VIATT 2025: Kết nối doanh nghiệp dệt may tham gia sâu hơn trong chuỗi cung ứng
Tại VIATT 2024, Ban tổ chức đã trực tiếp tổ chức và kết nối gần 500 cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp trưng bày và các khách tham quan, mua hàng tới từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Triển lãm VIATT 2024 thu hút đông đảo khách tham dự. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết từ ngày 26/2 đến 28/2 tới đây, tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC) sẽ diễn ra Triển lãm Quốc tế ngành Dệt may và Công nghệ Dệt Việt Nam-VIATT 2025.
Đây là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng giúp nâng cao vị thế của Việt Nam là trung tâm sản xuất dệt may hàng đầu và mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành dệt may từ các nước ASEAN, châu Âu và các khu vực khác, do Bộ Công Thương chủ trì giao Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Tập đoàn Messe Frankfurt (Đức) tổ chức.
VIATT 2025 thu hút sự tham gia của hơn 400 nhà trưng bày với trên 500 gian hàng, tập trung trưng bày một loạt các sản phẩm và giải pháp bao phủ toàn bộ lĩnh vực dệt may, bao gồm vải và phụ kiện may mặc, sợi và chất xơ, quần áo, dệt may dân dụng và gia công, dệt may công nghiệp, vải không dệt và thiết bị dệt may, dịch vụ cấp chứng nhận và giải pháp dệt may…
Theo đại diện Ban Tổ chức, triển lãm năm nay sẽ chú trọng vào những xu hướng tương lai của ngành, với việc giới thiệu Khu Econogy (Khu vực sản xuất bền vững) và Khu giải pháp sáng tạo & kỹ thuật số, tập trung nhấn mạnh sự chuyển biến của ngành hướng đến tính bền vững và đổi mới công nghệ.
Đặc biệt, Khu gian hàng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam tiếp tục là nơi để các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác và chứng tỏ vai trò dẫn dắt của mình trong lĩnh vực dệt may.
Năm nay, Triển lãm thu hút sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp trưng bày quốc tế, đặc biệt là khu gian hàng quốc gia/vùng lãnh thổ đến từ Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan, cùng với sự ra mắt lần đầu tiên của Khu gian hàng châu Âu tại Triển lãm.

Tại VIATT 2024, Ban tổ chức đã tổ chức và kết nối gần 500 cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp trưng bày và các khách tham quan, mua hàng tới từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. (Ảnh: PV/Vietnam+)
VIATT 2025 dự kiến sẽ tiếp tục nâng cao vị thế là điểm đến hàng đầu cho các nhà mua hàng dệt may tại khu vực ASEAN. Hiện tại, các đoàn mua hàng tới từ Malaysia, Myanmar, Thái Lan và một số quốc gia khác đã xác nhận sẽ tới tham dự Triển lãm.
Tại kỳ tổ chức đầu tiên vào năm 2024, Triển lãm đã thu hút được gần 18.000 lượt khách tới tham quan và giao dịch, trong đó có khoảng 3.000 khách quốc tế đến từ 55 quốc gia/vùng lãnh thổ. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng đã trực tiếp tổ chức và kết nối gần 500 cuộc gặp gỡ tại Triển lãm giữa các doanh nghiệp trưng bày và các khách tham quan, mua hàng tới từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới./.