIASEE sẽ cố gắng hết sức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Liên Hiệp hội Việt Nam giao phó.
Vừa qua (16/3) Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) tổ chức Hội nghị gặp mặt đầu Xuân Giáp Thìn và triển khai kế hoạch năm 2024.
TSKH. Phan Xuân Dũng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Sau khi trao Bằng khen của Liên Hiệp hội Việt Nam cho Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam trong năm , TSKH. Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã chúc mừng những thành tựu mà VIASEE đã đạt được trong năm vừa qua.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh, VIASEE là một trong những đơn vị tiêu biểu, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Liên Hiệp hội Việt Nam. Mặc dù mảng môi trường rất nhạy cảm, nhưng hoạt động của VIASEE luôn bám sát tôn chỉ mục đích, không để xảy ra tiêu cực.
"Xin được biểu dương, ghi nhận những kết quả mà VIASEE đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực từ phát triển tổ chức, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tư vấn phản biện giám định xã hội.
Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí, những kết quả mà các đồng chí đạt được đã góp phần tạo nên thương hiệu cho VUSTA. Mong rằng trong thời gian tới, các đồng chí tiếp tục cố gắng, cống hiến bằng tất cả nhiệt huyết cho sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ nước nhà...", TSKH. Phan Xuân Dũng chia sẻ.
Trân trọng cảm ơn sự quan tâm và tình cảm đặc biệt mà Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam dành cho Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam khẳng định, VIASEE sẽ cố gắng hết sức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Liên Hiệp hội Việt Nam giao phó.
Sau phần ghi nhận biểu dương những đóng góp của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam trong năm 2023 đối với sự nghiệp phát triển chung của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội nghị bước vào phần 2 chương trình với nội dung, thảo luận các vấn đề của năm 2023 và triển khai công việc phát triển Hội năm 2024.
Tại Hội nghị, GS.TS Hoàng Xuân Cơ -Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam -Kiêm Trưởng Ban Khoa học đã điểm lại những hoạt động tiêu biểu của Hội Kinh tế Môi trường trong năm 2023 và kế hoạch, phương hướng hoạt động trong năm 2024.
Cụ thể, Ban lãnh đạo Hội, Ban Thường vụ luôn bám sát vào nghị quyết, chủ trương, chính sách của đảng, nhà nước để đổi mới nội đung, phương pháp giúp hội viên, tổ chức Hội thể hiện vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào bảo vệ môi trường nói chung và đưa ra các ý tưởng sáng kiến trong lĩnh vực kinh tế môi trường nói riêng.
Hội được tăng cường về số lượng và thành phần, được cải tiến về phương thức hoạt động. Hội đã xác định rõ ràng vai trò của mình là chiếc cầu nối giữa Bộ TNMT và cộng đồng. Gắn kết chặt chẽ và chịu sự chỉ đạo, hỗ trợ của Bộ TN&MT và Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam (VUSTA) là mối quan hệ chiến lược và là một trong những nguyên nhân quan trọng bảo đảm sự thành công của Hội.
Hội đã làm tốt mảng công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội về môi trường và phát triển bền vững theo khả năng của mình. Những góp ý tại các thư kiến nghị gửi Thủ tướng, Ban soạn thảo luật của Quốc hội hay các hội thảo, diễn đàn, tọa đàm là tư liệu quan trọng, mang nhiều ý nghĩa.
Nhiệm kỳ qua, hoạt động giáo dục, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về môi trường tiếp tục có nhiều tiến bộ, có nhiều hình thức phong phú và đa dạng, có tác dụng tốt đối với đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là việc tổ chức các lớp tập huấn. Trong thời gian tới, cần chú trọng nâng cao hiệu quả của các hoạt động này, lựa chọn quy mô, mức độ sự kiện để hợp với năng lực của Hội.
Với kinh nghiệm và tiềm lực của mình, Hội đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của đất nước dưới nhiều hình thức như thực hiện các đề tài, dự án, nhiệm vụ của các bộ ngành, địa phương và đặc biệt là các dịch vụ môi trường (lập quy hoạch ĐTM, ĐMC,...).
Việc hợp tác, phối hợp hoạt động của Hội với các tổ chức trong nước và quốc tế đã được chú trọng. Trong các năm tiếp theo, Hội sẽ tiếp tục hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế sâu, rộng hơn.
Công tác thi đua khen thưởng ngày càng được quan tâm, đi vào nề nếp và đã có tác động tích cực đối với hoạt động của Hội, cần tiếp tục được tăng cường.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường khẳng định, kể từ khi được thành lập cho tới nay, Hội luôn làm tất cả những gì có thể để phục vụ cho sự nghiệp chung của đất nước nói chung và Liên Hiệp hội Việt Nam nói riêng.
"Những nỗ lực của Hội đã được Bộ TN&MT, Liên Hiệp hội Việt Nam ghi nhận, minh chứng là những tấm Bằng khen. Chúng ta có quyền tự hào nhưng không được tự mãn, chúng ta cần phải cố gắng hơn nữa, làm tốt hơn nữa, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và Liên Hiệp hội Việt Nam. Còn rất nhiều việc chúng ra phải làm.
Trong đó, cần xem xét, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của Ban Pháp chế, củng cố và tích cực phát tiển Ban Khoa học, phấn đấu để chuyên đề khoa học được điểm trong Hội đồng chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư. Ban Công tác hội viên cũng cần có cơ sở để phục vụ cho các hoạt động.
Liên Hiệp hội Việt Nam và các cơ quan quản lý đánh giá cao hoạt động tư vấn phản biện, cũng như việc ứng dụng khoa học công nghệ vào cuộc sống của Hội, do đó trong thời gian tới, chúng ta cần hoạt đông mạnh mẽ hơn nữa, đi vào cụ thể tại từng địa phương.
Đề tài sử dụng bùn đỏ làm vật liệu xây dựng đã được áp dụng vào thực hiện, mang lại hiệu quả rõ rệt. Trong tương lai, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện và ứng dụng đề tài sử dụng bùn đuôi quặng trong sản xuất nông nghiệp. Đó thực sự là đáp án cho những bài toán hóc búa trong khai thác bauxite ở nước ta", PGS.TS Trương Mạnh Tiến chia sẻ.
Về phần mình, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường cho rằng, có nhiều ràng buộc liên quan đến cơ chế tài chính đã ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của Viện.
"Chúng tôi thực hiện rất nhiều đề án, tổ chức nhiều tọa đàm nhưng hiệu quả kinh tế mang lại hạn chế. Viện muốn làm nhiều, nhưng không có tài chính thì cũng đành chịu. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn giữ vững tinh thần tự nguyện tự giác, sẵn sàng, còn hiệu quả kinh tế có thể tính sau...Trong thời gian tới, Viện sẽ cố gắng tìm kiếm thêm cơ hội trong nước và quốc tế, từ đó tạo nền móng cho sự phát triển của Viện trong tương lai", PGS.TS Nguyễn Thế Chinh bày tỏ.
Là khách mời đặc biệt của buổi gặp mặt, Tiến sĩ Lê Đình Tiến, Phó Chủ tịch Hội giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam bày tỏ: "Tôi đánh giá cao các nhà khoa học của VIASEE trong vấn đề tham vấn phản biện phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn. Lĩnh vực môi trường đang được Đảng, Nhà nước và cả xã hội quan tâm. Tôi cho rằng, trong thời gian tới, hai hội hoàn toàn có thể ký hợp tác trên nhiều lĩnh vực".
Đóng góp vào các ý kiến tham luận tại Hội nghị, bà Nghiêm Thị Vân bày tỏ: Tôi cũng tham gia rất nhiều hội liên quan đến khoáng sản. Tôi làm các dự án thiết kế liên quan đến môi trường như tuyển quặng, xây dựng quy chuẩn nghiệm thu về nước thải chăn nuôi do Bộ Công Thương đặt hàng. Đối với Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam có rất nhiều chuyên gia am hiểu về lĩnh vực kinh tế môi trường, kinh tế tuần hoàn nên tôi rất muốn tham gia hội để nhận được sự hỗ trợ, hợp tác của Hội và các thành viên trực tiếp từ hội.
Ông Phạm Văn Lợi, Viện phó Viện Môi trường biển và Hải đảo (Bộ TN&MT) chia sẻ: Theo tôi, VIASEE cần nghiên cứu, đề ra các đề án để triển khai trong năm 2024 sớm hơn. Việc đề các đề án được thực hiện từ quý III năm trước. Trong đó có các đề án về môi trường từ Bộ TNMT. Bộ cũng đang rất muốn "lôi kéo" các tổ chức ngoài ngân sách nhà nước để nghiên cứu các công việc đề án về môi trường. Hình thức là tổ chức hội thảo, góp ý để phản biện, đánh giá các văn bản. Viện, Trung tâm mở rộng chức năng về tư vấn môi trường, giấy phép môi trường, ĐMC... Huy động các nguồn lực từ các nhà khoa học trong Viasee để cùng thực hiện.
Góp ý tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, Hội cần phải đề cao sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, giúp đỡ hội viên. Nếu làm được điều đó, chắc chắn Hội sẽ vững mạnh về tiềm lực và phát triển tốt hơn.
"Kênh truyền thông của Hội là Tạp chí Kinh tế Môi trường có thể bổ sung thêm mục thông tin về hội viên, giới thiệu hội viên, cập nhật tin tức liên quan đến quyền và lợi ích của hội viên. Chúng ta cũng cần xem xét việc họp định kỳ Ban Chấp hành nếu thấy cần thiết, bởi lẽ không họp thì không quán triệt sát sao được đường lối của Hội. Liên quan đến việc tinh giản Ban Pháp chế, tôi cho rằng cần phải xem xét thật kỹ, cân nhắc trước khi đưa ra quyết định", ông Phúc kiến nghị.
Kết luận Hội nghị, PGS.TS Lưu Đức Hải đã tổng kết lại 5 nhiệm vụ chính của Hội trong thời gian tới.
Thứ nhất, mở rộng và thắt chặt hợp tác với các hội trong khối môi trường và biến đổi khí hậu.
Thứ hai, củng cố lại tổ chức, quan tâm sâu sát đến Ban Khoa học, Ban Hội viên, đồng thời xem xét lại hoạt động của Ban Pháp chế.
Thứ ba, xem xét việc mở các chi hội trực thuộc, tăng cường công tác hội viên, xem xét bổ sung quyền lợi đối với hội viên.
Thứ tư, quyết tâm trong năm 2024 sẽ đưa chuyên đề khoa học của Tạp chí Kinh tế Môi trường vào danh sách được tính điểm trong Hội đồng chức danh Phó Giáo sư, Giáo sư. Đề làm được điều đó, mỗi thành viên trong Ban Chấp hành sẽ phải viết ít nhất 01 bài báo khoa học, từ đó gia tăng số lượng bài viết chất lượng.
Thứ năm, tích cực tìm kiếm và thực hiện các dự án, đề án, củng cố sức mạnh của Hội bằng tất cả các nguồn lực sẵn có.
Hội nghị đã kết thúc tốt đẹp.