Các kịch bản của đồng ruble trước tác động của đàm phán Nga-Mỹ
Ngày 21/2, Ngân hàng Trung ương Nga đã ấn định tỷ giá hối đoái chính thức của đồng ruble như sau: đối với đồng nhân dân tệ– 12,14 ruble, đối với đồng USD–88,51 ruble, đối với đồng euro – 92,48 ruble.

Đồng ruble của Nga. Ảnh: THX/TTXVN
Như vậy, chỉ trong một ngày tỷ giá giữa đồng USD và ruble đã giảm 1 ruble 91 kopeck, tỷ giá giữa đồng euro và ruble giảm 1 ruble 58 kopeck.
Nhà phân tích Ivan Efanov tại công ty Tsifra Broker, lưu ý rằng tính từ ngày 12/2, thời điểm diễn ra cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống Nga, thì đồng ruble đã tăng giá 8,4% so với USD, 7,1% so với đồng euro và 6,81% so với đồng nhân dân tệ.
Tuy nhiên, trên thực tế, đồng ruble đã bắt đầu thể hiện xu hướng này sớm hơn –từ đầu năm 2025, khi vẫn chưa đến lễ nhậm chức của ông Donald Trump và việc ông thực hiện lời hứa tranh cử là sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột ở Ukraine (U-crai-na). Trong thời gian đó, tỷ giá hối đoái của đồng USD so với đồng ruble đã giảm 22,28%, giá trị của đồng euro đã giảm 21,3% và đồng nhân dân tệ - giảm 22,02%, nhà phân tích Vladimir Chernov tại Freedom Finance Global cho biết.
Chuyên gia này cho biết thêm rằng phản ứng của đồng ruble thực sự quá mạnh - hơn 20% trong vòng chưa đầy hai tháng, mức này được coi là biến động cao và hiếm xảy ra ngay cả đối với các tài sản rủi ro.
Đồng thời, các chuyên gia không thấy bất kỳ yếu tố cơ bản nào khiến đồng ruble tăng giá. Trên thực tế, cán cân cung cầu tiền tệ trong nước chưa thể thay đổi đáng kể do lệnh trừng phạt vẫn chưa được dỡ bỏ. Do đó, mọi diễn biến liên quan đến tỷ giá hối đoái hiện nay đều là phản ứng thuần túy trước các sự kiện địa chính trị.
Tuy nhiên, cũng có một yếu tố nội tại giúp đồng ruble mạnh lên. Mùa nộp thuế đang đến gần và các công ty đang bán ngoại tệ để nộp thuế. Thời điểm thanh toán tài chính của các nhà xuất khẩu đạt đỉnh vào ngày 25 và 28 tháng 2, cũng như lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu khí Nga có hiệu lực vào ngày 27/2, chuyên gia thị trường chứng khoán tại BCS World of Investments, Dmitry Babin, cho biết. Một số công ty có tên trong danh sách trừng phạt có thể chuyển đổi một lượng lớn ngoại tệ sang ruble trước ngày này, điều này sẽ làm tăng lượng ngoại tệ bán ra.