VICEM Hà Tiên lãi ròng 58,7 tỷ đồng trong quý II

Từ tình trạng lỗ kỷ lục trong quý I/2023 lên tới 86 tỷ đồng, Công ty cổ phần Xi măng VICEM Hà Tiên (VICEM Hà Tiên mã chứng khoán HT1) đã báo con số lãi ròng của quý II đạt gần 59 tỷ đồng.

VICEM Hà Tiên kỳ vọng sản phẩm PCB50 bao 40 kg sẽ là giải pháp tối ưu cho mọi công trình. Ảnh: VICEM Hà Tiên

VICEM Hà Tiên kỳ vọng sản phẩm PCB50 bao 40 kg sẽ là giải pháp tối ưu cho mọi công trình. Ảnh: VICEM Hà Tiên

Như vậy, sau khó khăn chung của toàn ngành vật liệu xây dựng, VICEM Hà Tiên đã lấy lại đà tiến của thương hiệu xi măng mạnh nhất khu vực phía Nam.

Theo đó, tài chính hợp nhất quý II/2023 của VICEM Hà Tiên ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.134,7 tỷ đồng, vẫn giảm 15,47% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng doanh thu hoạt động tài chính ghi nhận đạt mức 462,9 triệu đồng, tăng khoảng 137,1 triệu đồng, tương đương mức tăng 42,1% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2023 của VICEM Hà Tiên ghi nhận tổng lợi nhuận kế toán trước thuế là 55,26 tỷ đồng, giảm 66,3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 58,7 tỷ đồng, giảm 56,8% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, VICEM Hà Tiên ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 3.941,5 tỷ đồng, giảm 14,26% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, VICEM Hà Tiên báo lỗ sau thuế 26,9 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lãi 167,4 tỷ đồng. Như vậy sau 6 tháng, công ty đã thực hiện được 41% kế hoạch doanh thu và còn cách xa mục tiêu lãi sau thuế 276 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, VICEM Hà Tiên vẫn là một trong những những đơn vị dẫn đầu trong Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) và là thương hiệu mạnh có uy tín trên thị trường, đặc biệt là tại khu vực phía Nam. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu HT1 của VICEM Hà Tiên vẫn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và đã tăng 61%.

Năm 2023 vẫn tiếp tục kéo dài thời điểm khó khăn của thị trường vật liệu xây dựng nói chung và xi măng Việt Nam nói riêng bởi các dự án chậm triển khai do gặp nhiều vướng mắc về nguồn vốn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc nguồn cung xi măng vượt xa nhu cầu của thị trường trong nước. Bên cạnh đó, các chi phí đầu vào như giá điện, giá than cũng tăng.

Trong khi đó, thị trường xuất khẩu cũng dự báo sẽ tiếp tục khó khăn do các nước nhập khẩu xi măng, clinker tiếp tục thực hiện nhiều chính sách bảo hộ sản xuất xi măng trong nước và giá cước vận chuyển cao. Đáng chú ý, từ ngày đầu năm nay, thuế xuất khẩu clinker đã được Việt Nam nâng từ mức 5% lên 10% khiến doanh nghiệp xi măng gặp “khó chồng khó”./.

Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/vicem-ha-tien-lai-rong-58-7-ty-dong-trong-quy-ii/300380.html